Kỹ sư Việt hồi sinh đường 13 Bắc Lào dưới làn đạn phỉ

Đường 13 Bắc Lào là trục giao thông xương sống của Lào giống như QL1A của Việt Nam.

Đoàn nhà báo Việt Nam trong chuyến đi dự lễ khánh thành đường 13 Bắc Lào

Đoàn nhà báo Việt Nam trong chuyến đi dự lễ khánh thành đường 13 Bắc Lào

Để hồi sinh tuyến đường huyết mạch này, Liên danh 18 của Việt Nam phải hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, trong điều kiện vô cùng khó khăn về địa hình, rừng núi hiểm trở, nhất là sự quấy phá của tàn quân phỉ…

Đầu của thủ trưởng nhà thầu Việt có giá hàng chục nghìn USD

Đường 13 Bắc Lào là một trong những dự án giao thông trọng điểm đầu tiên của Lào do ADB tài trợ. Công trình có chiều dài 163km từ cố đô Luông Pha Băng đến Thủ đô Viêng Chăn. Trải qua chiến tranh, dưới ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt cùng với sự phá hoại của tàn quân phỉ nên đường 13 bị xâm thực và dần rơi vào quên lãng.

Từ cố đô Luông Pha Băng đến Thủ đô Viêng Chăn và ngược lại nếu không đi bằng máy bay, đều phải vòng qua một số tỉnh của Việt Nam. Chính vì vậy, để nước Lào trở thành một khối thống nhất, việc mở rộng, hiện đại hóa đường 13 Bắc Lào là tối quan trọng. Nhưng để đường 13 hồi sinh là cả một hành trình gian nan, thậm chí phải trả bằng máu. Nhà thầu khi đó phải hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong điều kiện vô cùng khó khăn.

Trong đó, mặt đường phải trải ba lớp gồm 188 nghìn mét khối cấp phối, 140 nghìn khối đá trải mặt đường, 5,3 triệu lít nhựa hai lớp; 2.200 khối bê tông cho 15 cống hộp… Tất cả các hạng mục này đều áp dụng quy trình công nghệ Asto, một quy trình hiện đại mà từ công nhân cho đến cán bộ kĩ thuật Việt Nam đều mới làm quen qua vài công trình trong nước. Riêng nhà thầu liên danh 18 thì tỷ lệ làm quen quy trình này dừng ở mức hơn 50%.

Với quyết tâm cùng trí tuệ tuyệt vời và một đấu pháp cùng sự am hiểu tường tận địa hình và con người Lào, Liên danh 18 đã thắng thầu vẻ vang trước gần 15 nhà thầu đến từ các quốc gia có nền công nghệ, bộ máy quản lý, lực lượng công nhân, kĩ sư lành nghề của các quốc gia như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Và bằng mồ hôi và cả máu xương của những người thợ làm cầu, làm đường Việt Nam đã hồi sinh đường 13 Bắc Lào với chất lượng và mỹ thuật tốt nhất, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Không chỉ lạ lẫm về kĩ thuật, địa hình, thời tiết, những cơn mưa lũ nơi rừng sâu hiểm địa xảy ra như cơm bữa. Trong khi đó, tuyến đường 13 Bắc Lào gần như đều phải thi công trong điều kiện giữa núi rừng, chẳng những xa cách dân mà thường xuyên bị tàn quân phỉ quấy nhiễu.

Khi tôi có mặt tại công trường đường 13 cũng là lúc bọn phỉ đã tuyên bố trên sóng vô tuyến về giới hạn 30 ngày thiết quân luật trên khu vực rừng núi đường 13 đang thi công. Chúng còn ra giá mỗi đầu các thủ trưởng, thủ phó của các đơn vị thi công. Như giá đầu của kĩ sư Vũ Kim Chung, Phó tổng giám đốc CIENCO1, kiêm Giám đốc điều hành dự án đường 13 của Liên danh 18 chúng treo lên tới 20 nghìn USD.

Trước hôm chúng tôi có mặt ở công trường 13 tại Đèo Phỉ, gần với Nậm Ken nơi đóng của Công ty 874, gần với Phà Tặng bản doanh của đội cầu Công ty Cầu 12 mà kĩ sư Cấn Hồng Lai là đội trưởng, bọn Phỉ đã bắn chết Đại úy Văn A. Tuy nhiên, Bun Nhụ bộ đội Lào, em ruột Liệt sĩ Văn A khi gặp chúng tôi vẫn khảng khái nói: “Dù nguy hiểm đến đâu, bộ đội Lào vẫn kiên quyết bảo vệ công nhân Việt Nam làm đường” khiến chúng tôi phần nào yên tâm hơn.

Khi đến nơi đóng quân của Công ty 122 giữa rừng sâu cách không xa Đèo Phỉ mới thấy hết những khó khăn, vất vả của anh em công nhân nơi đây. Nhà làm bằng tranh nứa. Đào hố lót ni lông lấy nước mưa đọng lại để sinh hoạt. Mấy hôm trước, ba công nhân không may tử vong do ăn phải nấm độc.

Họa vô đơn chí, cũng thời gian này, 2km đường Công ty 122 vừa làm xong chờ hoàn công, bất ngờ phải làm lại từ đầu vì một mũi khoan của tư vấn xác định đường làm chưa đúng công nghệ. Kĩ sư Xẻng Đa Rít, đại diện chủ đầu tư nói với chúng tôi về sự kiện này rằng: “Do chưa quen Asto thôi, khi thành thục rồi, tôi tin công nhân Việt Nam sẽ không bao giờ mắc phải. Cái gì cũng có bài học chứ”…

Mọi khó khăn, hiểm nguy vẫn không làm chùn bước người làm đường, làm cầu của CIENCO1. Họ đã khoác tay nhau mật thiết với CIENCO8 để làm nên nhà thầu Liên danh 18. Họ biết, mặc dù khó khăn phía trước như trái núi cao giữa rừng Bắc Lào, nhưng vượt qua được, đội ngũ công nhân làm cầu, làm đường sẽ trưởng thành.

Nói như kĩ sư Phạm Quang Tuyến, Tổng giám đốc CIENCO1 thời đó, sau khi đường 13 hoàn thành, hiệu quả kinh tế sẽ tính toán cụ thể, nhưng trước hết Liên danh 18 sẽ lãi hẳn một dàn thiết bị hiện đại. Thêm vào đó là trình độ làm đường, làm cầu theo công nghệ mới chắc chắn sẽ tiến thêm một bước… Ngành xây dựng giao thông Việt Nam sẽ mở ra đầy triển vọng với một đẳng cấp mới.

Hơn 30 cán bộ, công nhân bỏ mình vì đạn phỉ, nấm độc…

22 năm đã trôi qua kể từ thượng tuần tháng 4/1996, ngày tôi vinh dự là thành viên trong đoàn nhà báo dự lễ khánh thành đường 13 Bắc Lào. Cho đến bây giờ, hình ảnh những người thợ cầu đường Việt Nam da vàng sạm, tái nhợt sau gần 1.500 ngày đêm bỏ sức, đổ mồ hôi, giữa rừng sâu hun hút, sự quấy phá độc địa của tàn quân phỉ Vàng Pao để phục dựng lại đường 13, con đường huyết mạch nối cố đô Luông Pha Băng với Thủ đô Viêng Chăn chưa bao giờ vợi trong tâm trí tôi.

Dù đang say sưa thưởng thức vũ điệu Lăm-vông truyền thống của vũ nữ Lào với anh em công nhân Việt Nam trong buổi lễ khánh thành, tôi chợt thấy có ai bấu khẽ vào tay. Phó tổng giám đốc CIENCO1 Trần Văn Tản đeo súng ra hiệu cho tôi đi theo anh. Sau khi cố vượt qua đám đông hàng nghìn người dân Lào đang hồ hởi ca múa trên tuyến đường mới được thảm nhựa phẳng phiu, chúng tôi đến một góc quả đồi. Tại đây, Giám đốc Cầu 75 Đỗ Văn Đang đã ngồi trong tư thế sẵn sàng trước tay lái chiếc com-măng-ca, bên cạnh là Phạm Mạnh, phóng viên TTXVN.

Chiếc xe nổ máy, lướt nhẹ trên những lối mòn quanh những sườn núi của nước bạn Lào. Xe chạy gần một tiếng đồng hồ thì dừng lại. Tôi nhìn quanh, chợt nhận ra đó là một bãi cỏ rộng kề ngay dưới chân ngọn núi Phu Pha Châu (núi Chúa Trời) sát liền mỏ đá 675, nơi cung cấp phần lớn số đá làm đường 13.

Trên bãi cỏ dưới chân núi nhấp nhô những nấm mồ được đắp đất trồng cỏ và bia mộ cẩn thận. Vừa xuống xe, Phó tổng giám đốc CIENCO1 Trần Văn Tản vừa xốc lại khẩu súng đeo trên vai, châm vội bó hương, rồi chia cho ba anh em chúng tôi. “Ba anh em ông đi thắp hương cho anh em mình đi, để anh em cùng biết hôm nay chúng ta đã hoàn thành tốt đẹp con đường 13 cho nước bạn Lào. Công sức, mạng sống của các anh không bao giờ uổng. Sự hi sinh của các anh thật lớn lao và ý nghĩa”, ông Tản nói.

Bốn người chúng tôi chia nhau thắp hương hết hơn ba chục nấm mộ nằm trên khoảng trống tựa vào một sườn núi nom như một con dấu đóng giữa vùng rừng núi bạt ngàn. Chúng tôi cùng tưởng niệm hơn ba chục anh em công nhân, cán bộ của Liên danh 18 đã bỏ mình vì đạn phỉ, vì sốt rét, vì nấm độc và cả vì những tai nạn bất ngờ khó tránh của người làm đường nơi rừng sâu, núi cao.

Có lẽ, cho đến bây giờ và mai sau, tôi không thể nào quên được bầu trời Thượng Lào hôm đó. Trong làn khói hương lãng đãng, một vầng trời đỏ rực, cháy bừng như quầng lửa, như máu đang thầm lặng với lời nhắn nhủ của những người đã khuất. Tôi chợt nhớ đến lời Phó tổng giám đốc Trần Văn Tản: “Công sức, mạng sống của các anh không bao giờ uổng”.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hiếu

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ky-su-viet-hoi-sinh-duong-13-bac-lao-duoi-lan-dan-phi-d278149.html