Kỳ tổng tuyển cử đầy biến động ở Pakistan

Một vụ tấn công bằng bom hôm 25/7 đã khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương, ngay trong bối cảnh người dân Pakistan đang đi bỏ phiếu và bất chấp an ninh được thắt chặt trong quá trình diễn ra cuộc tổng tuyển cử.

Dù an ninh được thắt chặt, kỳ bầu cử ở Pakistan vẫn không tránh khỏi các vụ tấn công. (Nguồn: AP).

Nhiều vụ tấn công đẫm máu

Vụ đánh bom xảy ra tại khu vực ngoại ô Quetta, thủ phủ của tỉnh Balochistan, Pakistan. Nguyên nhân vụ nổ hiện chưa được làm rõ, trong khi tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố nhận trách nhiệm.

Akber Khan, một trong số các nhân chứng, kể lại rằng thời điểm đó ông vừa bỏ xong lá phiếu của mình và trở về cửa hiệu nơi ông sở hữu. Vừa bước ra ngoài cửa hiệu một lần nữa, ông chứng kiến tận mắt vụ nổ. "Tất cả chúng tôi phải nằm sát đất. Nhiều người tháo chạy. Sau 10 phút, khi tình trạng hỗn loạn kết thúc, chúng tôi bắt đầu cứu giúp các nạn nhân", ông Khan kể lại.

Ở khu vực Khyber Pakhtunkhwa, 1 người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong một vụ đụng độ bên ngoài một điểm bỏ phiếu, trong đó một bên là những người ủng hộ đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ứng viên Imran Khan, và bên còn lại là người ủng hộ đảng Quốc gia Awami.

Vụ tấn công xảy ra đúng ngày Pakistan tổ chức cuộc tổng tuyển cử lịch sử, bầu ra Thủ tướng mới, 272 thành viên trong Quốc hội và Hội đồng địa phương tại 4 tỉnh lớn của nước này. Trong vòng 1 tháng vận động tranh cử, hơn 180 người, bao gồm 3 ứng cử viên đã thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương trong các vụ tấn công khủng bố khác nhau tại Pakistan.

Cuộc bầu cử lần này ở Pakistan được coi là cuộc chạy đua sát sao giữa đảng của ông Khan và đảng của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, người hiện đã bị bỏ tù. Ứng viên thay thế hiện tại là ông Shahbaz Sharrif, em trai của ông Nawaz Sharif.

Một chiến dịch an ninh đồ sộ đã được triển khai trong kỳ bầu cử sau khi một số vụ tấn công xảy ra. Vào ngày 16/7, 150 người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát ở Balochistan, mà mục tiêu nhằm vào một ứng viên tham gia tranh cử. Sự việc khiến nhiều người nghi ngờ rằng cuộc bầu cử sẽ bị tạm hoãn để chính quyền thắt chặt an ninh.

Lực lượng cảnh sát và quân đội đã được triển khai ở khắp các điểm bỏ phiếu trên cả nước, giới chức thành phố Peshawar thậm chí còn sử dụng cả máy bay không người lái để kiểm soát tình hình an ninh. Trong hôm 25/7, hàng dài người dân đã đi bỏ phiếu ở các thành phố lớn như Karachi, Quetta và Peshawar.

Kỳ bầu cử đầy biến động

Trong hôm thứ Tư vừa qua, hàng loạt các tờ báo ở Pakistan đều đưa tin về kỳ bầu cử đầy tranh cãi. Nhiều tờ báo thì tập trung hơn vào vấn đề an ninh khi người dân đổ tới các điểm bỏ phiếu. Được biết, gần 106 triệu người đã đăng ký đi bầu cử cá thành viên Hạ viện và 4 Hội đồng cấp tỉnh.

Kỳ bầu cử trong tuần này mới chỉ là lần thứ hai trong lịch sử 71 năm của Pakistan mà đất nước này chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ.

Trước khi bầu cử diễn ra, tình hình căng thẳng chính trị ở Pakistan đã gia tăng nhanh chóng do các cáo buộc rằng quân đội nước này ngầm hậu thuẫn ông Khan. Hội đồng Nhân quyền Pakistan (HRCP) thì thể hiện sự quan ngại sau sắc "về quyền lực quá lớn của các lực lượng an ninh", và gọi kỳ bầu cử lần này là "kém trong sạch nhất" trong lịch sử Pakistan.

Ông Khan đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc cho rằng ông được quân đội hậu thuẫn, đồng thời lên án việc quấy rối các ứng viên tham gia tranh cử.

Trong lúc mà đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của cựu Thủ tướng Sharrif Nawaz vẫn chịu ảnh hưởng nặng từ việc ông này bị bỏ tù, thì kỳ bầu cử lần này thực sự là cơ hội cho đảng trung hữu PTI của ông Khan nhằm phá bỏ hệ thống 2 đảng phái vốn thống trị nền chính trị của Pakistan.

Trong hôm bắt đầu bỏ phiếu ngày 25/7, những người ủng hộ ông Khan tỏ ra hết sức lạc quan về khả năng ông đắc cử, hy vọng rằng ông sẽ giữ vững cam kết tạo ra một "Pakistan mới" cho người dân.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng với xuất thân là một ngôi sao thể thao, ông Khan rất thiếu kinh nghiệm chính trị ở mức độ quốc gia để có thể thực hiện các kế hoạch cải cách hữu hiệu. Và ông có thể bị ngăn chặn do thiếu các đồng minh trung thành trong đảng của mình và thiếu tầm ảnh hưởng tới lực lượng quân đội hùng mạnh.

Và dù ai là người sẽ trở thành tâm Thủ tướng của Pakistan, đất nước Hồi giáo 207 triệu dân, sẽ đều phải đối mặt với khủng hoảng nợ trầm trọng. Đất nước này cũng đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn liên quan tới quan hệ rạn nứt với Mỹ - bên đã cắt viện trợ quân sự sau khi cáo buộc Pakistan hậu thuẫn Taliban ở Afghanistan.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/ky-tong-tuyen-cu-day-bien-dong-o-pakistan-tintuc411002