'Kỳ tích' của bộ đội Việt Nam tại châu Phi

Những người lính Cụ Hồ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại châu Phi đã chinh phục được khí hậu khắc nghiệt và thổ nhưỡng khác biệt ở đây để có cả một vườn rau xanh mướt đủ loại, trong sự cảm phục của đồng nghiệp quốc tế. Không những thế, họ còn hướng dẫn người dân địa phương và các đơn vị bạn cách tăng gia hiệu quả để đảm bảo tự túc được nguồn rau xanh tại chỗ.

Trung tá Nguyễn Thị Liên hướng dẫn người dân địa phương tăng gia. Ảnh: Vũ Tuấn

Trung tá Nguyễn Thị Liên hướng dẫn người dân địa phương tăng gia. Ảnh: Vũ Tuấn

Gian nan tìm rau xanh những ngày đầu tới Phái bộ

Thiếu rau xanh là một trong những thách thức của lực lượng Mũ nồi xanh Việt Nam tại các Phái bộ GGHB LHQ. Người dân châu Phi không có thói quen ăn nhiều rau xanh và ít khi xuất hiện trong bữa ăn dù còn rất đạm bạc của người dân. Do đó, ngoài thị trường địa phương, rau rất khan hiếm và đắt đỏ. Khí hậu Trung Phi khá khắc nghiệt, ban ngày trời nắng như đổ lửa. Nóng đến mức quần áo giặt xong chẳng cần vắt kiệt nước, chỉ phơi một lúc là khô như bóp vụn được ra vậy. Thổ nhưỡng ở cả Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan không mấy màu mỡ, vì đất dạng bazan pha cát sỏi. Rất ít người dân trồng rau trên mảnh vườn cạnh nhà; thay vào đó, họ chỉ trồng cây ăn quả như chuối và xoài. Rất nhiều gia đình để vườn hoang, mặc cho cỏ mọc.

Theo Trung tá Hoàng Trung Kiên, Sĩ quan Tham mưu ở Sở chỉ huy Phái bộ MINUSCA (Trung Phi): Ở Thủ đô Bangui chỉ có 4 siêu thị do người nước ngoài quản lý có bán một lượng rau ít ỏi, nhưng cơ bản là rau nhập khẩu, nên rất đắt đỏ, 1kg cải bắp được bán với giá 3.000 XAF (tương đương với 130.000 đồng Việt Nam). Nhân viên LHQ được khuyến cáo hạn chế tối thiểu đi lại nơi đông người, đặc biệt ở các khu chợ do an ninh không bảo đảm, vì thế càng khó tìm nguồn rau. Cũng có những sạp rau héo úa vì trời nóng ở một vài chợ cóc bên đường, người bán thi thoảng lại dùng chiếc chai nhựa cáu bẩn, đựng nước đục ngầu, xịt lên đám rau để giữ cho nó khỏi bị khô quắt. Trung tá Kiên bảo: Nhìn cảnh tượng đó, có thèm rau xanh đến mấy cũng chẳng dám mua. Bởi nước sạch ở Bangui giữa mùa khô “hiếm như châu, như quế”, người còn chẳng có mà uống thì lấy đâu ra nước sạch để tưới rau.

Trung tá Phạm Quang Thiều, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Bentiu, Nam Sudan chia sẻ, hồi Bệnh viện mới tới địa bàn, anh em ra ngoài chợ Rukona để tìm rau xanh, nhưng giá rau đắt gần bằng thịt. Một kg thịt bò chỉ có giá 1.200 SSP (tương đương với 130.000 đồng Việt Nam), trong khi 1kg cải bẹ trắng có giá 1.000 SSP. Rau, củ quả lại cơ bản nhập khẩu từ các nước láng giềng, với nguồn gốc xuất xứ mập mờ và chất lượng không đảm bảo. Trong khi đó, lượng rau xanh LHQ cung cấp cho 63 người của Bệnh viện lại rất hạn chế và cơ bản là củ quả đông lạnh. Thấy những bất cập về nguồn rau xanh như thế, Ban Giám đốc Bệnh viện dã chiến đã ngay lập tức xây dựng quyết tâm: Phải bằng mọi cách tăng gia tự đảm bảo nguồn rau xanh.

Quyết tâm tăng gia, tự túc rau xanh

Hạt rau giống là một trong những hành trang quan trọng của những người lính QĐND Việt Nam được cử đi làm việc tại Phái bộ LHQ. Riêng Bệnh viện dã chiến có quân số đông nên dự trù hơn 10kg rau giống các loại. Họ đều rất ý thức được việc phải tự túc rau xanh trong mọi hoàn cảnh, bởi đây là nguồn thức ăn quan trọng của người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.

Trước khi đưa các lực lượng lên đường làm nhiệm vụ xa Tổ quốc, Cục GGHB Việt Nam đã có nhiều phương án giải quyết vấn đề này. Nếu không có đất trồng, khí hậu quá khắc nghiệt, họ có thể trồng rau mầm hoặc làm giá đỗ. “Bằng mọi cách, không được để thiếu rau xanh”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng luôn nhấn mạnh khi giao nhiệm vụ cho họ trước khi lên đường nhận nhiệm vụ quốc tế tại châu Phi.

Hiện nay, Việt Nam đang có lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ ở hai Phái bộ Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Trong đó, một Bệnh viện dã chiến cấp 2 với quân số 63 người tại Bentiu, Nam Sudan và 11 sĩ quan đảm nhiệm các vị trí cá nhân như Sĩ quan Tham mưu, Quan sát viên quân sự tại Sở chỉ huy của Phái bộ và Sở chỉ huy các Phân khu thuộc hai Phái bộ nói trên.

Tại Sở chỉ huy Phái bộ MINUSCA, cũng như đồng nghiệp quốc tế, các sĩ quan của Việt Nam phải thuê nhà dân để ở, do LHQ chưa đảm bảo được nơi ở trong căn cứ cho cán bộ, nhân viên của Phái bộ. Tiêu chuẩn lựa chọn nhà để thuê của Tổ công tác Việt Nam trước hết là nơi có an ninh đảm bảo, như phải được cơ quan an ninh Phái bộ chỉ định, quanh nhà có tường xây cao 3m, có hàng rào dây thép gai bên trên, có cổng sắt chống được đạn súng tiểu liên bắn thẳng... và ưu tiên thứ 2, nhà trọ phải là nơi có diện tích đất để canh tác, tăng gia. Trung tá Nguyễn Thị Liên, Sĩ quan Tham mưu tại Sở chỉ huy Phái bộ MINUSCA cho biết: Tổ công tác đã mất nhiều công sức biến khu vườn vốn hoang hóa, đầy cỏ dại và sỏi đá của khu nhà trọ thành một vườn rau xanh đủ loại: Cải thìa, rau muống, mùng tơi, rau dền... Không ít đồng nghiệp ở các nước vô cùng ngạc nhiên về khả năng trồng được rau trên mảnh đất cằn cỗi này của sĩ quan Việt Nam. Sau mỗi buổi chiều đi làm về, cả Tổ công tác lại ra tưới cây, vun gốc, nhặt cỏ chăm sóc vườn rau như thực hiện một chế độ quan trọng trong ngày của mỗi người lính trong quân đội và là một thú vui sau một ngày làm việc căng thẳng.

Trung tá Nguyễn Thị Liên còn dành nhiều thời gian và công sức hướng dẫn các hộ dân lân cận tăng gia trên chính mảnh vườn đang bỏ không của họ. “Người dân chỉ chịu nghe theo hướng dẫn của mình khi họ đã tận mắt thấy thành quả canh tác”, Trung tá Liên tâm sự. Và đến nay, rất nhiều gia đình đã trồng được rau xanh, đỗ xanh, đỗ đen... theo sự hướng dẫn tận tình của Trung tá Liên và giống cũng được nữ sĩ quan Việt Nam này hỗ trợ.

“Ốc đảo xanh” Bentiu

Khi tới thăm Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Bentiu, Nam Sudan, một trong những điều khiến Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh rất hài lòng, đó là những khu vườn rau đủ loại xanh mướt lá, những giàn bầu, mướp trĩu quả.

Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để có được những thành quả trên, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đã nỗ lực không mệt mỏi ngay từ những ngày đầu đặt chân tới Bentiu, với quyết tâm bằng mọi cách phải tự chủ được nguồn rau xanh sớm nhất. Mỗi buổi chiều, sau giờ làm việc, các khoa, ban của Bệnh viện lại tổ chức tăng gia trên diện tích mình được phân công. Họ chắt chiu, tận dụng từng giọt nước đã qua sử dụng (tắm, giặt), múc từng gáo, tưới vào từng gốc rau. Mỗi phòng đều tự chăm sóc thêm một mảnh vườn nhỏ trước cửa nhà, có thể là hoa, có thể là những gốc mướp hương mang giống từ Việt Nam sang. Vào cuối tuần, Bệnh viện còn cử một nhóm cán bộ, nhân viên ra nhà dân mua phân gia súc để mang về ủ và bón cho cây.

Chẳng mấy chốc, Bệnh viện đã tự túc đủ rau xanh cho cả đơn vị 63 người. Rau xanh và mướp vào mùa thu hoạch rộ, Bệnh viện ăn không hết, phải chia cho các đơn vị của các nước đóng quân trong căn cứ; nhiều bệnh nhân tới khám hoặc điều trị, còn được tặng rau mang về.

Các nữ quân nhân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm dưới giàn mướp trĩu quả. Ảnh: Vũ Tuấn

“Tới Bệnh viện dã chiến của Việt Nam như thấy không khí dịu lại bởi màu xanh của những giàn mướp ngay trước khu nhà ở và xung quanh doanh trại. Tôi rất ngạc nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện của Việt Nam đã có thể phủ kín doanh trại một màu xanh đẹp mắt như vậy. Ở căn cứ Bentiu này, chỉ có Bệnh viện của Việt Nam có thể làm được điều này. Trông từ xa, Bệnh viện như một “ốc đảo xanh vậy” - Bà Horoko Hirahara, Trưởng căn cứ Bentiu chia sẻ với sự ngạc nhiên và cảm phục những nỗ lực của cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến của Việt Nam.

“Bộ đội của Việt Nam như những nông dân chuyên nghiệp. Họ đã làm được điều mà các đơn vị của nhiều quốc gia có mặt ở địa bàn từ trước đó chưa làm được”, những người lính Mũ nồi xanh Việt Nam thực sự xúc động xen lẫn niềm tự hào khi nghe những lời khen như vậy từ bạn bè quốc tế. Và điều quan trọng hơn, vườn rau xinh xắn mướt lá kia sẽ góp phần giúp họ chống chọi với môi trường khắc nghiệt, đầy rủi ro và bệnh truyền nhiễm, để hoàn thành tốt sứ mệnh GGHB mà LHQ và Bộ Quốc phòng Việt Nam giao phó.

Vũ Tuấn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ky-tich-cua-bo-doi-viet-nam-tai-chau-phi/