Kỳ tài guitar Việt trên đất Mỹ

Đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ guitar Việt Nam năm 12 tuổi, Trần Tuấn An được coi là 'kỳ tài guitar Việt'.

Đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ guitar VN năm 12 tuổi, Trần Tuấn An được coi là “kỳ tài guitar Việt”. Nghệ sĩ 27 tuổi này hiện là nghệ sĩ độc quyền của Classics Alive Artists (Los Angeles, Mỹ) - nơi tập trung những tài năng xuất sắc đến từ khắp nơi trên thế giới.

>> NGỌC AN

Anh đã chọn và đến với guitar như thế nào?

Anh đã chọn và đến với guitar như thế nào?

Ban đầu đó là định hướng của bố mẹ tôi. Tôi học đàn từ năm 8 tuổi. Hai năm sau, khi thấy tôi đam mê guitar, bố mẹ quyết định để tôi theo guitar chuyên nghiệp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia VN. Trước đó, bố mẹ cũng đã hướng cho tôi tới nhiều môn nghệ thuật như chơi piano hay vẽ, nhưng tôi không thấy thích thú. Chỉ đến khi chơi guitar, tôi mới thấy mình thực sự muốn được gắn bó với cây đàn này.

Đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ guitar VN năm 12 tuổi, một giải thưởng lớn có là sức ép với một cậu bé như anh khi đó?

Cậu bé ấy tất nhiên là rất vui, vì bao công tập đàn đã được trả lại bằng kết quả tốt. 12 tuổi, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi coi đi thi cũng như chơi một trò chơi. Mình đi được đến một cái đích nào đấy, dù ngắn thôi, cũng rất vui. Nhưng sau đó, tôi đã nhận ra không phải lúc nào cũng dễ dàng như thế. Con đường đi với guitar còn rất dài, tôi nhận ra mình vẫn chưa là gì cả. Những gì làm được vẫn còn rất nhỏ.

Anh xa nhà đến Mỹ du học năm 15 - 16 tuổi. Nước Mỹ có quá lạ lẫm với những tưởng tượng trước đó của một cậu học sinh?

Tôi không bị sốc về văn hóa, nhưng ngược lại học được nhiều điều từ nước Mỹ. Cú sốc đầu tiên của tôi là khi sang Mỹ được 1 - 2 ngày thì cũng đến sinh nhật mình và khoảng 1 tháng sau là tết. Đó là sinh nhật đầu tiên và cũng là lần đón tết đầu tiên tôi không được ở nhà. Người ta thường biết về nước Mỹ qua những thành phố lớn như New York, Los Angeles, Chicago… Tôi ở tiểu bang Alaska mà bên Mỹ người ta vẫn gọi là “đồng không mông quạnh”. Khi tôi đến, khắp nơi chỉ có tuyết là tuyết. Điều đó cũng thêm một cú sốc nữa với tôi.

Vậy còn đam mê với guitar, có lúc nào đam mê đó bị đứt đoạn?

Tôi có lúc từng rời bỏ guitar. Trong trường học phổ thông, tôi được học nhạc lý, nhưng lại không được học guitar. Tôi chỉ có thể tự tập guitar một mình. Trong khi bên Mỹ cũng có rất nhiều tài năng guitar. Họ có thể chơi rất tốt khi chỉ còn nhỏ. Nhìn họ, đã có lúc tôi thấy tự tin vào bản thân. Chỉ đến khi vào đại học, tôi đã gặp được những con người giúp tôi quay lại với guitar. Họ giúp cho tôi hiểu ra rằng điều tôi đam mê chính là guitar và khi có đam mê và nỗ lực, mình có thể làm tốt.

Ở VN, nghệ sĩ guitar thường ít được chú ý hơn nghệ sĩ violin hay piano. Điều đó có tương tự ở Mỹ?

Tôi nghĩ cũng như vậy. Thường thì nghệ sĩ guitar hay bị nhìn xuống. Học bổng cho học sinh chơi guitar cũng ít hơn là học sinh chơi violin hay piano. Có lẽ là bởi violin hay piano có thể chơi trong dàn nhạc, còn guitar thì không. Nhiều trường học cũng không dành nhiều kinh phí để phát triển guitar. Nhưng tôi để ý số lượng người thích nghe guitar lại rất đông, bởi guitar có thể đến gần hơn với mọi người khi người chơi nó ở bất kỳ đâu. Chẳng hạn như ở Mỹ, tôi có thể chơi đàn ở bất cứ không gian nào có âm thanh tốt, như nhà thờ, trường đại học, thư viện, cho đến nhà hát…

Cuộc sống của một nghệ sĩ guitar ở Mỹ như anh như thế nào?

Chắc cũng không khác người bình thường lắm đâu! (cười). Tôi thường bắt đầu một ngày từ 8 giờ sáng cho đến tối. Tôi vẫn phân chia đều thời gian cho việc học, luyện tập, biểu diễn (hiện Trần Tuấn An đang học tiến sĩ ngành guitar tại trường Đại học Northwestern, Mỹ - PV). Việc luyện tập kéo dài trong khoảng 4 - 6 tiếng mỗi ngày. Điều thuận lợi là tôi có thể tập luyện ở bất cứ đâu. Tôi đi biểu diễn hằng tuần ở các bang khác nhau của Mỹ, Canada, ngoài ra là các chuyến lưu diễn ở nước ngoài. Trong các chuyến lưu diễn, bên cạnh buổi biểu diễn chính, tôi cũng đến giao lưu tại các trường học, hay có những buổi dạy, trao đổi với các em sinh viên.

Một nghệ sĩ đến từ châu Á phát triển sự nghiệp ở Mỹ có khó khăn?

Có nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn đó không phải là do mình đến từ châu Á. Thực ra đi vào nghệ thuật là khó khăn rồi, kể cả bạn có đến từ Mỹ, châu Âu, hay châu Á thì cũng đều có khó khăn như nhau. Trong khi đó, tôi thậm chí thấy rằng mình có nhiều thuận lợi hơn vì đến từ châu Á, từ VN. Bởi tôi có thể chơi những tác phẩm của VN mà các nghệ sĩ nước ngoài ít biết. Đó là những tác phẩm đến từ VN, về VN - đất nước của mình. Thường khi biểu diễn, tôi sẽ chơi vài tác phẩm của VN. Sau hầu hết các chương trình, khán giả đến gặp và nói với tôi rằng họ rất thích những tác phẩm này. Họ nói đã nhìn thấy tôi mở cửa sổ tâm hồn mình cho họ thấy cuộc sống, đất nước VN thế nào. Điều đó rất đặc biệt với họ. Bởi khi nghe nhạc, khán giả đều muốn biết nghệ sĩ muốn nói điều gì qua những tác phẩm.

Trong nhiều cuộc thi guitar quốc tế, tôi đã chọn chơi tác phẩm VN. Tôi có thể chơi những tác phẩm của châu Âu hay Mỹ, nhưng tôi chọn chơi nhạc của VN là bởi tôi muốn nói mình đến từ đâu, như thế nào. Chẳng hạn có lần trong một cuộc thi quốc tế, tôi chọn chơi bài Núi rừng Tây Nguyên của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long. Đó là tác phẩm mang âm hưởng, giai điệu Tây Nguyên, trong đó có những âm thanh của tiếng chim hót, tiếng gió, tiếng cồng, tiếng chiêng…

Cuộc tuyển chọn nghệ sĩ độc quyền của Classics Alive Artists (Los Angeles, Mỹ) đã diễn ra như thế nào?

Trở thành nghệ sĩ độc quyền của Classics Alive Artists là mong muốn mà trước đây tôi chưa từng nghĩ đến. Tôi đã tự đặt mình vào cuộc thử thách với chính mình. Sau 3 vòng thi, chỉ có một mình tôi chơi guitar bên cạnh nhiều thí sinh chơi các nhạc cụ khác như violin, piano, cello, sáo… bước vào vòng chót. Cuối cùng, tôi và một thí sinh chơi cello đã được lựa chọn.

Điều tuyệt vời nhất là chúng tôi đã đứng trong danh sách các nghệ sĩ của Classics Alive Artists với mạng lưới hoạt động biểu diễn ở khắp thế giới. Người quản lý sẽ giúp tôi những việc như nhắc chụp ảnh, hỗ trợ truyền thông… Còn việc để phát triển ra Canada hay các nước ở châu Á, châu Âu… thì bản thân người nghệ sĩ cũng phải tự lực rất nhiều.

Nhiều tài năng âm nhạc VN đã chọn phương Tây là nơi để phát triển sự nghiệp. Anh cũng lựa chọn con đường đi như vậy?

Việc sinh sống hay làm việc ở đâu với tôi là điều tự hiện ra chứ tôi không áp đặt. Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, miễn là mình có thể phát huy tốt nhất, cũng như có thể hỗ trợ được nhiều người. Tôi vẫn trở về VN để biểu diễn và trao đổi với những bạn trẻ chơi guitar trong nước.

Tôi nghĩ mình may mắn là người chơi guitar, có thể nói được thứ ngôn ngữ chung của thế giới. Tôi cũng như những nghệ sĩ đi trước, nghệ sĩ cùng thời, hay thế hệ tiếp nối đang hoạt động tại nước ngoài luôn mong muốn và nỗ lực đưa âm nhạc VN vượt qua biên giới. Tôi muốn mình là một viên gạch của cây cầu nối âm nhạc VN với thế giới.

Danh xưng thần đồng guitar có đặt nặng lên vai anh trách nhiệm?

Danh xưng cũng giống như những điều tốt hoặc chưa tốt mà khán giả có thể nhìn nhận về mình. Đó là những gì người nghệ sĩ cần lắng nghe nhưng việc đó không ảnh hưởng đến cách chơi của mình. Mình là ai thì mình vẫn giữ nguyên như vậy.

Thần đồng là khái niệm mênh mông lắm! Tôi chỉ nghĩ khi biểu diễn, mình hãy làm hết mực có thể, cống hiến những gì mình có, nói những gì mình muốn qua cây đàn. Mỗi lần về VN tôi rất vui vì guitar đang phát triển khá nhanh. Nhiều trung tâm được mở ra, nhiều người dạy và học đàn. Khi đi trên đường, thỉnh thoảng tôi lại thấy nhiều nhóm ngồi chơi guitar với nhau. Điều đó tôi rất ít khi thấy ở Mỹ. Tôi nghĩ trong tương lai, sự phát triển này sẽ còn tốt hơn bởi vì tôi nhìn thấy được niềm đam mê với guitar ở nhiều nơi, ở rất nhiều người.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Hồng Nguyễn, NSCC

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/ky-tai-guitar-viet-tren-dat-my-1063802.html