Kỹ thuật trồng cây Sanh và cách tạo thế bonsai đẹp như ý

Kỹ thuật trồng cây Sanh đơn giản nhưng làm sao để tạo thế bonsai mới khó. Bởi không phải ai cũng có đủ niềm say mê, sáng tạo hay kiên trì ngày đêm tỉa cành, tạo thế.

Kỹ thuật trồng cây Sanh tạo thế bonsai yêu cầu phải kiên nhẫn ngay từ những thời gian mới trồng. Bởi lúc này cây còn non cành yếu và dẻo ta mới có thể dễ dàng tạo ra các thế cây theo ý muốn.

Theo tìm hiểu được biết, Sanh là cây thân gỗ, trong điều kiện tự nhiên có thể đạt chiều cao từ 15-20m, có khả năng phân cành cao và trên thân hoặc cành thường là hình các u bướu và các sống gờ do sự sinh trưởng mạnh. Ngoài rễ dưới đất, cây Sanh còn hình thành rễ ở trên bề mặt đất từ cành lớn hoặc thân tạo dáng độc, lạ nên được giới cây cảnh chuộng.

Ngoài ra, cây Sanh còn được giới chơi kiểng ưa chuộng vì ý nghĩa sinh sôi nảy nở, mang tài lộc đến cho gia chủ giống như là quan niệm về cây lộc vừng. Cây được dùng phổ biến dưới hình thức làm cây cảnh bonsai, cây trang trí nội thất - văn phòng tại những nơi như công viên, sân vườn biệt thự, công sở, đình, chùa...

Kỹ thuật trồng cây Sanh tạo thế như ý muốn quả không đơn giản. Ảnh minh họa

Nhiệt độ thích hợp trồng cây Sanh

Cây Sanh sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm và hình thành các trồi lá mạnh vào mùa mưa. Do đó loại cây này cần phải có nhiều nước mới có khả năng sinh trưởng tốt. Đặc biệt, có khả năng chịu ngập úng ở thời gian dài. Nếu bị khô hạn cây sẽ còi cọc, chậm lớn và dễ sinh bệnh. Cây Sanh cũng có thể trồng được ở những vùng đông lạnh. Chúng cũng được trồng trong điều kiện chiếu sáng rất khác nhau nhưng thích hợp nhất là trong điều kiện chiếu sáng tán xạ.

Kỹ thuật trồng cây Sanh và chăm sóc

Kỹ thuật trồng cây Sanh thuận lợi ở chỗ có thể thích hợp ở nhiều loại đất khác nhau miễn là có nước đầy đủ cho cây sinh trưởng. Tuy nhiên đất trồng nên chọn các đất tốt, giàu mùn và có thành phần cơ giới trung bình hay hơi nặng, không nên trồng trên đất sét, gan gà vì như vậy cây sinh trưởng chậm. Trong trường hợp đất sấu hoặc đất quá nặng cần bón lót thêm phân truồng làm đất trước khi trồng.

Nếu trồng tạo bóng mát vô cùng đơn giản nhưng nếu tạo thế bonsai cho cây sau khi trồng phải tiến hành chăm sóc thường xuyên như cắt bỏ các nhánh vô ích, bấm ngọn đặc biệt là tưới giữ ẩm cho đất để duy trì sinh trưởng sự phát triển của cây và làm cho thân cây chóng to, cành nhánh phát triển đều.

Phòng và điều trị bệnh cho cây Sanh

Sanh là loại cây gỗ mềm, dễ nhiễm bệnh nếu bón phân chưa qua xử lý kỹ sẽ mang nhiều mầm bệnh như sâu đục thân, bọ trĩ, bệnh đốm đen.... Biện pháp trước mắt đó là rung cây cho lá rụng, quét và đốt đi để giảm nguồn gây bệnh. Sau đó vào mùa đông sau khi lá rụng dùng hợp chất lưu huỳnh+vôi phun lên cây để giảm bớt nguồn lây bệnh cho năm sau.

Kỹ thuật trồng cây Sanh sao cho nhiều nhánh, tốt quanh năm phải luôn giữ ẩm bằng cách tưới nước thường xuyên. Ảnh minh họaKỹ thuật tạo dáng bonsai theo các kiểu thế khác nhau cho cây Sanh

Để tạo được một cây Sanh có đường thân đẹp, thế đẹp như mong muốn không phải chuyện một sớm một chiều mà phải là một công việc lâu dài, thường xuyên. Bởi hiện nay ngoài tạo thế cây thông thường như bông tán thì nghệ thuật tạo ra thế cho cây Sanh có rất nhiều như tán cổ, tán cách tân...đòi hỏi người trồng phải trang bị kiến thức kỹ thuật trồng và tạo thế cơ bản nhất mới có thể mong tạo ra được một cây Sanh đẹp như ý muốn.

Đầu tiên bạn muốn tạo tán cổ phải bắt đầu từ một cành chính tạo nhiều nhánh được co kéo và ép thành một tầng nằm ngang. Mặt bông tán thường là hình tròn, phía dưới bằng phẳng, phía trên tạo nhánh dăm cho phát triển lá để có hình mâm xôi; tất cả các bông tán đều phải nằm ngang đồng thời song song với nhau cũng như song song với mặt đất.

Chú ý là không được nghiêng ngã. Đường kính các tán phù hợp với cỡ cây, tán cách nhau đều không loãng và túm tụm, tán trên cùng phải tròn đều không nhọn như chọc lên trời sẽ làm cho cây phân tán trở nên thô vụng và sai kỹ thuật của cây có tán cổ.

Còn đối với kiểu tán cách tân thưa thoáng hơn. Cách này cành và ngọn giống tán cây cổ nhưng không cần nhánh dày mà cắt tỉa cho thưa thoáng tạo cho cành, nhánh, lá phô ra nét đẹp tự nhiên, mềm nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp kiêu kỳ, thu hút mọi ánh nhìn.

Trên đây cũng chỉ là một vài bước hướng dẫn kỹ thuật cơ bản nhất cho bạn tham khảo. Nếu muốn trồng cây Sanh thực sự thì ngoài việc trang bị đầy đủ kiến thức hơn nữa cũng nên học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nghệ nhân chơi cảnh khác để áp dụng vào thực tiễn.

An Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ky-thuat-trong-cay-sanh-va-cach-tao-the-dep-me-man-hut-moi-anh-nhin-d121621.html