Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021: Nghiêm túc, công bằng và an toàn phòng chống dịch bệnh

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021 đã được tổ chức 2 đợt thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,6% (tăng 0,2% so với năm học trước), tỉ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) tiếp tục học lên THPT đạt 97,5% (tăng 1,5% so với năm học trước).

TỔ CHỨC KỲ THI AN TOÀN, ĐÚNG QUY CHẾ, ĐẢM BẢO PHÒNG CHỐNG DỊCH

Các địa phương trong cả nước đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự và xây dựng các phương án cho những sự cố bất thường có thể xảy ra bảo đảm cho Kỳ thi được tổ chức tốt. Hầu hết địa phương đã ưu tiên xét nghiệm và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người tham gia tổ chức thi và thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho những thí sinh tham dự.

Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ thí sinh và cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức Kỳ thi đợt 1. Tất cả thí sinh và cán bộ coi thi ở 39 tỉnh, thành phố có thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 tại 13 hội đồng thi/13 địa phương như Cao Bằng, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai đều được test nhanh, xét nghiệm COVID-19. Các hội đồng thi đã chuẩn bị sẵn khẩu trang để khi thí sinh đến cổng điểm thi thì đổi khẩu trang để vừa phòng chống dịch, vừa phòng ngừa gian lận.

Các điểm thi đều bố trí bộ phận y tế chuyên trách; khử khuẩn toàn bộ các phòng thi; đo thân nhiệt, cung cấp nước sạch và xà phòng rửa tay, khẩu trang cho các thí sinh dự thi. Cập nhật thường xuyên tình hình thí sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo phân loại của ngành Y tế để có phương án xử lý phù hợp. Bố trí điểm thi, và các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để chủ động xử lý các tình huống phát sinh theo nguyên tắc bảo đảm an toàn trong tổ chức thi và công bằng cho các thí sinh, không gây hoang mang hoặc tạo áp lực tâm lý ảnh hưởng đến việc dự thi của thí sinh. Đảm bảo an toàn, an ninh và đi lại trong điểm thi.

Năm 2021, để thích ứng với dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ thi tốt nghiệp THPT (Kỳ thi) năm 2021 được tổ chức hai đợt, đợt 1 diễn ra từ ngày 7-9/7/2021; đợt 2 từ ngày 5-7/8/2021.

Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cố gắng, tích cực và trách nhiệm của ngành Giáo dục, Kỳ thi đã được tổ chức thành công, an toàn, đúng quy chế vừa đảm bảo phòng, chống dịch theo đúng quy định của ngành Y tế.

Các Hội đồng thi giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi trên cơ sở thực hiện đúng quy chế thi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Nhiều địa phương có các giải pháp quan tâm sâu sát đến từng thí sinh, hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi; huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi. Một số địa phương, có số thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 ít, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các sở GD&ĐT thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi tại địa phương hoặc trao đổi, thống nhất chuyển thí sinh đến dự thi ở Hội đồng thi của địa phương khác tạo thuận lợi cho thí sinh cũng như công tác tổ chức. Đồng thời, phải bảo đảm việc đi lại, ăn nghỉ, an toàn sức khỏe đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, ổn định tâm lý cho thí sinh dự thi. Riêng An Giang và Tiền Giang là những địa phương đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong những ngày diễn ra kỳ thi đợt 2 nhưng vẫn tổ chức thi, vì vậy công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho thí sinh và cán bộ làm thi được quan tâm hàng đầu. Đồng Nai quy định các thí sinh F1, F2 và thí sinh trong khu cách ly y tế được xét đặc cách tốt nghiệp và không được đi thi, nhưng do có nhiều thí sinh vẫn bày tỏ nguyện vọng được dự thi để xét tuyển đại học, nên tỉnh đã tạo điều kiện tổ chức thi cho số thí sinh này.

Sở GD&ĐT Nghệ An phối hợp với nhà trường tổ chức ôn tập, động viên và hỗ trợ tối đa cho 3 thí sinh thuộc diện khó khăn dự thi đợt 2 tại Bắc Giang trong 2 ngày 6, 7/8; tổ chức đưa học sinh đi xét nghiệm SARS-CoV-2 để đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe; kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho thí sinh của tỉnh dự thi tại Hội đồng thi tỉnh Bắc Giang trong suốt thời gian thi.

Tại Hải Phòng, toàn bộ cán bộ làm nhiệm vụ coi thi và thí sinh tham dự đợt 2 đã xét nghiệm COVID-19 bằng PCR. Riêng thí sinh và cán bộ giáo viên, phụ huynh đi cùng thí sinh của tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh sang dự thi, được xét nghiệm 3 lần vào các thời điểm có mặt tại Hải Phòng, trước ngày tập trung làm thủ tục dự thi và sau khi kết thúc buổi thi cuối.

Tỉnh Quảng Ngãi có 1 điểm thi ở vùng dịch (với 62 thí sinh dự thi và 5 phòng thi) được bố trí ăn nghỉ, sinh hoạt tại chỗ và khép kín, cách ly với bên ngoài.

Tại Hưng Yên, dù không có thí sinh bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tham dự kỳ thi, mỗi điểm thi được trang bị ít nhất 24 bộ trang phục bảo hộ cá nhân, hòm đựng bài riêng, để dự phòng sử dụng cho cán bộ, thí sinh có biểu hiện ho, sốt và các yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh.

Tỉnh Bắc Giang có số lượng thí sinh dự thi đợt 2 đông nhất, đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Sở GD&ĐT xây dựng phương án và tổ chức đón - đưa các đoàn thí sinh của một số tỉnh gửi đến.

Hà Tĩnh hỗ trợ chi phí xét nghiệm PCR, bố trí xe 16 chỗ đưa thí sinh đi thi, đài thọ chi phí ăn nghỉ.

Khánh Hòa bố trí 1 cán bộ y tế của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cam Ranh đi theo đoàn đưa thí sinh sang địa phương gửi thi để đảm bảo sức khỏe, an toàn, phòng chống dịch...Toàn bộ chi phí ăn uống, đi lại của các thí sinh sẽ do sở GD&ĐT chi trả.

Tại Tiền Giang, hơn 80 thí sinh và những người tham gia phục vụ thi thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ” - ăn, nghỉ, thi tại điểm thi từ ngày làm thủ tục đến khi kết thúc buổi thi cuối cùng. Sở Y tế phối hợp với sở GD&ĐT tổ chức test nhanh cho tất cả người tham gia công tác tổ chức kỳ thi, coi thi, thí sinh; phun khử khuẩn khuôn viên điểm thi trước ngày thí sinh làm thủ tục và cuối mỗi ngày thi.

Tỉnh An Giang đang giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bố trí mỗi phòng thi chỉ xếp tối đa 12 thí sinh. Mỗi điểm thi trong số 11 điểm thi và 182 phòng thi chính thức, có ít nhất 2 phòng thi dự phòng cho đối tượng có dấu hiệu dịch tễ; bố trí 4 Điểm thi dự phòng đặt tại 4 địa phương có đặt Đđiểm thi chính thức để sẵn sàng “kích hoạt” trong trường hợp điểm thi chính thức không thể tổ chức thi.

Tại Đồng Nai, có 9 thí sinh tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) thuộc khu vực đang cách ly y tế được bố trí xe đưa đón từ nhà đến tận cửa phòng thi và ngược lại, thí sinh xuống xe đi thẳng vào ghế ngồi của mình. Khi hết giờ làm bài thi, toàn bộ thí sinh lên xe về trước, sau đó các thí sinh khác mới rời phòng thi. Ngoài ra, thí sinh được xét nghiệm âm tính hằng ngày trước khi đi thi…

KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT DẦN ĐI VÀO ỔN ĐỊNH

Trước những nỗ lực của các hội đồng thi và thí sinh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã đạt được những kết quả tích cực. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,6% (tăng 0,2% so với năm học trước), tỉ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) tiếp tục học lên THPT đạt 97,5% (tăng 1,5% so với năm học trước).

Số thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ ít nhất trong nhiều năm trở lại đây với 18 thí sinh của 11 tỉnh, thành phố (giảm 20 trường hợp so với năm 2020).

Riêng về thông tin nghi vấn đề thi môn Toán bị lọt ra ngoài trong buổi chiều ngày 7/7/2021 tại tỉnh Quảng Bình đã được Công an, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình yêu cầu trưởng điểm thi đình chỉ thí sinh này trước giờ thi môn Tiếng Anh, cán bộ coi thi cũng bị tạm dừng không được tiếp tục coi thi ở các môn thi còn lại. Hiện sự việc vẫn tiếp tục được cơ quan Công an xác minh làm rõ và khi có kết cụ thể sẽ đưa ra hình thức xử lý phù hợp đối với thí sinh và cán bộ coi thi tại địa phương này.

Thí sinh có điểm thi khối A cao nhất đạt 28,6 điểm.

Thí sinh có tổng điểm khối D cao nhất đợt 2 là 28,5 điểm (học sinh tỉnh Bình Định).

Thí sinh có tổng điểm khối B cao nhất của đợt 2 là 29,75 điểm (học sinh tỉnh An Giang).

Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm trên phạm vi cả nước. Tại tất cả các điểm thi diễn ra, an toàn, nghiêm túc đảm bảo khách quan, công bằng, không có tình trạng lộn xộn tại các hội đồng thi. Các hành vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận về hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức, nhất là gian lận công nghệ cao. Các địa phương đều xây dựng phương án chuẩn bị sẵn sàng khi gặp tình huống phát sinh..

Nội dung đề thi của cả đợt 1 và đợt 2 bám sát vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có sự phân hóa hợp lý, bảo đảm công bằng trong đánh giá, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở xét tuyển đại học, cao đẳng. Dư luận xã hội, giáo viên và thí sinh hài lòng với Kỳ thi.

Công tác chấm thi triển khai theo đúng kế hoạch và Quy chế thi, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong suốt quá trình chấm thi. Các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo các sở GD&ĐT triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh sau khi công bố kết quả thi bảo đảm đúng Quy chế.

Về đề thi tổ hợp Khoa học xã hội: 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo; 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa thí sinh.

Về đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên: khoảng 60 - 70% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30% - 40% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Môn Tiếng Anh không xuất hiện thêm các kiến thức mới lạ hay câu hỏi quá khó, gây hoang mang hoặc đánh đố thí sinh.

Môn Lịch sử bám sát cấu trúc, ma trận như đề thi minh họa, những câu hỏi ở mức độ nhận biết rất phù hợp với học sinh phổ thông, phương án đúng được thể hiện rất rõ và khác biệt hẳn so với các phương án còn lại và có sự phân hóa để dành cho học sinh giỏi nắm chắc kiến thức.

Môn Hóa học bám sát cấu trúc, ma trận đề minh họa theo hướng tinh giản chương trình và có tính phân hóa rõ ràng.

Từ kết quả thi các môn học và tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước cho thấy Kỳ thi tốt nghiệp THPT dần đi vào ổn định. Nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa, phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và phù hợp với điều kiện dạy học trong tình hình dịch COVID-19. Công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình học đã có nhiều tiến bộ, ở nhiều môn học đánh giá khá sát so với kết quả thi. Tuy nhiên, vẫn còn có sự khác biệt trong việc đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ lớp 12 của thí sinh.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của từng địa phương, vùng miền đã phản ánh khách quan chất lượng dạy học. Các thành phố lớn, các tỉnh có truyền thống hiếu học, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi đạt kết quả điểm thi và có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn các tỉnh thuộc vùng khó khăn như Tây Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên.

Để tiếp tục đảm bảo công bằng cho các thí sinh, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học nâng cao tinh thần trách nhiệm, cùng chia sẻ, phối hợp; hướng dẫn điều chỉnh lịch tuyển sinh đại học và cao đẳng với phương thức xét tuyển chung dựa trên kết quả hai đợt thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và việc tuyển sinh đối với thí sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021 bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo Công văn số 3190/BGDĐT-GDĐH ngày 30/7/2021 về công tác tuyển sinh năm 2021 trong tình hình dịch COVID-19 của Bộ GD&ĐT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều tỉnh, thành phố có ca mắc COVID-19 tăng cao đã làm ảnh hưởng đến việc tổ chức, triển khác các khâu của Kỳ thi.Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự chung tay góp sức có hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự chuẩn bị và tổ chức chu đáo của các địa phương với nòng cốt là ngành Giáo dục, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức chu đáo, an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng Quy chế thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của Kỳ thi và bảo đảm nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch.

Bộ GD&ĐT bám sát vào diễn biến của dịch COVID-19 chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện tốt công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức, nhất là gian lận công nghệ cao liên quan đến Kỳ thi. Căn cứ vào kết quả thi các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh./.

Lê Thị Mai Hoa

Nguyễn Thanh Hà

Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/khoa-giao/giao-duc/ky-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-nam-2021-nghiem-tuc-cong-bang-va-an-toan-phong-chong-dich-benh-135322