Kỳ tích y học: Cấy ghép thành công hai quả tim lợn cho bệnh nhân chết não

Các bác sĩ Mỹ gần đây đã cấy ghép tim lợn cho hai bệnh nhân chết não, nuôi hy vọng rằng một ngày nào đó, việc cấy ghép tim động vật có thể được sử dụng để cứu sống con người.

Thêm hai ca cấy ghép tim lợn cho người thành công đã mở ra hy vọng cho việc cấy ghép nội tạng động vật cho người.

Được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Nader Moazami, bác sĩ phẫu thuật tim tại trung tâm y tế NYU Langone Health ở thành phố New York, Mỹ, các ca phẫu thuật diễn ra vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Đầu năm nay, một nhóm bác sĩ khác từ Trung tâm Y tế Đại học Maryland, Mỹ đã cấy ghép tim lợn cho một bệnh nhân khác, người đã bị chết não hai tháng sau ca phẫu thuật.

Trong hai cuộc phẫu thuật gần đây, Moazami và nhóm của ông đã cấy ghép tim của hai con lợn biến đổi gen vào hai bệnh nhân đang được hỗ trợ bằng máy thở: Lawrence Kelly 72 tuổi và Alva Capuano 64 tuổi.

Cả hai bệnh nhân đều có tiền sử bệnh tim lâu dài, theo CNN. Sau khi cấy ghép, các bệnh nhân được uống thuốc tiêu chuẩn sau cấy ghép. Các bác sĩ đã theo dõi các chức năng tim của bệnh nhân trong ba ngày nhưng không phát hiện thấy dấu hiệu nào của sự đào thải cơ quan sớm. Không có thiết bị hỗ trợ cơ học bổ sung nào được sử dụng sau khi phẫu thuật, đại diện của NYU Langone Health cho biết.

Tiến sĩ Robert Montgomery, giám đốc Viện cấy ghép Langone NYU cho biết: "Chúng tôi có thể theo dõi thường xuyên hơn nhiều và thực sự hiểu được quá trình sinh học và lấp đầy những lỗ hổng ở tất cả những điều chưa biết."

Ca ghép nội tạng động vật đầu tiên vào người là ghép giác mạc từ lợn diễn ra vào năm 1838, theo Thư viện Y khoa Quốc gia của Mỹ. Kể từ đó, những nỗ lực như vậy phần lớn đã không thành công, vì hệ miễn dịch của con người thường tấn công và từ chối một cơ thể động vật được cấy ghép như một cơ thể lạ.

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã ngăn chặn sự từ chối này bằng cách sử dụng lợn biến đổi gen để làm cho nội tạng của chúng gần giống với nội tạng của con người hơn. Chúng "đánh lừa" hệ miễn dịch bằng cách điều chỉnh sự phát triển của cơ quan và giảm khả năng hệ miễn dịch của người nhận sẽ từ chối nó.

Theo Mạng lưới Chia sẻ nội tạng Thống nhất (UNOS), một tổ chức phi lợi nhuận đóng vai trò là hệ thống cấy ghép nội tạng của quốc gia, có hơn 105.000 người Mỹ trong danh sách chờ được cấy ghép nội tạng.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ đang xem xét các thử nghiệm cấy ghép tim hoặc thận lợn biến đổi gen vào các bệnh nhân tình nguyện. Theo NYU Langone Health, thành công của hai ca phẫu thuật gần đây sẽ giúp các nhà nghiên cứu tiến thêm một bước nữa để biến điều này thành hiện thực.

Hà Thu

Theo Live Science

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ky-tich-y-hoc-cay-ghep-thanh-cong-hai-qua-tim-lon-cho-benh-nhan-chet-nao-post1454456.tpo