Ký sự Peru: Từ Lima đến Machu Picchu

Từ bốn năm nay, nhờ có hai người bạn (đã về hưu như chúng tôi) đứng ra chọn 'tour' du lịch, tôi đã lần lượt thăm được Jordan, Nepal, Ấn Độ, Cuba và trong hạ tuần tháng 10-2017 là Peru. Lần này, đoàn chúng tôi gồm cả thảy 23 người, đa số trên 70 tuổi.

Machu Picchu. Ảnh: NGUYỄN TÙNG

Vì Peru ở Nam bán cầu, nên đang ở vào giữa mùa xuân. Trong suốt 11 ngày của chuyến hành trình, trời nắng đẹp, ban ngày mát mẻ, ban đêm thường hơi lạnh, nhất là ở vùng cao nguyên. Từ Lima đến Nazca, Arequipa, Puno, Cuzco, Machu Picchu, chúng tôi đã đi cả thảy hơn hai ngàn cây số đường núi, nhiều khi cao hơn 4.000 mét.

Một ngày ở thủ đô Lima với dấu ấn ẩm thực Trung Quốc

Tối đầu tiên ở Lima (thủ đô, thành phố lớn nhất của Peru), tôi có một “khám phá” từ vựng khá thú vị. Khi đi ăn tối tự do, tôi đã thấy ở đại lộ gần khách sạn nhiều tiệm ăn Trung Quốc với bảng hiệu ghi từ “chifan” và đã nghĩ ra rằng chắc nó phát xuất từ thành ngữ “吃飯 thực phạn” (ăn cơm) của tiếng Trung Quốc. Cũng xin nói thêm là món ăn Trung Quốc được người Peru thích nhất là món “arroz chaufán”, tức cơm “chaufan”, chắc phát xuất từ “炒饭 sao phạn”, nghĩa là món cơm chiên Quảng Đông. Hiện nay, nghe đâu Peru có đến khoảng hai ngàn “tiệm Tàu”, chắc phần nhiều là của các hậu duệ của gần 100.000 người Trung Quốc (95% từ Quảng Đông) được đưa vào Peru từ năm 1849-1874 để khai thác phân chim (guano) ở các đảo Chincha và lao động như là nông nô trong các hacienda (trang trại) trồng mía.

Lima có hơn mười triệu dân, tức khoảng một phần ba dân số cả nước, chúng tôi chỉ có... một ngày để thăm thú. Nó được Francisco Pizarro bắt đầu xây vào năm 1535. Rất giống các đô thị cổ ở vùng Andalusia (như Sevilla, Granada...), các trung tâm lịch sử của Lima Arequipa, Cuzco... đều vây quanh Plaza de Armas (Quảng trường Vũ khí), cũng thường được gọi là Plaza Mayor (Quảng trường Thị trưởng). Tôi rất kinh ngạc trước sự đồ sộ và nguy nga của các kiến trúc tôn giáo do người Tây Ban Nha xây trong thời thuộc địa ở Peru, như nhà thờ lớn và nữ tu viện San Francisco, với thư viện lưu trữ đến 250.000 sách cổ (thế kỷ 15-17), với mộ huyệt trong lòng đất (catacombe) chứa đến 70.000 bộ xương người.

Lima có nhiều bảo tàng rất nổi tiếng, nhưng vì có ít thời gian nên chúng tôi chỉ chiêm ngưỡng được những món đồ sứ lạ lùng và tuyệt đẹp của văn hóa Anh Điêng được trưng bày trong bảo tàng quốc gia.

Gần 2.000 cây số đèo núi

/Uploads/Articles/268626/8888d_macchu_2.jpg

Ngày hôm sau, chúng tôi phải khởi hành từ 4 giờ sáng để đến Paracas rồi bắt thuyền ra khơi xem quần đảo Ballestas, nơi quy tụ hàng triệu con chim hải âu, cốc... mà phân của chúng là một nguồn lợi lớn được khai thác từ thế kỷ 19. Quần đảo này còn có nhiều sư tử biển nằm phơi nắng trên các ghềnh đá.

Trên đường từ Paracas đi Nazca, chúng tôi ghé thăm và ăn trưa ở Ica, một thắng cảnh rất kỳ lạ. Đó là một hồ nhỏ nằm giữa các đồi cát cao, chung quanh hồ có nhiều tiệm ăn, cửa hàng, nhà trọ và có trồng nhiều cây cọ.

Chúng tôi cũng đã ghé lại Pisco để thưởng thức món cocktail tên là Picsou sour (rượu mạnh Pisco làm từ nho mà người Peru tranh với người Chili như là “món uống dân tộc” khuấy với nước chanh, đường, lòng trắng trứng gà và ít đá viên).

Phải chăng Peru đã hội đủ điều kiện để duy trì và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của người Anh Điêng, và nhất là để tạo được cho họ vị trí kinh tế, chính trị và xã hội tương xứng trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc?

Khi đến sa mạc Nazca, chúng tôi leo lên một đài cao để xem các tuyến (line) và các “geoglyph”, tức các hình vẽ nhiều loại thực vật và thú vật như khỉ, nhện, chim diệc, thố ưng (condor), có khi dài và rộng đến vài trăm mét. Sau đó, ở Nazca nhiều người trong đoàn lên máy bay nhỏ (năm chỗ ngồi, vé khá đắt, đến gần 150 đô la Mỹ cho hơn nửa giờ bay) để nhìn toàn bộ các “geoglyph” từ trên cao. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ chúng có một chức năng nghi lễ gắn với thiên văn học.

Từ Nazca đến Arequipa (566 ki lô mét), chúng tôi hầu như đi liên tục trong vùng cao nguyên (trên 3.000 mét) khô cằn đến mức không có đến một ngọn cỏ, bóng cây, chỉ toàn cát, sỏi và đá. Chung quanh các cao nguyên là các ngọn núi lửa và các dãy núi cao (ngọn Huascaran cao nhất Peru, đến 6.768 mét) mênh mông và hùng vĩ.

Nằm dưới chân núi lửa Misti (cao 5.825 mét, được xem là nguy hiểm nhất trong số năm ngọn núi lửa còn hoạt động ở Peru), Arequipa có khu trung tâm cổ kính được xây bằng đá núi lửa màu trắng. Chúng tôi đã thăm Quảng trường Vũ khí, nhà thờ và tu viện dòng Tên... và nhất là nữ tu viện Santa Catalina có một không hai trên thế giới. Tu viện này rộng đến 20.000 mét vuông, có những con đường và quảng trường nhỏ mang tên các thành phố của Tây Ban Nha (Sevilla, Granada...), là một quần thể kiến trúc rất độc đáo.

Chính ở Arequipa, tôi đã ăn thử thịt chuột thiên trúc (guinea pig) chiên và thịt alpaca (lạc đà cừu) nướng, nhưng cảm thấy không có gì đặc biệt. Trong chuyến đi, tôi đã nhiều lần ăn món cá sống ceviche đặc biệt (cá sống thái thành cục nhỏ dầm trong nước chanh, trộn với muối, tiêu, hành đỏ thái lát, rồi ăn với khoai lang và bắp luộc). Dường như thời xưa người Anh Điêng đã dầm cá sống trong rượu/bia làm bằng bắp. Sau đó, người Tây Ban Nha thay rượu/bia bắp bằng nước chanh.

Từ Arequipa đến Chivay, rồi Puno (600 ki lô mét), càng đi về phía Nam, khí hậu càng bớt khô, nên đã thấy những con suối nhỏ, đầm nước, ao, hồ và nhất là vô số vạc đất bậc thang gần giống như ruộng bậc thang ở ta do người Anh Điêng tạo ra từ xưa trên các sườn núi cao.

Khi đi ngang qua những đồng cỏ mênh mông, thỉnh thoảng chúng tôi xuống xe để xem và chụp hình bầy lạc đà không bướu như alpaca, lạc mã ăn cỏ. Len của alpaca và nhất là của lạc mã rất hiếm, nên rất đắt.

Tuy là thành phố nhỏ, Puno được xem là thủ đô văn hóa dân gian của Peru. Nó nằm trên bờ hồ Titicaca (hồ cao nhất thế giới mà thuyền bè có thể lưu thông). Trong hồ này, cây totora (một loài cói) mọc rất nhiều gần bờ. Người Anh Điêng dùng nó để làm nhà, làm thuyền và các đảo nổi như đảo Uros mà chúng tôi đã ghé thăm.

Trên đường từ Puno đi Cuzco (390 ki lô mét), chúng tôi lại băng qua những cao nguyên có phong cảnh tuyệt vời và vượt qua đèo La Raya cao 4.528 mét trước khi ghé thăm nhà thờ của làng Andahuaylillas, thường được gọi là “Sixtine (1) của vùng Andes” với trần nhà bằng gỗ vẽ nhiều màu, những bàn thờ thếp vàng rực rỡ, những bức tranh của trường phái Cuzco...

Cuzco - kinh đô của đế quốc Inca cũ

Nhưng phải nói thành phố Cuzco và các vùng lân cận mới là một điểm đến tuyệt vời.

Thời xưa, Cuzco từng là kinh đô của đế quốc Inca.

Do một bộ lạc Anh Điêng nói tiếng Quechua xuất phát từ vùng hồ Titicaca lập ra, đế quốc Inca bắt đầu bành trướng rất nhanh dưới triều Pachacútec (1438-1471): trải dài từ Colombia đến Argentina và Chile, rộng đến khoảng ba triệu ki lô mét vuông vào thời cực thịnh (thập niên 1520) và có đến khoảng 14 triệu dân. Văn minh Inca đã để lại những “di sản thế giới” như hệ thống đường bộ Qhapaq Nan (dài cả thảy đến 30.000 ki lô mét), và nhất là thánh địa lịch sử Machu Picchu vô cùng nổi tiếng.

Nhằm kiếm vàng bạc và nhằm truyền đạo Thiên Chúa, từ năm 1532, người Tây Ban Nha đã lợi dụng sự phân hóa của người Inca, dần dà chinh phục được toàn bộ đế quốc Inca trong vòng 40 năm. Dưới sự thống trị của của người Tây Ban Nha, người Anh Điêng đã bị chết rất nhiều do các bệnh dịch mà người Tây Ban Nha mang tới và nhất là vì bị họ bắt làm khổ sai trong các encomienda (đất đai do vua ủy thác) và trong các hầm mỏ, khiến cho dân số Anh Điêng giảm khủng khiếp: từ khoảng 14 triệu vào năm 1525 xuống 8 triệu vào năm 1575; 1,8 triệu vào năm 1586; rồi 615.000 vào năm 1754!

Sau khi chiếm được Cuzco, người Tây Ban Nha đã xây nhà thờ, dinh thự, nhà trên các nền cũ của các kiến trúc Inca mà họ đã phá đi. Họ dùng lại các tảng đá lớn mà người Inca đẽo để xây phần bên dưới của các bức tường nhà thờ như nữ tu viện Santo Domingo.

Một Machu Picchu nguyên vẹn

Rất may là thánh địa lịch sử Machu Picchu đã thoát khỏi sự tàn phá này của người Tây Ban Nha. Chắc là vì nó nằm ở một nơi khá cao (2.453 mét) và hẻo lánh trong một vùng núi non trùng điệp (cũng có người cho rằng nó bị người Inca bỏ hoang sau khi phần lớn cư dân bị chết vì dịch đậu mùa). Machu Picchu được nhà khảo cổ Mỹ Hiram Bingham phát hiện rất trễ, vào năm 1911. Phải chăng đó cũng là lý do khiến nó hầu như còn nguyên vẹn?

Nằm ở vị trí tuyệt đẹp (một doi đá nối liền hai ngọn núi Machu Picchu và Huayna Picchu trên sườn phía Đông của dãy Andes nên tương đối nhiều mưa), Machu Picchu có nhiều công trình kiến trúc đáng chú ý như đền thờ mặt trời, quảng trường thiêng liêng, nhiều khối đá thiêng và nhiều nhà ở, đất nông nghiệp bậc thang được nối với nhau bởi hàng chục cầu thang. Tất cả đều làm bằng đá tảng hoa cương được đẽo bởi các dụng cụ bằng đá rất cứng hay bằng đồng, rồi bào mòn cho đến khi chúng ăn khớp hoàn toàn với nhau, chứ không dùng hồ. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng về cách mà người Inca dùng để vận chuyển những tảng đá rất to (có khi nặng đến hơn trăm tấn như ở Saqsaywaman, gần Cuzco) lên núi cao. Machu Picchu đúng là một cảnh quan vừa hùng vĩ vừa lạ lẫm. Phải chăng nó là một thánh địa tôn giáo Inca, một đài quan sát tinh tú hay một nơi ở phụ của Pachacútec, hoàng đế Inca hùng cường nhất?!

Trên đường từ Machu Picchu trở lại Cuzco, chúng tôi ghé thăm chợ Pisac muôn màu muôn sắc, tập hợp rất nhiều người Anh Điêng đến từ các vùng núi lân cận với áo quần truyền thống sặc sỡ. Chúng tôi cũng thăm khu ao muối ở Maras (cao 3.300 mét). Từ thời xưa, người Anh Điêng đã khai thác nước mặn từ lòng núi chảy ra. Hiện nay, khoảng 800 gia đình tổ chức thành hợp tác xã, khai thác 3.600 ao, sản xuất được chừng 200 tấn muối mỗi năm.

Dù còn ở trong thời đồ đồng, và dù không có chữ viết và chưa biết dùng xe cộ để vận tải, các nền văn hóa Anh Điêng ở Peru đã lưu lại đến sáu công trình được UNESCO ghi vào danh sách di sản thế giới. Rất tiếc là chúng tôi không có điều kiện đến thăm đô thị thiêng liêng Canal-Supe (được xây cách đây khoảng 4.500 năm, cùng thời với các kim tự tháp ở Ai Cập) và hai khu khảo cổ Chan Chan (được xây cách đây 3.500 năm) và Chavin (được xây bằng gạch mộc vào khoảng giữa năm 850 và 1470 sau Công nguyên. Nhưng chỉ qua các công trình kiến trúc Inca (nhất là Machu Picchu), tôi cũng thấy được mức độ rực rỡ của các nền văn hóa Anh Điêng, nên có phần phẫn nộ trước lịch sử bi đát của họ.

Song, tôi cũng thấy lóe lên một tia hy vọng. Mặc dù chỉ còn 615.000 người vào năm 1754, sau chưa đến ba thế kỷ, dân số Anh Điêng hiện nay chiếm 45% dân số Peru, gấp ba lần những người gốc Tây Ban Nha. Đó là chưa kể những người lai (đến 37%), chủ yếu với dân Anh Điêng. Phải chăng Peru đã hội đủ điều kiện để duy trì và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của người Anh Điêng, và nhất là để tạo được cho họ vị trí kinh tế, chính trị và xã hội tương xứng trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc?

(1) Sixtine là tiểu giáo đường trong Vatican, rất nổi tiếng nhờ các bích họa do Michelangelo vẽ trên trần nhà.

Nguyễn Tùng (Paris)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/268626/ky-su-peru-tu-lima-den-machu-picchu.html