Ký ức chiến tranh: Nhập ngũ (P2)

Nơi huấn luyện tân binh chúng tôi thuộc hợp tác xã Hồ Tây, xã Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tôi và mấy anh em nữa đóng quân trong nhà mẹ Trị. Năm đó, mẹ đã ngoài sáu mươi. Mẹ yêu quý chúng tôi như con đẻ. Có củ khoai bột mẹ cũng để dành phần cho.

Đến mùa mít chín, mẹ lụi cụi làm cho chúng tôi mỗi người một bọc mứt mít sấy khô thật ngon... Một thời gian sau, khi chúng tôi đã xây dựng xong lán trại thì chuyển ra ở tập trung. Mỗi trung đội một lán. Nhưng hễ có ngày nghỉ lại chạy về nhà mẹ. Biết là chủ nhật được nghỉ, mẹ chuẩn bị nước chè xanh, lạc luộc, mít chín và khoai cho chúng tôi ăn. Tấm lòng của mẹ và bà con cô bác ở Hương Sơn, chúng tôi mói ghi lòng tạc dạ.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Tiểu đoàn 8, Đoàn 22 huấn luyện có ba đại đội: 29, 30, 31. Đại đội 30 chúng tôi có ba trung đội. Trung đội 1 do anh Trần Văn Yên (quê Nghi Xuân) chuẩn úy, làm trung đội trưởng. Trung đội 2 do anh Trần Nhơn (quê Kỳ Anh) thượng sỹ, làm trung đội trưởng. Trung đội trưởng trung đội 3 chúng tôi là chuẩn úy Nguyễn Văn Lĩnh, quê Nam Đàn (Nghệ An) có tác phong huấn luyện chuẩn mực, nghiờm tỳc làm cho cánh tân binh chúng tôi hết sức nể trọng. Có thể nói, lúc bấy giờ anh là thần tượng đối với lớp lính trẻ chúng tôi. Tiểu đội trưởng huấn luyện là anh Nguyễn Văn Bồng, quê Đức Thịnh, Đức Thọ. Người thấp đậm, giọng nói lập bập, lúng búng, tính tình hay cáu gắt...

Hồ Tây nằm ven hữu ngạn con sông Ngàn Phố nơi thượng nguồn. Mùa này nước trong như lọc. Hàng ngày sau mỗi buổi tập, chúng tôi lại cùng nhau sà xuống lòng sông để được ngâm mình trong dòng nước mát lạnh ấy. Nơi ấy cũng đã kịp để lại trong tôi và đồng đội nhiều kỷ niệm thân thương. Đó là những đêm lửa trại, vui văn nghệ với Đoàn thanh niên địa phương kết nghĩa. Những buổi giúp dân thu mùa; những lần qua phà cáp treo Hà Tân (nay là cầu Hà Tân) sang bên kia có cửa hàng thực phẩm để mua bánh kẹo Hải Châu, xà phòng... Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là những ngày leo rừng chặt gỗ, nứa làm lán trại và những buổi hành quân mang vác nặng với ba lô gạch, tập leo dốc, trèo đèo, chuẩn bị sức khỏe và ý chí để vượt Trường Sơn trong nay mai. Tôi vốn nhỏ dẻ, nhanh nhẹn và tháo vát nên được điều làm liên lạc (truyền tin) cho trung đội. Sau hai tháng huấn luyện, anh Lĩnh tin tưởng cử tôi đi học lớp lái xe (lái xe là một ước mơ của cánh lính trẻ chúng tôi ngày ấy). Nhưng khám lại, không đủ sức khỏe, tôi đành phải trở lại đơn vị. Đợt ấy có Nguyễn Công Lam (Trung Lộc), Trần Trọng Đoàn (Nga Lộc, nay định cư tại thành phố Hồ Chí Minh) Vương Khả Hồng (Khánh Lộc), Trần Đắc Thường, Nguyễn Văn Trung (Đại Lộc) và một số người khác, học khóa lái xe ở Tràng Kè, Mỹ Thành, Yên Thành, Nghệ An. (Lam là bạn học ngồi cùng bàn với tôi hồi cấp III, lính lái xe Trường Sơn. Sau này là đại đội trưởng một đại đội xe vận tải quân sự, phục vụ chiến trường B5, Quảng Trị. Sau chiến tranh, Lam chuyển ngành về Công ty Đường bộ I. Nay đã nghỉ hưu tại thị xã Hồng Lĩnh.. Còn nhớ, những ngày đầu nhập ngũ, ai cũng nhớ nhà, nhớ quê đến nao lòng. Vì đây là lần đầu tiên trong đời, chúng tôi xa nhà, xa vòng tay của những người thân. Nhưng rồi cái cảm giác ấy cũng nhanh chóng qua đi, bởi nhường lại là những tháng ngày huấn luyện gian khổ, vất vả, căng thẳng cho kịp với tình hình, nhiệm vụ và yêu cầu bổ sung cấp bách của chiến trường. Chúng tôi lần lượt bắn bài 1, bài 2, bài 3, bắn đêm... rồi học tập chính trị... chuẩn bị ý chí, tư tưởng cho ngày lên đường chiến đấu..

Ba tháng quân trường mà mọi người đều tưởng thời gian như dài vô tận. Ai cũng nóng lòng, muốn được ra trận ngay

(Còn nữa)

Trái tim người lính

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô ( biên tập- giới thiệu)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-chien-tranh-nhap-ngu-p2-a18695.html