Ký ức đưa hài cốt liệt sĩ nơi phiên dậu về đất mẹ

Dấu chân của các giám định viên đã để lại trên khắp các nghĩa trang trong cả nước để có ngày nước mắt buồn đau của những người mẹ, người chị trở thành nước mắt của niềm vui, xóa tan nỗi lo không tìm được hài cốt người thân trước khi nhắm mắt.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Nỗi mong chờ mang tên A Mú Sung

Trên dải đất hình chữ S này có biết bao ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên mong một ngày được trả lại danh tính, tìm thấy thân nhân, trở về với quê hương, bản quán. Chiến tranh đã lùi xa nhưng có nhiều gia đình vẫn ngày đêm khắc khoải mong chờ ngày về của những người thân hy sinh.

Lào Cai là một trong những vùng đất phên dậu của Tổ Quốc và không thể không nhắc tới địa danh A Mú Sung – xã cực Bắc của huyện Bát Xát, nơi có Đồn biên phòng A Mú Sung với những ký ức bi thương và oai hùng của những ngày tháng 2 năm 1979. Đã hơn bốn mươi năm, hình ảnh về cuộc chiến năm đó vẫn in sâu trong ký ức của những người lính già ở miền biên viễn này.

Những trang tư liệu lịch sử còn lưu giữ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai cho thấy cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới diễn ra từ ngày 17/2 đến 4/3/1979 ở các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng, Mường Khương và thị xã Lào Cai được chia thành ba giai đoạn.

Sáng sớm ngày 17/2, quân xâm lược bên kia biên giới với hai quân đoàn (13 và 14), một sư đoàn (thuộc Quân đoàn 50), 100 xe tăng và xe bọc thép, 450 khẩu pháo các loại chia làm hai cánh tấn công vào những vị trí phòng ngự của ta. Chúng bắc cầu phao qua sông Hồng và sông Nậm Thi để xe tăng, bộ binh tiến đánh thị xã Lào Cai. Lập tức các đơn vị phòng ngự trên tuyến tiền tiêu đồng loạt nổ súng chiến đấu. Quân ta đã giành giật từng ngôi nhà, góc phố, làm thất bại ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh của đối phương.

Ở hướng Bát Xát và Mường Khương, bộ đội, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, kiên cường chống lại quân xâm lược ào ào, lớp lớp theo kiểu “lấy thịt đè người” nhằm chiếm chốt phòng ngự, trận địa....

Trong ký ức của những người lính biên phòng và người dân A Mú Sung, không thể nào quên ngày mà hỏa lực bên kia biên giới bắn sang như trút lửa, xe tăng, bộ binh địch tràn qua sông. Những người lính biên phòng A Mú Sung đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh oanh liệt. 24 người đã hy sinh ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến. Ngày nay, trên tấm bia nơi mảnh đất địa đầu đã khắc ghi tên tuổi các anh.

Dấu chân của GĐV đã in dấu trên rất nhiều nghĩa trang.

Rất nhiều năm đã trôi qua trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc và những người lính biên phòng hy sinh năm ấy đã yên nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ Bát Xát cũng đã chừng ấy năm. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan mà rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ vẫn chưa thể xác định được danh tính nên các anh chưa thể gặp lại gia đình, về lại quê hương. Cha mẹ già đau đáu mong con nơi quê xa, những vong hồn liệt sĩ khao khát nỗi ước mong được về với gia đình.

Từ những nguyện vọng rất chính đáng này, năm 2015 trên cơ sở sự đồng ý của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai về việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Phòng LĐ-TB&XH huyện Bát Xát đã có công văn đề nghị Viện Pháp y quốc gia tham gia xét nghiệm mẫu sinh phẩm của thân nhân và mẫu sinh phẩm của hài cốt liệt sĩ dựa trên giám định AND để xác định danh tính liệt sĩ cho 32 ngôi mộ chưa rõ tên đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của các chiến sĩ Đồn biên phòng A Mú Sung hy sinh năm 1979.

Từ lời đề nghị này, Viện Pháp y quốc gia đã lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Bát Xát và Nghĩa trang liệt sĩ xã Bản Qua. Ngày 23/6/2015 trước sự chứng kiến của đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện và Viện Pháp y quốc gia, 31 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và 23 mẫu sinh phẩm của thân nhân đã được bàn giao để tiến hành giám định.

Ông Hà Hữu Hảo – Trưởng Khoa xét nghiệm Y - Sinh học, Viện Pháp y quốc gia cho biết, thấu hiểu được nỗi mong mỏi của vong linh liệt sĩ cũng như của thân nhân gia đình về một ngày đoàn tụ nên lãnh đạo Viện đã chỉ đạo và động viên các chuyên viên trong khoa làm việc thật khẩn trương. Chỉ trong một thời gian ngắn đã xác định được chính xác danh tính của các liệt sĩ.

“Khó khăn trong lúc làm việc thì vô cùng nhiều vì các liệt sĩ đã hy sinh nhiều năm nên hài cốt đã mủn, bên cạnh đó vùng này lại có nhiều tổ mối nên hầu hết các mẫu sinh phẩm liệt sĩ chỉ còn lại răng nên việc giám định không hề dễ dàng.…” – ông Hảo cho biết.

Xã A Mú Sung nơi có Đồn biên phòng A Mú Sung, nơi các liệt sĩ đã ngã xuống cho sự trường tồn của Tổ quốc là điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam. Thời gian trôi qua, dòng sông vẫn chảy mang theo ước vọng của liệt sĩ sớm được về với gia đình, quê hương. Và ngày đó đã tới khi các liệt sĩ của Đồn biên phòng A Mú Sung đã được trả lại danh tính rõ ràng. Trong danh sách thân nhân của liệt sĩ, rất nhiều bà mẹ của các anh sinh năm 1923, 1930,1940… điều đó có nghĩa bằng quyết tâm nỗ lực của mình các giám định viên đã thắng được sự khắc nghiệt của thời gian để đưa các anh trở về.

Bới đất tìm được mẩu xương còn quý hơn vàng

Một câu chuyện khác cũng liên quan đến việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ngày 5/2/2015 đoàn cán bộ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Viện Pháp y Quốc gia lại lên đường đi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại tỉnh Khăm Muộn – Lào đã được quy tập tại Nghĩa trang Ba Dốc, tỉnh Quảng Bình để tổ chức xác định danh tính liệt sĩ theo Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (gọi tắt là Đề án 150 theo Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

Suốt chặng đường hơn 500 km vào đến Quảng Bình, trời mưa và rét. Sáng ngày tiến hành khai quật, trời vẫn mưa, gió lạnh thổi ù ù. Nhưng các thành viên trong đoàn vẫn động viên nhau làm việc để không phụ lòng chờ mong của các liệt sĩ và thân nhân.

Bắt tay vào làm, giám định viên Hồ Kim Châu - Viện Pháp y quốc gia như quên không gian, thời gian ở xung quanh. Ông miệt mài, tỷ mỷ, cẩn trọng từ ngôi mộ đầu tiên đến mộ cuối cùng. Bàn tay ông nhẹ nhàng gạt từng lớp đất mỏng để tìm những mẩu xương, thận trọng phân biệt xương với các vật lạ khác. Có ngôi mộ hài cốt vẫn còn một phần, nhưng cũng có ngôi mộ hài cốt đã phân hủy hết.

Khi gặp phải những ngôi mộ như vậy, nét mặt của ông Hồ Kim Châu như trầm xuống. Đôi tay ông như thao thiết hơn, khẩn trương hơn, cố gắng kiếm tìm dù chỉ mẩu xương nhỏ. Bởi, ông biết nếu không thì sẽ rất khó có căn cứ để xác định danh tính cho liệt sĩ. Chứng kiến việc ông làm, những người cùng đoàn bảo nhau: “Bới đất tìm được mẩu xương còn quý hơn vàng”.

Với tinh thần làm việc khẩn trương và cẩn trọng, chỉ trong một ngày đoàn công tác đã lấy được 17 mẫu hài cốt liệt sĩ trên tổng số 19 ngôi mộ được khai quật, tỷ lệ này được đánh giá là cao so với mức bình quân dự kiến.

Tại nghĩa trang là vậy, còn tại phòng xét nghiệm của Viện Pháp y quốc gia, không khí làm việc nhằm xác định danh tính liệt sĩ cũng khẩn trương và cẩn trọng không kém. Ông Hà Hữu Hảo – Trưởng khoa xét nghiệm sinh học Viện Pháp y quốc gia cho biết, thấu hiểu được nỗi mong mỏi của vong linh liệt sĩ cũng như của thân nhân gia đình về một ngày đoàn tụ nên các chuyên viên trong phòng làm việc rất khẩn trương. “Hài cốt đã mủn theo thời gian nên khi làm các giám định viên phải vê tay từng mẩu đất để tìm từng mảnh xương dù rất nhỏ” – ông Hảo cho biết.

Dấu chân của các giám định viên đã in dấu ở nhiều nghĩa trang trong cả nước từ Bát Xát, Mường Khương (Lào Cai) cho tới Nghĩa trang liệt sĩ Việt Lào, Nghi Lộc (Nghệ An); Tân Uyên, Bến Cát (Bình Dương).... Từ năm 2016 đến tháng 12/2020, số lượng sinh phẩm hài cốt liệt sĩ Viện thực hiện đi lấy mẫu tại các nghĩa trang liệt sĩ và nhận mẫu từ Cục Người có công là 5.477 mẫu, trong đó đã trả kết quả giám định ADN được 4.015 mẫu.

Sau khi xác định chính xác danh tính trên cơ sở mẫu xương lấy từ mộ liệt sĩ và mẫu AND của thân nhân, các danh tính liệt sĩ đã được bàn giao để Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam công bố cho gia đình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều gia đình liệt sĩ đã được biết thông tin về con em mình, được đón các anh trở về. Nước mắt vui mừng của nhiều người mẹ, người chị cao tuổi đã rơi xóa đi nỗi lo âu muộn phiền không tìm được hài cốt người thân trước khi gần đất xa trời...

Tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Viện Pháp y quốc gia vẫn còn lưu giữ lá thư cảm ơn của bà Trần Thị Tuyết - con gái liệt sĩ Trần Viết Cáp hy sinh ngày 7/7/1953 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 16/12/2014, chính quyền cùng gia đình đã tiến hành đưa liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà sau 62 năm ông hy sinh: “Nhờ sự giúp đỡ tích cực nên thủ tục xét nghiệm ADN của bố tôi rất nhanh. Chỉ sau 10 ngày, Viện Pháp y Quốc gia với các thạc sĩ, bác sĩ còn rất trẻ, nhưng thái độ ân cần, chu đáo, làm việc tận tình, đã có kết quả ADN chính xác. Mối quan hệ liên kết trong công việc của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam với Viện Pháp y Quốc gia là khối thống nhất, họ không hề gây chút phiền hà khó khăn nào, không nhận bất cứ thứ vật chất cảm ơn, dù rất nhỏ. Khi tiếp xúc với họ, tôi thật sự xúc động trước ân tình của các bác sĩ trẻ…”

Linh Thụy

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ky-uc-dua-hai-cot-liet-si-noi-phien-dau-ve-dat-me-d149692.html