Ký sự Malaysia: Từ Malacca cổ kính đến đêm buồn đô thị

Đến thăm phố cổ Malacca, tôi chợt nhớ nhạc sĩ Lê Thương với tam đại danh khúc 'Hòn Vọng Phu'. Mặc dù, 'Hòn Vọng Phu' nói về chuyện chờ chồng hóa đá nhưng vẫn có những khúc hoài sử tuyệt kỹ và tráng lệ ở bài thứ ba. Đoạn 'Từ bóng cây ngôi mộ bên đuờng/ Từ mái tranh bên đình trong làng/ Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống' như đang dành cho Malacca.

Các đình thờ của người gốc Hoa ở phố cổ Malacca

Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống

Malacca nằm cách Kuala Lumpur 150km. Đây từng là tiền đồn chiến lược của Đại Anh đế quốc, sau hai lần sang tay từ người Bồ Đào Nha và Đông Ấn Hà Lan.

Cứ điểm Malacca canh giữ cho tuyến huyết mạch của hệ thống thuộc địa Nam Á. Tương truyền, nhà hàng hải Trịnh Hòa của Minh triều đã một lần ghé thăm điểm hội tụ lịch sử này.

Không đến được pháo đài của người Bồ Đào Nha nhưng đâu đó bên đường, tôi bắt gặp những họng pháo đen ngòm và hoen rỉ nằm rải rác. Phế tích trăm năm minh chứng cho quy luật: Thời gian đã thấm biết bao suy tàn.

Hơn nửa thế kỷ trước khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẵng (1858), hải quân của Napoléon từng tiến hành thăm dò thuộc địa qua eo biển Malacca. Tuy nhiên, hệ thống tiền đồn thuộc Anh đã ngăn chặn cuộc phiêu lưu viễn dương này.

Ngày tôi đến, thành quách Malacca đang rực rỡ dưới ánh nắng chiều. Nguồn sử xanh vẫn còn ẩn mình bên trong các dãy nhà màu vàng cam, một trệt một lầu, chạy dọc khu phố cổ.

Bước qua nền gạch tàu, trú chân nơi mái đình của người gốc Hoa, thấy cao xanh lồng lộng soi xuống giếng trời.

Giữa chiều buồn lặng gió, lữ khách giật mình nghe một tiếng quạ kêu. Tiếng kêu rơi rụng giữa thinh không làm lòng người mơ hồ định hỏi thuyền ai đậu bến Cô Tô, nhưng chẳng thể tìm gặp hồi chuông tỉnh mộng của Đường triều thi sĩ?

Trên những con đường xuyên qua khu phố cổ, thấy BMW, Mercedes, Toyota, Audi, Volkswagen, Honda chạy chung với hai hãng xe quốc nội Proton và Perodua.

Xe Proton có giá từ 35.000 - 130.000 ringgit (tầm 200 triệu đến 730 triệu đồng). Perodua đang thịnh hơn, có giá bán khoảng 22.000 - 90.000 ringgit (tầm 123 triệu đến 500 triệu đồng).

Tuy nhiên, hãng Proton được dự đoán sẽ sớm lấy lại phong độ trên thị trường Malaysia nhờ bắt tay với các hãng xe nước ngoài. Trước khi hợp tác với Proton, hãng Geely của Trung Quốc đã mua lại Volvo từ Ford. Ở Kuala Lumpur, Volvo và Proton cũng chia nhau một không gian showroom quay ra mặt tiền đường lớn.

Hành trình từ Kuala Lumpur đến thành phố cổ Malacca để thăm Bệnh viện Mahkota dài 150km. Giữa đường cao tốc, chúng tôi ghé trạm dừng chân tầm 15 phút.

Tại các trạm dừng chân, chính phủ Malaysia khống chế mức giá chung. Một lon Coca ở đây bán ngang giá cửa hàng tiện lợi 7 Eleven tại Kuala Lumpur, khoảng 2,5 - 2,7 ringgit (tầm 14.000 đồng). Tuy nhiên, thức uống phổ biến này lại bị xếp vào khu vực bên trong.

Vị trí đắc địa nhất được dành cho tủ đồ uống tự động, trưng bày toàn mặt hàng quốc nội như nước ép hoa cúc, đậu nành, mãng cầu, me, sương sáo... Thỉnh thoảng, Red Bull và Nestle mới chen chân một vài sản phẩm.

Câu chuyện niêm yết giá trên các sản phẩm dịch vụ dường như trở thành nguyên tắc bất di bất dịch ở thị trường nước này. Một quả trứng chiên và nửa quả trứng muối tại trạm dừng chỉ có giá 1 ringgit (5.600 đồng) cũng được niêm yết công khai.

 Nhà thờ cổ nổi tiếng ở Malacca

Nhà thờ cổ nổi tiếng ở Malacca

Câu chuyện dưới ánh sáng kinh kỳ Pavilion

Sau khi về Pullman, chúng tôi phải giải quyết công việc đến 9 giờ tối và quyết định tự túc cho bữa ăn cuối ngày bằng món bò Australia sốt nấm tại nhà hàng bên trong Pullman. Giá bữa ăn này khá chát, đến 112 ringgit (khoảng 630.000 đồng), nhưng đổi lại là một bầu trời đêm tự do.

Tôi mang laptop ra quầy và gọi nước. Ly Mojito ở Pullman khá nặng đô, có giá 40 ringgit (tầm 220.000 đồng), bằng với loại cocktail ở khách sạn Sofitel (quận 1, TPHCM).

Rudin - nhân viên phục vụ của Pullman đem đến cho tôi một ống hút giấy rất đẹp và chắc chắn. Từ năm 2018, các khách sạn lớn như Pullman đã bắt đầu sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường. Đây cũng là chính sách chung của chính phủ Malaysia đến năm 2020.

Nhìn đồng hồ đã gần nửa đêm, nhân lúc quầy vắng khách, tôi tranh thủ bắt chuyện với Rudin bằng tiếng Anh bồi, tiếng Mã Lai và cả Google translate.

Rudin năm nay 21 tuổi, vừa kết hôn, vợ anh đang thất nghiệp. Mỗi ngày, Rudin chạy mô tô 15 phút đến Pullman. Ca làm việc của anh kéo dài tới nửa đêm.

Rudin đại diện cho một lớp người trong các xã hội đa tôn giáo, đa văn hóa và đa sắc tộc kiểu Ấn Độ, Malaysia, Indonesia. Họ khá dè dặt khi kể về câu chuyện đời mình. Họ quen thuộc như những gương mặt Rancho, Farhan, Raju trong phim “3 Idiots”.

Ở độ tuổi rất trẻ, họ kết hôn sớm và làm công việc phục vụ tại những nơi có nhiều người ngoại quốc. Lúc họ tan tầm về nhà, ánh sáng kinh kỳ tỏa ra từ trung tâm sầm uất Pavilion đối diện đã không còn huy hoàng như vài tiếng đồng hồ trước.

Khi nghe tôi nói sẽ đi bộ một mình, Rudin nhìn vào túi laptop và khẽ nhắc “Cẩn thận thưa anh”. Ở Pullman, nhân viên nào cũng có thái độ tốt. Khi bạn muốn đổi ngoại tệ, mua thuốc lá, nhân viên luôn báo trước: Cửa hàng bên ngoài được giá hơn!

Tôi chào Rudin, bỏ lại ánh sáng kinh kỳ Pavilion và cuốc bộ về hướng Petronas. Bước vào tầng trệt một chung cư cũ, tôi thấy những kios đề chữ karaoke restaurant tầm 30m2 còn nhấp nháy đèn màu.

Nhiều cô gái mảnh mai, ăn vận khá thoáng, tươi cười chào mời các vị khách qua lại. Cửa trước karaoke restaurant để mở và họ vẫn hò hát um trời. Đồng hồ điểm đúng 0 giờ 30 phút.

Bên cạnh những karaoke restaurant, nhiều khách nước ngoài còn tập trung ở các cafe club, nơi tiếng nhạc chỉ xập xình vừa đủ.

Khi trăng tàn trên hè phố, con đường dẫn đến Petronas bắt đầu thưa vắng bóng người....

Xa rời ánh sáng kinh kỳ Pavilion, tôi gặp ánh sáng vàng rực tỏa ra từ Public Bank. Thứ ánh sáng đối lập với màn đêm rã rời đang phủ xuống tòa tháp đôi kiêu hãnh.

Đêm buồn đô thị ở Kuala Lumpur làm tôi liên tưởng nhiều hơn về yếu tố underground trong tâm hồn con người, văn hóa và xã hội Malaysia.

Những chiếc lá không dám trở mình bay, những người vô gia cư bốc vội bữa ăn lúc tàn canh của họ, mấy tay taxi gốc Ấn mệt mỏi ngồi thỏm bên vệ đường... Ánh sáng đô thành thấu tỏ từng mặt người và làm không gian Kuala Lumpur đặc quánh lại.

Cảm giác đó, tôi từng nghe một lần trong “Phố buồn” của Phạm Duy, khi ông viết “Đường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang/Ánh sáng kinh kỳ tràn lan” ở đô thành Sài Gòn. Bài tango của người nhạc sĩ lừng danh và Kuala Lumpur về đêm, mãi là sự huyền diệu dưới vòm trời kinh kỳ đầy ánh sáng.

Kiến Đức

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ky-su-malaysia-tu-malacca-co-kinh-den-dem-buon-do-thi-4048711-b.html