Ký ức cắm cờ trên nóc Tòa thị chính, đánh dấu thời khắc lịch sử giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng Đà Nẵng 29-3 (1975 - 2024) và 57 năm ngày thành lập Binh chủng Đặc công Việt Nam anh hùng (19-3-1967 - 19-3-2024), tối 27-3, tại TP Đà Nẵng, Ban liên lạc truyền thống Đặc công - biệt động thành Đà Nẵng tổ chức gặp mặt, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của đặc công - biệt động thành Đà Nẵng; tiếp tục phát huy phẩm chất cao quý 'Bộ đội cụ Hồ', truyền thống của lực lượng đặc công - biệt động.

Đại diện lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng tại buổi gặp mặt kỷ niệm truyền thống Đặc công - biệt động thành Đà Nẵng.

Theo ông Phạm Kiều Đa - Trưởng Ban liên lạc Truyền thống Biệt động thành Đà Nẵng, trong kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, lực lượng tự vệ - biệt động Đà Nẵng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương thức hoạt động, chiến thuật tác chiến, cách đánh mưu trí, táo bạo, bất ngờ, liên tục tiến công vào các cơ quan đầu não, các cơ sở hạ tầng quan trọng của địch, lập được những chiến công xuất sắc. Theo đó, các lực lượng từ tự vệ, biệt động đơn tuyến đến đội biệt động, biệt động cảnh, biệt động quận hai đại đội đặc công, biệt động Lê Độ 1, 2 đã tác chiến 1.000 trận lớn nhỏ, giết, làm bị thương hàng chục ngàn tên địch với trên 1.000 tên Mỹ và chư hầu, gần 200 tên Cảnh sát, ác ôn các loại.

Tại Đà Nẵng, các lực lượng đã phá hủy và phá hỏng 250 xe quân sự các loại cùng hàng chục tàu chiến, ca nô, máy bay; tấn công hàng chục cơ quan đầu não, hội đồng khu phố với 40 bốt cảnh sát, cư xá Mỹ; đánh cháy, nổ tàu chiến Mỹ tại Cảng Nại Hiên, 3 kho bom, đạn chiến lược (An Đồn, Phước Lý và Sân bay Đà Nẵng); 2 lần đánh cháy kho xăng, phá hủy hàng chục trạm điện làm rung chuyển thành phố, gây nên sự kinh hoàng cho bọn Mỹ Ngụy.

Ấn tượng nhất là Đại đội Đặc công biệt động Lê Độ đã đánh vào Quân vụ thị trấn, bắn cháy xe tăng, xe GMC chở đầy quân tiếp viện ngay trên đường phố Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn); đánh vào Đài phát thanh, chuyển sang đánh chốt phản kích Xương Bình ngay giữa lòng thành phố. Cả ngày 28-3-1968, địch có xe tăng, pháo bắn thẳng và máy bay trực thăng yểm trợ, 7 Dũng sĩ Thanh Khê quần nhau với hơn 400 tên địch, bẻ gãy nhiều đợt tiến công, làm nên huyền thoại mẹ Nhu anh hùng.

Đặc biệt, ngày 29-3-1975, lực lượng đặc công, biệt động cùng với quân dân Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ giữa tấn công và nổi dậy, chiếm lĩnh hầu hết các mục tiêu quan trọng. Đúng 11 giờ 30, lực lượng đặc công, biệt động chiếm lĩnh và cắm cờ trên nóc Tòa Thị chính, đánh dấu thời khắc lịch sử giải phóng hoàn toàn TP Đà Nẵng.

Ngoài hoạt động gặp mặt, Ban liên lạc truyền thống Đặc công - biệt động thành Đà Nẵng, quận Nhất, quận Nhì, quận Ba và Đại đội Đặc công - biệt động Lê Độ còn tổ chức dâng hương tại 4 bia chiến tích, tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn Đà Nẵng và vào Quảng Nam dâng hương bia tưởng niệm liệt sĩ Đặc công biệt động thành xóm Chín Chủ (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Đinh Nga

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ky-uc-cam-co-tren-noc-toa-thi-chinh-danh-dau-thoi-khac-lich-su-giai-phong-hoan-toan-da-nang-post292824.html