Ký ức của cựu thanh niên xung phong Hán Văn Toại

Dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, song, những ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hán Văn Toại. Trong cuộc sống thường ngày, ông luôn răn dạy con cháu phải biết quý trọng nền hòa bình, biết ơn sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cựu TNXP Hán Văn Toại kể cho các cháu nghe về kỷ niệm trong những ngày tham gia phục vụ kháng chiến

Ông Toại sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân ở thôn Đoàn Kết, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô. Cha mẹ mất sớm, ông ở cùng bà nội, được bà nuôi ăn học đến lớp 7, rồi bà cũng qua đời.

Lúc đó, ông Toại đã đại diện cho 156 thanh niên Lập Thạch viết tâm thư xung phong lên đường phục vụ kháng chiến cứu quốc. Tháng 6/1972, ông Toại lên đường nhập ngũ, trở thành đội viên Đội TNXP 253, trực thuộc Tổng đội 572. Đơn vị tập kết ở xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Đến tháng 10/1972, Tiểu đội 7 do ông Toại làm Tiểu đội trưởng cùng 4 tiểu đội khác di chuyển sang Lào làm nhiệm vụ tiền trạm, dựng lán trại làm chỗ ở đón toàn đội sang thực hiện nhiệm vụ.

Ông Toại nhớ lại: “Sang đến Lào, chúng tôi đóng quân ở sâu trong rừng rậm, cách xa khu dân cư, xung quanh không một bóng người. Các chàng trai, cô gái TNXP tuổi đời còn rất trẻ không khỏi sợ hãi khi ngày đêm nghe tiếng gầm rú của thú rừng.

Hằng ngày, các đội viên TNXP dùng dao rựa, bào, đục để chặt bương, nứa làm 10 ngôi nhà, mỗi tiểu đội gồm 15 đồng chí ở chung một nhà”.

Thời điểm đó, Mỹ bắn phá ác liệt con đường chiến lược Trường Sơn - Hồ Chí Minh với dã tâm “nung chảy con đường thành nước”, cắt đứt huyết mạch giao thông trọng điểm, hòng ngăn chặn miền Bắc vận chuyển vũ khí, đạn dược... chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước tình thế đó, quân ta chủ trương mở rộng tuyến giao thông sang nước bạn Lào, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đội TNXP 253 có nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên con đường chiến lược 217B dài 62 km từ đồn biên phòng Na Mèo (Thanh Hóa) đến tỉnh Sầm Nưa (Lào).

Con đường 217B đã được hình thành từ trước nhưng rất thô sơ. Vào mùa mưa, mưa lớn khiến đường bị sạt lở, đất đá từ trên cao rơi xuống lấp cả mặt đường, các đội viên TNXP phải đội mưa cả ngày lẫn đêm san gạt mặt đường cho xe đi qua.

Suốt mùa mưa, cả đội phải chặt bương, nứa để lát mặt đường nhằm đảm bảo giao thông thông suốt. Vào mùa khô, các đội viên TNXP nổ mìn, phá đá, mở rộng con đường huyết mạch.

Ông Toại vẫn nhớ vào tháng 11/1973, trong một lần sang Lào, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm Đội TNXP 253, động viên các đội viên TNXP nỗ lực khắc phục khó khăn, cùng toàn quân, toàn dân quyết tâm kháng chiến thắng lợi.

Lời động viên của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xua tan mọi khó khăn, vất vả, khiến các đội viên càng thêm hăng hái thực hiện nhiệm vụ. Năm 1972, ông Toại vinh dự được Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phục vụ kháng chiến.

Sau khi đất nước giải phóng, ông Toại trở về quê hương, kết duyên với người bạn gái đã từng hẹn thề trăm năm trước khi lên đường nhập ngũ và cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Ông tham gia đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng ở địa phương như công tác mặt trận, đội phó đội sản xuất của xã, công tác Hội TNXP của huyện…

Ông Toại cùng nhân dân lao động, sản xuất, xây dựng đời sống mới. Đặc biệt, ông là người đầu tiên trong xã mở xưởng chế tác đá với quy mô lớn, góp phần đưa nghề truyền thống của Hải Lựu ngày càng phát triển.

Ông Toại vẫn thường kể cho con cháu về những kỷ niệm trong những ngày tham gia phục vụ kháng chiến để con cháu hiểu rõ về lịch sử dân tộc, thêm trân quý giá trị của độc lập, tự do, từ đó, cố gắng nỗ lực trong học tập, lao động để tiếp bước thế hệ cha anh, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Bài, ảnh: Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81325/ky-uc-cua-cuu-thanh-nien-xung-phong-han-van-toai.html