Kỳ thú 'thế giới động vật' trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn (2)

Với sự xuất hiện của gần 40 loài động vật khác nhau, có thể coi Cửu Đỉnh nhà Nguyễn như một 'vườn thú' được thể hiện dưới một hình thức đặc biệt của nước Việt xưa.

Thuần đỉnh là chiếc đỉnh thứ 6 trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn. Loài vật đầu tiên của chiếc đỉnh này là "Hoàng anh" - chim vàng anh, một loài chim đẹp có bộ lông màu vàng rực rỡ.

Tiếp theo là "Đăng sơn ngư", nghĩa là cá rô ta, loài cá sống nhiều ở ruộng đồng, có biệt tài vượt cạn, là món ăn dân dã quen thuộc của người Việt.

Loài thứ ba trên Thuần đỉnh là "Bạng" - con ngao, một hải sản được khai thác ở hầu khắp các vùng ven biển của Việt Nam. Đây là loài thân mềm đầu tiên xuất hiện trên Cửu Đỉnh.

Loài động vật cuối cùng trên Thuần đỉnh là "Ly ngưu" - con bò tót, loài bò hoang dã có hình thể lớn và sức khỏe địch được cả hổ báo.

Tuyên đỉnh là đỉnh số 7 trong Cửu đỉnh. Hình tượng chim tiếp tục hiên diện ở chiếc đỉnh này với "Tần cát liễu", nghĩa là chim yểng, loài chim cảnh nổi tiếng với khả năng nhại tiếng người.

Loài giáp xác lần đầu tiên xuất hiện trên Tuyên đỉnh với hình tượng "Hậu ngư", tức là con sam, một hải sản quý được khai thác ở một số vùng biển của Việt Nam.

Loài thứ ba trên Tuyên đỉnh là "Thỉ" - con lợn, một gia súc được nuôi lấy thịt rất quen thuộc ở vùng nông thôn Việt Nam.

Cuối cùng là "Ngoan" - con vích, loài rùa biển cỡ nhỏ thường được khai thác để lấy thịt làm thực phẩm và lấy mai làm đổ mỹ nghệ.

Dụ đỉnh là chiếc đỉnh thứ 8. Hình tượng chim xuất hiện trên chiếc đỉnh này là "Anh vũ", nghĩa là chim vẹt, cũng là loài chim rất giỏi nhại tiếng người như chim yểng trên Tuyên đỉnh.

Hình tượng cá ở Dụ đỉnh là "Thạch thủ ngư", tức cá mú, một loài cá biển có thịt ngon được khai thác tại nhiều vùng biển của Việt Nam.

Trên Thuần đỉnh cò con ngao thì Dụ đỉnh có "Cáp" là con sò, loài hải sản có họ với ngao, được khai thác ở các vùng ven biển Việt Nam.

Loài cuối cùng trên Dụ đình là "Dương" - con dê, loài gia súc được nuôi nhiều tại một số vùng núi đá của Việt Nam.

Huyền đỉnh là chiếc đình cuối cùng trong Cửu Đỉnh nhà Nguyễn. Chiếc đỉnh này có loài chim lạ là "Thốc thu", nghĩa là chim phù lão hay chim già đẫy, một loài chim trọc đầu trông giống như ông già, sinh sống tại các vùng ngập nước Nam Bộ.

Hình tượng động vật tiếp theo là "Quế đố" là con cà cuống, loài côn trùng lớn sống dưới nước, được khai thác lấy tinh dầu làm gia vị. Đây là loài côn trùng thứ hai xuất hiện trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn, sau con ve sầu ở Anh đỉnh.

Loài ngựa từng xuất hiện ở Anh đỉnh với hình tượng "Mã", lại tiếp tục xuất hiện ở Huyền đỉnh trong hình tượng "Xa" nghĩa là xe, được thể hiện với bốn chú ngựa kéo.

Hình tượng rắn tái xuất ở Huyền đỉnh với "Mãng xà", nghĩa là con mãng xà, theo quan niệm dân gian là loài rắn lớn nhất, vua của các loài rắn.

Cuối cùng là "Sơn mã" là con mang, một loài hươu nhỏ sinh sống trong nhiều khu rừng ở Việt Nam.

Mời quý độc giả xem video: Phục dựng Tử Cấm Thành Huế.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ky-thu-the-gioi-dong-vat-tren-cuu-dinh-nha-nguyen-2-1112892.html