Kỳ tích miền núi

Người Cơ Tu thôn Phú Túc phấn khởi quảng bá sản phẩm rượu cần đến với người tiêu dùng.

(Cadn.com.vn) - Hướng đến kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 – 1-1-2017), ngày 1-9, UBND H. Hòa Vang triển khai các hoạt động tuyên truyền về những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và các chính sách an sinh xã hội...

Ngược lên xã miền núi Hòa Phú (H. Hòa Vang) bây giờ mới thấy, cái nghèo đói chỉ còn trong dĩ vãng. Tuy là địa bàn vùng sâu vùng xa nhưng người dân đã thể hiện sự phấn đấu vươn lên trong xây dựng cuộc sống mới, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư thông qua việc thực hiện các phong trào xóa đói giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới. Già làng Lê Văn Rời nhớ lại, chiến tranh kết thúc, người Cơ Tu vùng thấp định cư ở làng Phú Túc (xã Ba, H. Hiên, Quảng Nam-Đà Nẵng cũ). Lúc đó, nhà nào cũng nghèo, thiếu đói triền miên, nhiều người bỏ làng di cư tìm miền đất mới. Người ở lại do nhu cầu cuộc sống nên phải lên rừng đốt rẫy làm nương. Sau đó, làng Phú Túc được chuyển giao cho xã Hòa Phú quản lý, thì cuộc sống của đồng bào Cơ Tu từng bước được cải thiện, địa phương cấp đất trồng rừng, hỗ trợ sản xuất rượu cần phát triển kinh tế nên người dân không còn du canh, du cư nữa...

Còn ở xã Hòa Bắc, hơn 180 hộ đồng bào Cơ Tu định cư tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí. Theo ông Đinh Văn Cư-Trưởng thôn Tà Lang, tận dụng lợi thế về đất rừng, chính quyền địa phương khuyến khích đồng bào Cơ Tu phát triển đàn gia súc, gia cầm tạo nguồn thu nhập; cùng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hướng dẫn đồng bào Cơ Tu đăng ký và thực hiện đầy đủ các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa. Điểm nhấn của Hòa Bắc vẫn là hình ảnh chiếc cầu nối liền hai thôn Tà Lang-Giàn Bí do TP đầu tư xây dựng với kinh phí 12 tỷ đồng được đưa vào sử dụng năm 2010, giúp người dân thoát khỏi cảnh lội suối, băng rừng. “Có cầu, người dân trong khu vực có thêm nhiều thuận lợi trong việc giao lưu sinh hoạt, cải thiện cuộc sống - điều đó đã cho thấy những nỗ lực đáng kể của các cấp chính quyền trong việc tạo dựng mối liên kết không chỉ đơn thuần về giao thông mà còn là sự phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực KT-XH, AN-QP cho bà con dân tộc thiểu số”, ông Cư cho biết thêm... Bên cạnh đó, trong các chính sách an sinh xã hội dành cho đồng bào Cơ Tu, có thể nhận thấy, hiệu quả nhất là chính sách đầu tư giáo dục. Theo khảo sát của Phòng GD-ĐT H. Hòa Vang, tỷ lệ học sinh người dân tộc đến trường ngày càng tăng, học sinh bỏ học rất ít. Kết quả này có được là nhờ thực hiện tốt chính sách miễn học phí hoàn toàn cho con em đồng bào dân tộc; trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho từng em ở từng cấp học khác nhau. Cùng với trợ cấp là cơ sở trường lớp không ngừng nâng cấp theo hướng tầng hóa. Với chính sách đầu tư giáo dục có hiệu quả, huyện và TP đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để học sinh dân tộc Cơ Tu tiếp cận với kiến thức văn hóa ở trình độ ngày càng cao, giúp các em tự tin hơn khi hòa nhập với xã hội...

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ngày nay, đến với các thôn Phú Túc hay Tà Lang, Giàn Bí đường giao thông đã thuận lợi hơn, ô-tô vào tận bản làng. 100% hộ đồng bào Cơ Tu không còn ở nhà tạm, có điện thắp sáng, chữa bệnh miễn phí; mỗi thôn đều được xây dựng một nhà Gươl để lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Mạng lưới điện thoại, phát thanh, truyền hình đã đến từng nhà, giúp cho bà con tiếp cận với những phương tiện truyền thông. Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ, để có được kỳ tích này là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của các ngành, các cấp, không chỉ đơn giản là những chính sách hỗ trợ hợp lý mà còn tập trung vào việc thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất trên cơ sở giữ nguyên bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.

An Dương

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_154519_ky-ti-ch-mie-n-nu-i.aspx