Ký ức dòng Lam

Đã có nhiều bài viết chứa chan cảm xúc về sông Lam. Dòng sông mà tôi và bạn mình mỗi lần hẹn gặp nhau, trong muôn chuyện vẫn thường dành cho sông những tâm tình, kỷ niệm một thời xa ngái. Nay con nước ấy vẫn cần mẫn thao thiết chảy vào nỗi nhớ khôn nguôi mà mỗi lần nhắc lại bồi hồi thương nhớ.

Sông Lam xứ Nghệ (hay còn gọi là sông Cả, Lam Giang, Ngàn Cả, Rum, Nậm Khan, Thanh Long Giang) cái tên đã trở thành nguồn cảm hứng cho những thơ, nhạc, mỹ thuật và cả những tác phẩm văn xuôi ra đời như tấm lòng hiếu thảo ân nghĩa bao người.

Sông cần mẫn ôm ấp Xứ Nghệ từ miền ngược xuống miền xuôi.

Một khúc dòng Lam trôi trong ráng chiều được ghi vào máy ảnh, một phác họa dáng hình, sắc màu con nước soi bóng mây trời, một câu thơ chứa chan hoài niệm của thi sỹ đã nói thay nỗi lòng bao người. Sông hiền hòa đẹp đến mê đắm như sinh ra từ cổ tích. Hẳn là thế rồi, bởi dáng hình, sắc màu ấy có lẽ tương sinh với đất trời Xứ Nghệ tự thủa hồng hoang, được mẹ tự nhiên sắp đặt, tô điểm, giờ chỉ đợi khoảnh khắc rung động trong lòng nghệ sĩ. Chọn lấy những tinh túy, giản dị, gần gũi trước là để thỏa nỗi lòng riêng, sau sẻ chia với người, để chiêm ngưỡng, đồng cảm mà nuôi dưỡng tình với sông không bao giờ phai nhạt.

Sông mộng mơ và lãng mạn nhường nào. Này là câu chuyện viết về đôi lứa buổi đầu hò hẹn bên sông như nhắc rằng, thủa ấy tóc xanh, em môi thắm má hồng, ta vụng về hồi hộp và ngờ nghệch nữa. Chuyện tưởng đã xa, xa lắm nay đọc trên báo, nghe trên đài, nhẩn nha trong trang sách thấy từa tựa mình, như thể kể ta nghe chuyện của riêng ta ngày xưa vậy.

Sông Lam bao lần vang trong khúc hát không thể nhớ! Chỉ biết, đã có nhiều nhạc sỹ lấy sông làm cảm hứng tự tình. Tự tình thôi, bởi khi những âm điệu đầu tiên cất lên chỉ mục đích thỏa lòng, vậy mà tiếng ca ấy đã bước ra trang giấy, đi vào cuộc đời, lay động tâm hồn bao thế hệ.

Nhiều người đến nay vẫn còn nhớ tới bài ca đi cùng năm tháng “Tiếng hát sông Lam” của nhạc sỹ Đinh Quang Hợp. Hơn 50 năm qua, ca khúc “Tiếng hát sông Lam” đã trở nên gần gũi, thân thuộc với biết bao thế hệ người dân xứ Nghệ và bạn yêu âm nhạc cả nước. Khi giai điệu và ca từ của bài hát được cất lên, ai cũng cảm thấy có dáng hình của non nước xứ Nghệ, cảm thấy tự hào và xúc động như gặp lại mình, gặp lại quê mình trong giai điệu trữ tình đẫm chất dân ca.

Sông Lam bao lần vang trong khúc hát không thể nhớ!

Nhắc đến những bài ca viết về vùng đất quê nhà, tôi nhớ một kỷ niệm. Hồi tôi học lớp 10, khi đang ngồi bên cạnh bà ngoại, bà đã kể cho tôi nghe câu chuyện bà đã “đổ” một chàng trai ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đó là đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi bà đang gánh nước bên sông, tâm hồn cô gái trẻ chợt rung động trước vẻ đẹp mộng mơ của con nước. Trong hoa nắng lung linh, bà chợt thấy bóng một chàng trai trẻ ăn mặc lịch sự, khuôn mặt tuấn tú, trên tay cầm cặp đứng trên mạn đang qua đò sang sông. Bà đoán chắc chàng trai đó làm nghề giáo. Thấy anh chàng đứng nhìn mình cười, má bà ửng đỏ, khẽ nghiêng đầu cười e lệ.

Bóng chàng trai mới đó đã khuất dần xa. Bà đứng ngây như đang giấc mơ tiên. Ánh mắt, nụ cười ấy đã theo bà suốt. Tên chàng là gì, nhà ở đâu bà vẫn chưa biết nhưng tình thì đã sâu nặng mất rồi. Lạ chưa! Không thể ngừng suy nghĩ về điều đó, ngày nào bà cũng ra sông gánh nước để mong gặp lại được chàng. Cuối cùng bà cũng gặp lại được chàng trai ấy. Sau những ngày tháng làm quen, chàng trai đã ngỏ ý muốn cưới bà làm vợ. Anh giáo trẻ ngày ấy chính là ông ngoại tôi bây giờ.

Mỗi khi nhớ lại, bà lại ngân khúc ví giặm “Thử lòng thủy chung” ngày xưa bà hay hát cùng với ông. Bà khẽ hát, giọng đã chùng, có phần đuối hơi do tuổi tác nhưng lời rõ và cảm xúc dâng tràn: “Chứ thương anh lắm nị anh ơi. Nhớ anh lắm nị anh ơi. Thương đáo để khúc nhôi. Nhớ ngao ngán nị trần đời. Thương thuốc gói nị, trầu cơi. Nhớ thuốc mở nị trầu mời. Mới vắng mặt có một hồi, mà cì (cái) trán tui (tôi) hắn đổ mồ hôi. Trong ruột đã nóng sôi. Bưng cơm ăn nỏ (chẳng) được. Bưng nước uống nị không trôi…”

Tôi không khỏi ngạc nhiên khi đã sang bát tuần mà bà vẫn nhớ đến từng câu từng chữ của bài hát đến như vậy. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến, bà lại muốn được ra dòng sông Lam – nơi kết duyên cho bà và ông để hồi tưởng về những ký ức đẹp thời tuổi trẻ.

Những chuyện về sông cứ như thể không có hồi kết. Chuyện nọ nối chuyện kia, có lúc rơi vào im lặng. Rồi ai đó thầm thì, Lam Giang là “dòng sông ký ức” của chúng mình, là nơi luôn dạt dào hoài niệm. Dòng xanh trôi hiền hòa ấy cũng có lúc trỗi mình như thoáng giận dỗi của tình yêu lứa đôi khi mỗi độ lũ về. Nhưng lắng sâu ký ức vẫn dáng lụa mềm như thiếu nữ đương thì gắn với tuổi thơ, gắn với bạn bè, với thủa nhú nhí tình nụ. Nay đâu vắng cả, tận phương trời nào, có còn nhớ hay đã quên người xưa ta ơi?

Sông gắn với tuổi thơ, bạn bè một thời xa ngái.

Cuối năm 2016, có một câu chuyện nữa tôi không thể quên. Dượng lấy o (cô) tôi sau bao năm sống ở Pháp trở về quê chơi. Tôi đưa dượng đi thăm một số nơi quanh xã. Đến bên sông Lam dượng dừng lại ngắm nhìn con nước như vòng tay mềm mại ôm lấy xã xinh đẹp. Rồi dượng khẽ xúc động: “Sông Lam đẹp quá cháu ạ”. Nhận xét đó khiến tôi ngỡ ngàng. Bởi tôi biết dượng là người kiệm lời khen một ai đó hay việc gì đó khi nhận định chưa chắc chắn. Điều đó khiến tôi tự hào và hãnh diện.

Mỗi lần nhắc kỷ niệm, dượng như vẫn xúc động với vẻ thuần khiết của dòng Lam Giang ngày đó. Rồi dượng nói lên suy nghĩ của mình: "Giá Nghệ An cách nào xây một con đập phía hạ lưu cho nước sông dâng lên để thuyền bè có thể tấp nập, vừa khai thác được nguồn du lịch, vừa đưa nước lên cho người dân hai bên bờ canh tác, và mong sao mọi người hãy bảo nhau giữ cho sông luôn trong sạch. Được như thế chắc chắn sẽ rất đẹp cháu ạ.

Tôi thầm cảm ơn về ấn tượng ấm áp của dượng với dòng sông quê nhà, về những mong muốn chân thành của một trí thức với sự bảo tồn và phát triển quê mình. Cái tình của khách viễn xứ thật đáng để chúng ta trân trọng và cũng rất đáng để chúng ta lưu tâm về một dòng sông cần có hẳn chiến lược xây dựng và giữ gìn nét đẹp có tự bao đời.

Thời gian vẫn nhích đi từng giây, từng giây. Vậy mà cái thứ tích tắc chậm rãi ấy đã gặm nhấm bao kiếp nhân sinh. Lấy đi một cách thản nhiên từng giây sống, đưa người ta về cõi không thể đảo ngược. Đó là thời gian. Thời gian là gang sắt, tước đoạt lạnh lùng sinh mệnh muôn loài; là thứ không thể thương lượng. Chỉ sông là không thế. Sông cần mẫn ôm ấp xứ Nghệ từ miền ngược xuống miền xuôi. Sông vẫn trôi qua bao thăng trầm lịch sử trên mảnh đất quê nhà.

Hành trình không thay đổi suốt ngàn năm đó đã minh chứng sức bền bỉ, không khuất phục trước thời gian của con nước. Sông trở nặng phù sa, dung dưỡng cho đất đai màu mỡ, để dân cày mùa mùa bội thu, nhà nhà no ấm, tôm cá và muôn loài sinh sôi, mang niềm vui sống cho con người. Những gì sông dâng hiến có là bài học về lòng nhân từ và độ lượng? Chỉ biết cho đi mà không đợi nhận về!

Sông chỉ biết cho đi mà không đợi nhận về.

Hãy tạm quên đi cái ồn ào của đời sống hàng ngày, dành ít phút thả hồn chậm lại. Chầm chậm thôi mà lắng nghe tiếng thầm thì của sông. Ta sẽ nghe thấy lời dịu dàng của con nước. Đó là chuyển động của những âm thanh ngọt ngào nhất, tận hiến bền bỉ đời mình để duy trì sự sống muôn loài. Đó là tình của sông, sự vĩ đại của dòng chảy với sự sống con người.

Những thổn thức tỏ bày trong từng con chữ như muốn nhắc mình và bạn phương xa. Sống chỉ một lần, hãy gắng sống hơn một cuộc đời mình có. Tận hiến những gì tử tế nhất, ý nghĩa nhất cho cuộc đời. Yêu và cả biết rộng lòng tha thứ cho bản thân, cho cuộc đời người khác và tự biết bằng lòng với thứ mình có. Tình yêu mang cho ai khác, cho vạn vật hữu sinh khác ắt sẽ được nhận lại tình yêu. Ấy là tâm tình của sông vậy.

Hãy học ở sông lòng cao cả dâng hiến và sức chịu đựng bền bỉ, để mà rằng không gì là mất đi tất cả. Cái tình người mới chính là sự cứu rỗi tâm hồn. Sông cũng là người. Cái ý ấy có nghĩa thật trọn vẹn. Mọi thứ sinh tồn cùng con người đều phải được đề cao phẩm giá như một con người. Khi người ta không đặt mình trên hơn những thực thể thiên nhiên thì mới thực là con người của khiêm nhường biết hòa đồng và trân trọng.

Hãy dành chút thời gian để được sống chậm. Sống chậm thôi ta sẽ nghe thấy tiếng nước miên man, tiếng thổn thức từ trái tim với nỗi niềm cao đẹp vọng từ dĩ vãng và hiện tại. Sống chậm thôi sẽ nghe thấy tiếng trở mình mệt mỏi của sông, dấu hiệu ốm yếu của dòng nước bị tác động bởi sự xả thải, vấy bẩn vô trách nhiệm của con người. Sông sạch là sông sống, sông bẩn là sông chết. Hãy giữ cho sông luôn sạch trong như châu ngọc để Ngàn Cả chảy mãi trong ký ức muôn người.

Tin chắc rằng, một ngày nào sông sẽ trẻ đẹp lại như xưa. Để sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho văn học, nghệ thuật bày tỏ tấm lòng với tất cả niềm kính trọng và yêu thương nhất của tình người nghệ sỹ.

Linh Chi

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-uc-dong-lam-a443541.html