Ký tên lên tranh đấu giá: Hành động thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng cái đẹp

Việc Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên lên tranh đấu giá đang gây bão dư luận và cho thấy những ứng xử văn hóa trong xã hội ngày càng có vấn đề.

Lên tiếng về những hành vi phản cảm của các nghệ sĩ trên các diễn đàn, nhạc sĩ Trần Minh Phi - một người đam mê hội họa đã có những phát ngôn thẳng thắn với độc giả Dân Việt.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi

Nhạc sĩ Trần Minh Phi khẳng định: “Việc nghệ sĩ ký tên vào một bức tranh có thể gọi là một sự tha hóa trầm trọng không chỉ là nhân cách nghệ sĩ mà là nhân cách công dân. Bên cạnh đó là ý thức về việc cần phải tôn trọng bản quyền (quyền sở hữu trí tuệ) rất kém. Điều đó cho thấy các vấn nạn về bản quyền tác giả trong các lĩnh vực, nhất là nghệ thuật cứ xảy ra không ngớt.

Với hiểu biết bình thường của một người học vấn trung bình, ai cũng biết ký tên lên một bức tranh chỉ có người vẽ ra bức tranh đó có quyền mà thôi. Và người cho phép người khác ký tên lên bức tranh đó cũng chính là người vẽ bức tranh, và chỉ duy nhất họ mà thôi.

Người bỏ tiền ra mua bức tranh chỉ có quyền sở hữu bức tranh chứ không có quyền tác giả. Nếu họ làm điều đó cũng đồng nghĩa là vi phạm quyền tác giả, chưa kể là tội phá hoại nghệ thuật, cho dù họ là chủ sở hữu bức tranh đó”.

Nhiều người vẫn còn chưa có khái niệm về việc tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ và chưa hiểu đúng về Luật Sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã là thành viên của Công ước Bern.

Liên quan đến vấn đề này, nhạc sĩ Trần Minh Phi cũng chỉ rõ về quyền tác giả (quyền nhân thân) và quyền sở hữu tác phẩm (quyền tài sản). Anh cho biết: “Khi tác phẩm chưa mua đứt bán đoạn cho ai thì quyền tác giả (quyền nhân thân) và quyền sở hữu tác phẩm (quyền tài sản) là một. Khi tác giả bán nó cho người khác thì tác phẩm này có 2 quyền tách rời nhau và mỗi quyền đều phải được tôn trọng theo đúng luật pháp.

Người chủ sở hữu có quyền xử lý tác phẩm đó theo quyền của mình như: chuyển nhượng, mua bán, tặng, treo, cho vào kho... Nhưng phải tôn trọng quyền tác giả là không được ký tên lên tác phẩm (nếu tác giả không đồng ý), vì như thế người ta có thể hiểu nhầm là đồng tác giả (trường hợp khi cho lưu hành như mua bán lại, triển lãm...). Phạm vi này do điều "mạo danh tác giả" qui định".

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng người sở hữu tác phẩm có quyền làm gì với tác phẩm là việc của họ, có thể ký tên, thậm chí xé, đốt bỏ... Tuy nhiên, bất cứ một hành vi nào đi ngược lại văn hóa đều sẽ bị xã hội lên án chứ chưa nói đến luật pháp có cho phép hay không.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi bức xúc: "Việc đốt bức tranh, nằm trong qui định "cắt xén, sửa chữa, xuyên tạc tác phẩm", là hành động phá hủy tác phẩm còn nặng nề hơn. Qui định này nhằm bảo vệ giá trị vô hình của văn hóa nghệ thuật cũng như lợi ích thưởng lãm của quần chúng (nếu bức tranh có giá trị cao về mặt nghệ thuật). Chưa kể đứng về mặt văn hóa, đó là một vết nhơ. Nếu không phải tâm thần thì đó là một hành động thiếu văn hóa, mang tính hủy hoại cái đẹp. Tôi chắc là không ai làm như vậy cả, ngay cả tên trọc phú hạng nhất.

Việc chủ sở hữu tranh đề nghị nhiều người ký tên lên tranh cho thấy họ thiếu hiểu biết và cả những người ký cũng thiếu hiểu biết không chỉ về mặt pháp lý mà còn là thiếu tính nhân văn, thiếu tôn trọng người làm ra cái đẹp và tôn trọng cái đẹp.

Có người biện hộ là họ không hiểu luật chơi tranh. Cũng có thể thông cảm nhưng tính nhân văn của một con người, nhất là người làm văn hóa văn nghệ là cần phải có. Anh mang tiếng là làm đẹp cho đời sao có thể tàn phá cái đẹp như ký tên lên một bức tranh đẹp? Nếu tác giả có đồng ý thì họ chắc cũng độ lượng vì tính chất từ thiện của bức tranh được tác giả đặt cao hơn cái đẹp của tác phẩm - mà tôi cũng chưa biết chính xác thái độ của tác giả thế nào. Nhưng theo tôi, nếu họ không bất bình, không đau xót thì đó là một hành động tự coi thường lao động và giá trị nghệ thuật của mình" - nhạc sĩ Trần Minh Phi chia sẻ.

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/song-tre/ky-ten-len-tranh-dau-gia-hanh-dong-thieu-hieu-biet-thieu-ton-trong-cai-dep-921538.html