Kỹ sư đột quỵ 2 lần/tuần do thói quen nhiều người trẻ mắc

Chưa được một tuần, nam kỹ sư đột quỵ 2 lần vì thức khuya, ít vận động, làm việc quá sức,...

Tiểu Phương, một kỹ sư phần mềm 24 tuổi ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dáng dấp cao gầy và không có bệnh tật gì. Vài ngày trước, Tiểu Phương đau đầu như kim châm, nói năng không rõ ràng nên được đưa đến Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Y khoa Chiết Giang.

Sau khi kiểm tra, người ta phát hiện ra rằng động mạch nền não của Tiểu Phương đã bị tắc, động mạch đốt sống bên trái cũng bị tắc một phần, chẩn đoán đột quỵ do tắc mạch máu não.

Bác sĩ Trầm Kiến - bác sĩ điều trị trường hợp này cho biết, thật may mắn là Tiểu Phương đã đến bệnh viện kịp thời, ngay lập tức được tiến hành loại bỏ huyết khối mạch máu nội sọ nên không nguy hiểm đến tính mạng.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tưởng như qua được cơn bạo bệnh, không ngờ Tiểu Phương xuất viện không lâu sau lại bị một cơn đột quỵ nữa. Cơn thứ hai xảy ra vào ban đêm, anh bất ngờ ngã quỵ xuống đất ngay tại nhà, liệt nửa người, chân tay không linh hoạt, nói ngọng. Khi được đưa đến bệnh viện, Tiểu Phương vẫn còn hơi tỉnh táo nhưng không thể giao tiếp được, sau đó anh hôn mê.

Sau khi bác sĩ kiểm tra, phát hiện ra động mạch nền của Tiểu Phương lại bị tắc, vì vậy một cuộc phẫu thuật đã được tiến hành ngay lập tức để đặt một đặt stent tại mạch bị tắc.

Bác sĩ Trầm Kiến chỉ ra rằng sau lần lấy huyết khối đầu tiên, các mạch máu của Tiểu Phương đã thông suốt và máu lưu thông không bị cản trở nên không cần đặt stent. Lần thứ hai này, buộc phải đặt stent để ngăn chặn tình trạng đột quỵ lặp lại.

"Hiện tại, Tiểu Phương đã bình phục và được xuất viện, chức năng thần kinh cũng đã hồi phục hoàn toàn. Đánh giá mới nhất cho thấy tất cả các chỉ số đều bình thường", bác sĩ Trầm Kiến nói.

Tiểu Phương mới 24 tuổi, còn trẻ và không mắc các bệnh như huyết áp cao hay béo phì, tại sao lại bị đột quỵ nhiều lần?

Bác sĩ Trầm Kiến chỉ ra, theo tình trạng của Tiểu Phương, thói quen sinh hoạt là nguyên nhân chính gây ra bệnh.

"Mệt mỏi, làm việc trong thời gian dài, thức khuya, béo phì, huyết áp cao, viêm nhiễm và các yếu tố khác sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng tăng đông, nghĩa là máu dễ đông hơn bình thường, dễ hình thành huyết khối và đột quỵ hơn", bác sĩ nói.

Là một kỹ sư, Tiểu Phương hàng ngày ít vận động, làm việc nhiều giờ và thức khuya, sinh hoạt thất thường trong một thời gian dài, thậm chí còn phải làm việc ngoài giờ trước khi dịch bệnh bùng phát, dẫn đến thời gian ngủ không đủ. Vừa khỏi bệnh, cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn lại làm việc tiếp nên khả năng bị đột quỵ cũng tăng cao.

Bác sĩ nhắc nhở, khoảng 70-85% bệnh nhân đột quỵ mất khả năng sống và lao động ở các mức độ khác nhau, cần cảnh giác cao độ và tốt nhất là đi khám ngay khi có dấu hiệu.

Mời quý độc giả xem thêm video: Cơ hội phục hồi cho bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não.

Nguồn video: BRT

Kiều Dụ (Theo Sina)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/ky-su-dot-quy-2-lantuan-do-thoi-quen-nhieu-nguoi-tre-mac-1813323.html