Ký ức A Xan

Già làng A Lăng Gia, hơn 80 tuổi, nhà ở thôn Ca Noon1, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cứ nắm chặt tay chúng tôi trong ngày hội mừng lúa mới hồ hởi nói: 'Đời sống của người Cơ Tu có được như ngày hôm nay là nhờ có Đảng, có Bác Hồ. Bà con Cơ Tu biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ nhiều lắm! Người Cơ Tu nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã vạch ra'.

Quân y Đồn BP A Xan khám chữa bệnh cho người nghèo. Ảnh: Hoàng Anh

Cuộc sống trên vùng đất khó

Chúng tôi đến xã A Xan đúng vào dịp đồng bào dân tộc Cơ Tu vừa gieo cấy xong những ruộng lúa nước cuối cùng trong thung lũng A Xan. Nhìn từ trên cao, cả thung lũng như được khoác thêm một chiếc áo mới, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Đón chúng tôi tận cổng, Thượng tá Trần Văn Hóa, Chính trị viên của Đồn BP A Xan vừa đi vừa tâm sự, đơn vị đứng chân tại xã A Xan, có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài 20km, gồm 7 cột mốc (từ mốc 685 đến mốc 691). Địa bàn đơn vị phụ trách gồm 2 xã: A Xan và Tr,hy, có 15 thôn, bản với hơn 600 hộ và gần 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Cơ Tu. Địa hình ở đây núi cao, rừng rậm rất hiểm trở, khí hậu, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn, đời sống đồng bào các dân tộc hết sức thiếu thốn...

Song song với công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ của Đồn BP A Xan đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát kinh tế, văn hóa - xã hội, từng bước giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, góp phần xây dựng các bản làng văn hóa mới, xây dựng thế trận lòng dân; tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng vùng biên giới phát triển và vững mạnh về an ninh, quốc phòng.

Để minh chứng cho những điều vừa nói, ngay sau bữa cơm chiều, Chính trị viên Trần Văn Hóa dẫn chúng tôi xuống thăm gia đình của già làng Pơ Loong Ria, sinh năm 1948, nhà ở thôn Agnil, xã A Xan. Trong ngôi nhà sàn khang trang vẫn còn thơm mùi gỗ do cán bộ, chiến sĩ BĐBP vận động các nhà hảo tâm xây tặng trong cuộc vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới hải đảo", già làng Pơ Loong Ria cho biết, trước đây, người Cơ Tu vẫn duy trì cuộc sống du canh du cư, nay đây mai đó với phương thức canh tác thô sơ, lạc hậu, chỉ biết đốt rừng làm rẫy, trọc lỗ tra hạt, ốm đau, bệnh tật bà con chỉ biết nhờ vào các thầy cúng để cúng gọi hồn, đuổi ma...

Kể từ lúc Cách mạng Tháng Tám thành công, đặc biệt từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng bào đã được cán bộ cách mạng tuyên truyền, vận động đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, xây dựng cuộc sống của mỗi gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, người Cơ Tu ở A Xan luôn một lòng theo Đảng, theo cách mạng; giúp đỡ bộ đội đánh đuổi giặc Pháp, giặc Mỹ xâm lược. Nhiều gia đình đã giành những hạt muối, cân gạo cuối cùng để nuôi cán bộ cách mạng hay Bộ đội Cụ Hồ; nhiều tấm gương anh dũng trong chiến đấu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Ngày nay, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, bên cạnh đó có sự giúp đỡ, tận tình của BĐBP Quảng Nam nói chung và của Đồn BP A Xan nói riêng, bộ mặt của A Xan đã được thay da đổi thịt từng ngày.

A Xan đổi mới

Trong thời gian lưu lại Đồn BP A Xan, chúng tôi được Chính trị viên Trần Văn Hóa đưa đi thăm nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người dân trong vùng, nhưng ấn tượng nhất trong tôi có lẽ vẫn là cùng tham dự lễ hội mừng lúa mới của người Cơ Tu tại thôn Ca Noon1, xã A Xan. Đây là dịp để bà con Cơ Tu tỏ lòng biết ơn với các vị thần linh đã giúp cho dân bản có một vụ mùa tươi tốt, bội thu; ban cho người già, trẻ nhỏ có sức khỏe, ít ốm đau và cầu mong cho niên vụ mới ấm no, sung túc hơn.

Trong tiếng cồng chiêng rộn rã, bên ché rượu cần sánh vàng, Thượng tá Trần Văn Hóa cho biết, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ của Đồn BP A Xan luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thường xuyên làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Tây Giang, Đảng ủy, chính quyền các xã A Xan và Tr,hy củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương thực sự vững mạnh, đủ sức lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ.

Thường xuyên cùng các ban, ngành, đoàn thể và uy tín của các già làng, Trưởng bản tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của địa phương; vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, khắc phục khó khăn, ổn định nơi ăn ở, giúp đỡ nhân dân trong lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thôn bản văn hóa; cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phòng chống dịch bệnh và xây dựng, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân.

Bà con Cơ Tu thôn Ca Noon1, xã A Xan tổ chức múa cồng chiêng mừng khánh thành nhà gươl văn hóa. Ảnh: Hoàng Anh

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP A Xan đã vận động người dân ở 14/14 thôn ổn định nơi ở, làm mới được hàng trăm km đường giao thông liên thôn, liên xã; giúp nhân dân trên địa bàn xây dựng được hàng trăm ngôi nhà mới theo Chương trình 134, 135; phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động đồng bào xây dựng 12/14 nhà Gươl thôn, bản và 1 nhà Gươl xã; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ biên giới, xây dựng bản làng văn hóa; thực hiện tốt các dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội như: Vận động nhân dân làm mới 4.875m kênh mương thủy lợi, khai hoang được 39,8ha lúa nước. Do biết canh tác và biết áp dụng khoa học - kỹ thuật nên năng suất lúa đã không ngừng tăng nhanh từ 1 vụ lên 2-3 vụ/năm. Bà con đã có đủ lương thực ăn trong những ngày giáp hạt không còn phải ăn sắn, ăn ngô trừ bữa. Những vùng đất đồi trọc là hậu quả của việc đốt rừng làm nương rẫy giờ đã được phủ xanh bằng nhiều loại cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm...

Cụ thể, đơn vị cùng bà con đã đào mới đưa vào sử dụng trên 200 ao cá; trồng được 138ha quế, 43ha cây ăn quả; phát triển đàn gia súc hơn 7 nghìn con, đàn gia cầm hơn 20 nghìn con, thực hiện dự án thu phát sóng cho các thôn bản, vận động nhân dân lắp đặt được 386 máy thủy điện nhỏ phục vụ sinh hoạt, lắp đặt 266 bộ parabôn thu phát tín hiệu vệ tinh phục vụ xem các chương trình truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam; lắp đặt dự án công trình nước sạch cho nhân dân; vận động các gia đình tiết kiệm chi tiêu mua sắm trên 200 xe máy làm phương tiện đi lại.

Tính đến nay, 100% con em đồng bào dân tộc trong xã đã được cắp sách đến trường và học trong những phòng học được xây dựng vững chãi, khang trang, không còn cảnh phải học trong những ngôi trường tạm bợ, tranh tre vách nứa. Đơn vị còn cùng với bà con tham gia hàng nghìn ngày công lao động để làm trường, lớp và vận động 957 lượt em học sinh bỏ học quay lại trường; giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, hàng nghìn cuốn sách, vở... trị giá trên 20 triệu đồng. Nhờ làm tốt công tác giáo dục ở địa phương, năm 2008 xã A Xan đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là xã biên giới đã phổ cập xong chương trình trung học cơ sở.

Ngoài ra, ở A Xan còn duy trì tốt hoạt động của Trạm quân dân y phục vụ sức khỏe cho nhân dân và đơn vị còn trực tiếp khám và điều trị cho hơn 4.360 lượt người, cấp thuốc miễn phí trị giá hàng chục triệu đồng, cấp cứu kịp thời cho nhân dân hàng trăm ca bênh hiểm nghèo, tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về vệ sinh phòng dịch, bảo vệ môi trường, sinh đẻ có kế hoạch... Bản làng của người Cơ Tu bây giờ khang trang, gọn gàng, sạch đẹp hơn, nhiều công trình mới được đầu tư đưa vào sử dụng, đồng bào càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Hoàng Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ky-uc-a-xan/