Kỹ sư, nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam: Chúng ta cần thêm một vòng đời nữa…

Anh đã từng đạt giải thưởng 'Nhân tài đất Việt' và nằm trong nhóm 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015.

Anh đã vấp ngã, thậm chí đã phải trả giá rất đắt cho những ý tưởng sáng tạo và cả những quyết định đầu tư đầy tham vọng của mình. Nhưng rốt cuộc đến lúc này thì anh, kỹ sư - nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam khá thành công với dự án sản xuất camera thông minh, có khả năng nhận diện gương mặt con người.

Đối thoại với nhà sáng chế trẻ tuổi này, nghe anh nói về những thăng trầm trong sự nghiệp và cả những phân tích chí lý về những thần tượng lớn trong cuộc đời mình, chắc chắn những người trẻ ưa tìm tòi, sáng chế sẽ rút ra được rất nhiều điều bổ ích.

- Nhà báo Phan Đăng: Anh Nguyễn Đình Nam này, hình như anh đạt giải "Nhân tài đất Việt" không chỉ một lần?

- Nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam: Chính xác là 2 lần, vào năm 2011 và 2015.

- Tiêu chí để được công nhận "nhân tài đất Việt" là gì, thưa anh?

- Ai làm được cái gì hay thì nộp hồ sơ gửi lên, và sẽ được đánh giá và trao giải. Năm 2011 mình gửi sản phẩm hệ thống chiếu sáng thông minh, 2015 là sản phẩm camera. Sau nhiều năm nghiên cứu thì mình tìm ra được một thuật toán nén rất hay giúp camera có hình ảnh tốt hơn khi đường truyền giới hạn, về sau dần bổ sung thêm nhiều tính năng thông minh khác.

- Và có khả năng nhận dạng người quen, người lạ nữa?

- Đúng thế!

- Phải nói thật với anh là tôi đã từng nói chuyện với không ít nhà sáng chế Việt Nam, và nghe họ nói rất hay về những sản phẩm của mình. Nhưng sau khi tìm hiểu thì tôi thấy những sản phẩm ấy chỉ mới ở Việt Nam, còn so với thế giới có khi lại là rất cũ. Tôi hỏi một câu mong anh không phật lòng: Những chiếc camera như anh vừa nói chắc là cũng đã xuất hiện trên thế giới rồi chứ?

- Nói về tính năng nhận dạng khuôn mặt, từ cách đây hơn 20 năm, nó đã được Hoa Kỳ ứng dụng phục vụ an ninh quốc gia, ví dụ như dùng bởi FBI (Cục Điều tra liên bang Mỹ), dần dần nhiều người làm chủ nó hơn, đến nay thì công nghệ cũng phổ biến, dễ tiếp cận để nghiên cứu, nhưng phạm vi thương mại hóa còn rất hẹp do giá thành còn cao vì cần trang bị máy tính cấu hình tương đối mạnh để xử lý.

- Vậy thì rốt cuộc sản phẩm của anh khác biệt gì so với những sản phẩm đã có trên thế giới?

- Mình là người đưa ra thiết kế mới giúp tạo ra camera giá rất rẻ mà vẫn nhận dạng được người với độ chính xác rất cao, thiết kế mới chủ yếu khác biệt ở việc sử dụng chip phổ thông giá rẻ rồi tối ưu hóa thuật toán để vẫn xử lý kịp trên chip đó. Mình đã nộp vài đơn đăng ký sáng chế và đơn đầu tiên đã được cấp bằng ở Việt Nam, các đơn sau còn phải chờ nhà nước thẩm định.

Song song thì mình cũng đang tiến hành nộp đơn lên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới để được cấp bằng ở nước ngoài. Hiện nay công ty mình đang đàm phán ký hợp đồng với rất nhiều bên để chính thức đưa loại camera này vào thị trường.

- Quá trình nghiên cứu phức tạp không?

- Khi nghiên cứu thiết kế sản phẩm camera thì mình xác định là mình là người tham gia thị trường sau đến hàng chục năm, thì phải cải tiến để tạo ra một vài mặt nào đó ưu việt hơn thì mới sống sót trên thị trường được.

Ví dụ thông thường, để nhận dạng gương mặt từ một chiếc camera, người dùng phải kết nối camera với máy tính, nhưng với những sản phẩm của mình thì có thể nhận dạng biển số xe hay mặt người ngay trên camera, mà không cần máy tính nào cả. Điều này khiến sản phẩm vừa tiện dụng vừa giảm chi phí.

Tuy nhiên, cải tiến thiết kế là việc rất phức tạp, phải tốn rất nhiều công sức và thời gian. Từ khi bắt đầu nghiên cứu đến khi có sản phẩm mẫu khoảng 1 năm, sau đó cần đóng gói hoàn thiện sản phẩm trong khoảng 1-2 năm nữa mới bán đại trà ra thị trường được.

- Và trong quá trình nghiên cứu ấy chắc chắn là anh đã rất đau đầu?

- Với sản phẩm camera thông minh, lúc đầu do chưa cập nhật công nghệ nên chúng tôi đã đi theo một hướng thiết kế không đúng. Cái giá phải trả là mất tiền, mất thời gian, sản phẩm không kinh doanh được.

Sau đó, tôi mới nhận ra muốn thành công thì phải học thêm rất nhiều kiến thức mới. Thế là tôi tự học từ các luận án, các công bố khoa học mới nhất của nước ngoài. Trên 35 tuổi, việc phải học các kiến thức mới kể cũng rất ngại, nhưng vượt qua được cái ngại đó rồi thì việc nghiên cứu đem lại rất nhiều cảm hứng.

Ngoài ra, quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm giúp tôi nhận ra một điều thú vị đối với một kỹ sư như mình: Học từ các tài liệu khoa học kỹ thuật và ứng dụng được vào thực tế thành 1 sản phẩm đầy đủ là điều khó, làm được điều đó thì gọi là làm chủ công nghệ.

Nhưng làm chủ công nghệ thôi thì chưa đủ. Thứ nhất vì chỉ làm chủ công nghệ thì sản phẩm của mình cũng không tốt hơn sản phẩm của bất cứ đối thủ nào. Thứ hai vì dù làm chủ thì sản phẩm mình làm ra vẫn sẽ đắt hơn của Trung Quốc, vì họ cũng làm chủ công nghệ, nhân công không đắt mà lại sản xuất quy mô cực lớn.

Với doanh nghiệp giỏi thương mại thì có trong tay sản phẩm làng nhàng, họ vẫn cạnh tranh được bằng việc quảng cáo và xây dựng chuỗi phân phối hiệu quả, nhưng với doanh nghiệp chỉ có thiên hướng công nghệ thì sau khi làm chủ công nghệ còn phải cải tiến công nghệ mới tồn tại và phát triển được.

Nếu cải tiến để đạt được sự ưu việt về tính năng được thì tốt, không thì phải cải tiến thiết kế để có chi phí thấp hơn. Hướng cải tiến giảm chi phí các nước giàu hơn mình họ không quan tâm nhiều, vì với họ giá đủ thấp rồi thì họ chuyển trọng tâm sang nghiên cứu tăng thêm các tính năng cao cấp, nên doanh nghiệp đi sau có nhiều cơ hội cạnh tranh bằng việc cải tiến để giảm giá thành.

- Nhưng trong cuộc đời sáng chế - kinh doanh của mình thì chắc chắn đây không phải là lần khó khăn đầu tiên của anh?

- Lúc đầu mình phải tự tìm nhà trong hẻm để thuê, tự làm tất cả mọi việc và chỉ đủ ngân sách để thuê được duy nhất một nhân viên. Lúc đó làm việc gì cũng khó cả. Bây giờ thì đã có một tổ chức khá đầy đủ chức năng, với hơn 130 nhân viên, nên so với hồi mới khởi nghiệp thì những khó khăn thử thách bây giờ thú vị hơn hồi đầu nhiều.

- Và vấn đề của anh và 130 nhân viên ấy bây giờ là phải làm sao thu được nhiều lợi nhuận nhất - luôn luôn là như vậy?

- Với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ như mình thì vấn đề "lợi nhuận nhất" không phải là định hướng chiến lược mà là phải tìm được những vấn đề có thị trường to nhất mà có độ khó công nghệ vượt quá khả năng của đối thủ, mà lại trong khả năng của mình.

Công nghệ khó thì rủi ro cao vì thậm chí còn chưa chắc chắn mình có làm ra sản phẩm được hay không. Tuy nhiên nếu đủ quyết tâm, năng lực và cả may mắn nữa, thì việc tạo ra các sản phẩm có độ khó về công nghệ sẽ đem lại lợi nhuận cao.

- Anh có thể chia sẻ một lần rủi ro nhớ đời nào đó được không?

- Trước khi thực hiện dự án sản xuất camera, chúng tôi đầu tư chế tạo hệ thống chiếu sáng thông minh. Mặc dù nó có đem lại doanh thu nhất định nhưng không thấm vào đâu so với tổng đầu tư ban đầu. Kết quả là vừa mất tiền vừa mất thời gian. Với tôi, đấy là một thất bại nhớ đời.

- Tôi tò mò muốn biết cái gọi là "hệ thống chiếu sáng thông minh" ấy là gì và nó đã thất bại như thế nào, thưa anh?

- Lúc ấy, chúng tôi xây dựng một hệ thống đèn đường có thể điều khiển qua Internet và được tự động bật/tắt một cách tối ưu. Mùa hè thì mặt trời lặn muộn, mọc sớm, mùa đông thì ngược lại, mỗi ngày ở mỗi vị trí khác nhau trên trái đất, đều có giờ mặt trời lặn và mọc khác nhau, chênh nhau giữa mùa đông và mùa hè đến hàng tiếng đồng hồ.

Một hôm tôi nhận ra nhiều thành phố đang điều khiển đèn đường bằng hệ thống bật tắt hẹn giờ và nó sẽ lệch so với điểm tối ưu vì không thể chỉnh giờ hằng ngày hoặc có nơi bật/tắt bằng cảm biến ánh sáng, mà cảm biến hay bị bụi khiến hoạt động không đúng, thế là tôi thiết kế ra thiết bị điện tử tính được giờ tối ưu để bật/tắt.

Ý tưởng rất sáng nhưng sản phẩm giá trị không cao, nên chào bán cho các công ty quản lý chiếu sáng họ cho là dự án không hấp dẫn vì không có quyền lợi gì, trong khi đó lại phiền toái vì phải học công nghệ mới. Nhiều công ty chiếu sáng còn nói là tiền điện họ không phải chịu, mà do ủy ban nhân dân trả, họ chỉ là người quản lý thôi, nên họ không có động lực để tiết kiệm điện. Còn rất nhiều lý do khác mà mình đã không tính đến vì khi đầu tư vào sản phẩm mình chỉ mải quan tâm đến vấn đề kỹ thuật. Qua thất bại này, mình học được bài học là việc kinh doanh sản phẩm công nghệ mới, ngoài việc chế tạo sản phẩm đã khó thì còn có vô vàn yếu tố khác mà do không có năng khiếu thương mại, mình không tiên lượng được để lập kế hoạch và khi đối mặt với những thách thức không đúng sở trường thì mình cũng không tìm được cách tháo gỡ, nên thất bại là rất dễ xảy ra.

- Tôi hình dung là từ nhỏ đến giờ trong đầu anh luôn quay cuồng bởi các ý tưởng sáng chế, hết ý tưởng này đến ý tưởng kia?

- Mình thường nhìn quanh trong xã hội xem có vấn đề gì giá trị cao mà hiện tại xã hội còn làm kém hiệu quả về mặt kỹ thuật, rồi lượng sức xem có ưu thế về năng lực kỹ thuật thể cải tiến được so với đối thủ cạnh tranh thì mình sẽ dành thời gian vạch ra phương án kỹ thuật. Vạch ra phương án kỹ thuật rồi mới đánh giá xem có khả thi để đầu tư không.

Hồi còn bé thì mình luôn có nhiều ý tưởng và thử xông vào theo đuổi nhiều ý tưởng khác nhau nhưng mà sau nhìn lại thấy tất cả đều không hiệu quả hoặc thậm chí là ngớ ngẩn. Ví dụ như chẳng riêng gì mình, nhiều cậu bé giỏi toán ở Việt Nam đều cố thử giải quyết định lý cuối cùng của Fermat với mơ mộng sẽ thành công.

- À, tôi biết định lý này: xn+yn=zn. Nhà toán học người Pháp ở thế kỷ 18 là Pierre de Fermat đã viết ra nó kèm theo lời nhắn nhủ: "Tôi đã có một chứng minh thực sự tuyệt vời cho mệnh đề này, nhưng do lề quá hẹp không thể viết ra hết được". Thế là suốt 350 năm sau đó, hàng loạt bộ óc toán học vĩ đại nhất đã lao vào cố chứng minh, để rồi phải đau khổ, dằn vặt vì nó.

- Khi còn bé, tôi còn cố thử các cách để làm ra động cơ vĩnh cửu nữa. Động cơ vĩnh cửu là máy chạy không tốn năng lượng mà lại tạo ra năng lượng.

- Một ý tưởng điên rồ!

- Bây giờ tôi vẫn có những ý tưởng, càng trưởng thành thì các ý tưởng càng giá trị hơn, thực tế hơn, hiểu biết cũng tăng dần, giúp mình loại bỏ những ý tưởng không hiệu quả, để tập trung theo đuổi các hướng đi hiệu quả.

Tuy nhiên, thế giới vẫn có quá nhiều thứ mình chưa hiểu hết nên vẫn cứ gặp sai lầm đều đều. Mà sai thì sửa thôi, miễn là hằng ngày mình vẫn cố gắng học hỏi khám phá thêm thì chắc là sau này sẽ còn tiến bộ hơn bây giờ nhiều.

- Tôi nghĩ là anh có một xuất phát điểm thuận lợi hơn rất nhiều người khác, đó là bố anh dạy tin học ở Đại học Khoa học tự nhiên và chắc chắn từ nhỏ anh đã có một môi trường công nghệ mà nhiều đứa trẻ cùng thời với anh rất thèm muốn nhưng không có được?

- Từ hồi cấp 1, tức là khoảng năm 1988 tôi đã được làm quen với máy tính khi được dẫn đến cơ quan bố. Thời ấy đúng là máy tính ở Việt Nam cực kỳ hiếm hoi.

- Có bao giờ anh nghĩ nếu sinh ra trong gia đình khác thì mình sẽ đi theo một con đường hoàn toàn khác và không thể trở thành "Nhân tài đất Việt" ở lĩnh vực sáng chế hay không?

- Chắc chắn ưu thế gia đình là rất quan trọng. Không phải cứ nhà giàu mới là ưu thế, mà nhà nào kích thích được sự tò mò, khám phá cũng là ưu thế quan trọng cho trẻ. Nếu sinh ra trong một gia đình khác thì chắc tôi rất khác bây giờ.

- Chúng ta quay trở về với hai chữ "nhân tài" trong khái niệm "Nhân tài đất Việt". Trong cách nhìn của anh, thế nào mới thực sự xứng đáng là một nhân tài?

- Tôi nghĩ, bất cứ ai có năng lực, có thể tạo giá trị cho xã hội thì đều là nhân tài. Có những nhân tài được xã hội tôn vinh vì làm công việc dễ được ghi nhận, nhưng lại có những nhân tài làm việc âm thầm không được biết tới dù đóng góp của cả hai công việc ấy cho xã hội là ngang nhau. Tóm lại giải quyết được vấn đề khó khăn thử thách mà xã hội cần thì là nhân tài.

- Anh thần tượng một nhân tài nào đó hay không?

- Tôi thần tượng Thomas Edison, Alexander Bell và James Watt

- Một người phát minh ra bóng đèn, một người phát minh ra điện thoại, một người tạo ra những cải tiến nhảy vọt về máy hơi nước, góp phần quan trọng làm nên cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên của loài người. Tôi nghĩ là mình có thể hình dung ra mẫu số chung về những thần tượng của anh.

- (Cười...). Tôi thích những nhà sáng chế hơn những nhà phát minh. Đa số người Việt Nam bị nhầm lẫn giữa sáng chế và phát minh. Có thể hình dung đơn giản là các nhà khoa học thì phát minh, còn các kỹ sư thì sáng chế.

Phát minh là việc phát hiện ra một quy luật hoặc một sự tồn tại nào đó và công bố nó cho mọi người cùng biết, còn sáng chế là tạo ra một dụng cụ hay phương pháp nhân tạo chưa từng có trước đó, thông thường là tạo ra máy móc hữu dụng với con người. Ví dụ ông Newton quan sát và phát hiện ra 3 định luật vật lý, nên là một nhà khoa học, một nhà phát minh.

- Còn những Edison, Bell, Watt là những nhà sáng chế. Tôi hiểu ý anh.

- Tất nhiên mọi người phải học kiến thức khoa học thì mới có kỹ năng cần thiết để sáng chế. Tôi thích các nhà sáng chế hơn, nên mặc dù tôi cũng có một số công bố khoa học nhưng tôi không cho mình là nhà khoa học mà tôi coi mình là một kỹ sư, một nhà sáng chế.

- Ở Việt Nam, có nhiều nhà sáng chế thực sự không, theo anh?

- Theo tôi biết thì ở Việt Nam, mỗi năm Cục Sở hữu trí tuệ cấp vài trăm bằng sáng chế mới nhưng hiếm có tác giả nào hiện thực hóa được thành sản phẩm vì đa số ý tưởng không “sáng”, không có giá trị kinh tế. Vì thế tôi cho rằng Việt Nam có những nhà sáng chế thực sự nhưng số lượng còn rất ít ỏi.

- Chúng ta đang nói về câu chuyện nhân tài đất Việt, theo anh thì hiện nay nhân tài Việt Nam, chỉ xét riêng trong lĩnh vực sáng chế của anh gặp phải những khó khăn đáng kể gì?

- Tôi nghĩ là có 2 khó khăn. Đầu tiên, Việt Nam có một nền tảng tư bản yếu, khác xa các nước phát triển, nhất là phương Tây. Ở phương Tây, từ hàng trăm năm trước các sáng chế hay thường dễ dàng tìm được một nhà tư bản đứng sau để thử nghiệm rồi thương mại hóa. Điển hình là việc J.P. Morgan đầu tư toàn bộ tài sản cho các sáng chế của Edison.

Ảnh trong bài: Minh Trí.

- Ở cái thời mà cả nước Mỹ được thắp sáng bằng dầu hỏa thì Morgan đã đầu tư cho Edison một khoản tiền tương đương với 83 triệu USD ngày nay để thành lập một công ty điện, với khát vọng thắp sáng nước Mỹ bằng điện thay dầu hỏa. Có một chi tiết thú vị, bố của Morgan là một ông trùm ngân hàng và luôn dặn Morgan phải đầu tư bền vững, an toàn, tránh xa mạo hiểm, nhưng ông ấy không nghe bố. Ông ấy đầu tư mạo hiểm cho Edison, và cuối cùng thì những người như Morgan, Edison được xếp vào hàng những người kiến tạo nên nước Mỹ. Phải thừa nhận là tiền của Morgan đã giúp những sáng chế của Edison có điều kiện đi xa anh nhỉ?

- Còn một khía cạnh khác để chúng ta nhìn nhận: cùng lúc ấy có Tesla, một người ở một góc độ nào đó còn được đánh giá giỏi hơn Edison nhưng cuối cùng lại thất bại.

- Hình như cuối cùng, Tesla qua đời trong cảnh trắng tay?

- Tesla đầu tiên là nhân viên của chính Edison, chế tạo được rất nhiều máy móc giá trị cao nhưng bị trả lương thấp và quịt cả tiền thưởng nên đã bỏ ra cạnh tranh với Edison.

Tesla cũng tìm được một nhà tư bản đầu tư cho mình, nhưng nhà tư bản ấy không đủ mạnh như Morgan. Tesla sạt nghiệp dù những sáng chế liên quan tới điện xoay chiều của Tesla được thương mại hóa khắp toàn cầu. Tesla được ghi nhận là một kỹ sư thiên tài, người có những đóng góp vĩ đại cho nước Mỹ hiện đại.

Kể ra 2 trường hợp này để thấy, với các nhà sáng chế thì chỗ dựa của những nhà tư bản phía sau là vô cùng quan trọng.

- Và như anh nói, ở Việt Nam thiếu hẳn điều này?

- Theo quan sát của tôi thì ở Việt Nam, nhân tài kinh doanh hình như không khớp với nhân tài kỹ thuật. Thành ra ông có tiền thì không sáng chế, ông sáng chế thì không có tiền.... (Cười lớn)...

- (Cùng cười...)

- Không, thật ra chuyện đó cũng bình thường thôi mà. Vấn đề là hai bên chưa thể tìm cách đến với nhau, chưa có niềm tin với nhau, để cùng nhau làm việc lâu dài.

Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh những ông sáng chế nhiều lúc tự đánh giá ý tưởng của mình cao quá, còn ông có tiền thường lại đánh giá tiền của mình cao quá, thành ra không thể nói chuyện với nhau, kết hợp với nhau được.

- Nếu kết hợp được thì...

- ...Thì sẽ thay đổi được rất nhiều thứ. Kể ra hiện nay ở Việt Nam các quỹ đầu tư mạo hiểm đã ra đời và đấy là một cơ chế tốt để đầu tư vào các doanh nghiệp tiềm năng. Nhưng thực tế quỹ này chỉ dồn tiền vào những doanh nghiệp đã thành công tương đối rồi. Còn những sáng chế sơ khai, mới như viên ngọc thô nằm trong đá thì chưa chạm tới được.

- Những "viên ngọc thô" ấy thật ra rất khó nhận diện, nếu không muốn nói là phải có nghề, là dân trong nghề thì mới "ngửi" ra giá trị của nó?

- Đúng! Chỉ có những nhà sáng chế đích thực mới nhìn ra nó mà thôi. Đòi hỏi một người quản lý ở quỹ đầu tư mạo hiểm nhìn ra nó thì khó quá!

Ở Việt Nam có lẽ phải cần một giai đoạn phát triển nữa để những nhà sáng chế đích thực giàu lên, từ đó có điều kiện dùng những đồng tiền của chính mình đầu tư cho những "sản phẩm thô" mà vốn chỉ có họ mới có thể nhận ra.

Những khoản đầu tư như vậy có thể không cần nhiều lắm, tôi ước lượng bước đầu thường chỉ cần dưới 1 tỷ đồng, nhưng vấn đề là phải nhìn ra và phải dám đầu tư cho nó.

- Nhìn nhận khách quan thì chúng ta có nhiều "viên ngọc thô" không?

- Tôi nghĩ là nhiều đấy. Ngay trong công ty tôi hiện nay cũng có vài người có bằng tiến sĩ, có bằng sáng chế khi làm việc ở nước ngoài. Họ có năng lực sáng tạo, nhưng lại chưa nổi bật để người ngoài nhìn ra. Anh biết đấy, năng lực là một chuyện, nhưng để trở nên nổi bật lại là một chuyện khác.

Để một nhà sáng chế trở nên nổi bật trong xã hội thì phải có thêm nhiều kỹ năng, ví dụ kỹ năng hùng biện, có khi còn phải kiếm được nhiều tiền nữa thì mọi người mới chịu phục.

- Thành ra những "con mắt xanh" có khả năng nhìn nhận, phát hiện là vô cùng quan trọng? Nhưng bên cạnh "những con mắt xanh" như thế thì các chính sách vĩ mô của nền kinh tế cũng có tác động gì không?

- Chính sách nói chung không ảnh hưởng trực tiếp vào cuộc đời của các nhà sáng chế, nhưng lại ảnh hưởng đến việc đầu tư nguồn vốn.

Ví dụ ở Trung Quốc, các chính sách của họ ưu tiên việc đầu tư sản xuất trước, tiêu dùng sau; ở Hàn Quốc thì có câu nói nổi tiếng của Park Chung Hee: “Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn”, tức là hạn chế tối đa tiêu dùng, và những chính sách như thế giúp việc sản xuất được bứt phá.

Còn ở Việt Nam thì lại rất thoải mái tiêu dùng, chính sách vĩ mô cho phép hàng ngoại ồ ạt tràn vào thị trường trong nước với giá rẻ, tạo ra một quốc gia nhập siêu và đấy là một khó khăn với các nhà sáng chế trong nước.

- Còn khó khăn thứ hai đối với những nhân tài sáng chế Việt Nam là gì, thưa anh?

- Khó khăn thứ hai nằm ở nền tảng công việc, bởi ở Việt Nam chưa có nhiều công việc đủ khó, đủ hay để người ta có thể rèn luyện và học hỏi. Phải qua những việc khó thì năng lực mới được trau dồi và giúp con người ta giỏi lên.

Việc hay sẽ tự đến cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tuy nhiên nếu nhà nước khuyến khích được các công ty công nghệ cao tới nghiên cứu phát triển ở Việt Nam, môi trường cho các nhà sáng chế sẽ đến sớm hơn là cứ để cho kinh tế phát triển tự nhiên.

- Một vài nhà sáng chế ở Việt Nam nói với tôi rằng một khó khăn nữa mà họ thường phải đối diện là sự đố kỵ trong chính giới khoa học Việt Nam. Anh nghĩ gì về điều này?

- Bản thân tôi cũng nhiều lúc cảm thấy đố kỵ với người khác nên tôi đoán khá nhiều người Việt khác cũng mắc tính đó, có điều tôi luôn cố định vị các tật xấu của mình và tìm cách khắc phục, hi vọng rồi mình sẽ đỡ xấu dần đi.

Hiện tại, với cá nhân tôi, trải qua nhiều đau thương thì tôi tự kết luận là khi có mơ ước hay quyết tâm định làm cái gì thì tốt nhất không nói ra để khỏi bị phân tâm bởi những lời dè bỉu là "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng".

Có lần tôi quay video demo một công nghệ mới, đăng lên Facebook mà còn có người tự cho là họ hiểu kỹ thuật vào khăng khăng bảo tôi dàn dựng video.

Hoặc có loại camera tôi thiết kế mới, tôi có đăng ký sáng chế, vậy mà chỉ vì dùng cái vỏ nhựa mua sẵn cùng loại với camera Trung Quốc mà khi tôi chia sẻ hình ảnh về nó, nhiều người nhất định tuyên bố đó là camera tôi mua nguyên chiếc ở Trung Quốc về.

- Hy vọng vấn đề này sẽ được cải thiện dần dần và chúng ta càng lúc sẽ càng có nhiều sáng chế thiết thực hơn?

- Vâng, hy vọng là bên cạnh yếu tố giáo dục thì truyền thông cũng sẽ đóng góp tích cực vào quá trình này, để đến một lúc nào đó Việt Nam trở thành một môi trường thật thân thiện cho các nhà sáng chế.

- Xin cảm ơn anh!

Phan Đăng (thực hiện)

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/tro-chuyen-cuoi-thang/ky-su-nha-sang-che-nguyen-dinh-nam-chung-ta-can-them-mot-vong-doi-nua-483922/