Ký ức hào hùng ngày tiếp quản

65 năm đã qua nhưng với những người tham gia tiếp quản Vùng mỏ (25/04/1955) thì dường như sự kiện này mới diễn ra đây thôi. Những câu chuyện của họ như những mảnh ghép sinh động tái hiện cho thế hệ sau về một sự kiện lịch sử đáng nhớ.

Quang cảnh cuộc mít tinh mừng Vùng mỏ được giải phóng tổ chức tại Hòn Gai, ngày 25/04/1955. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh.

Quang cảnh cuộc mít tinh mừng Vùng mỏ được giải phóng tổ chức tại Hòn Gai, ngày 25/04/1955. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh.

Cụ Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên là chiến sĩ Đại đội Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kể: Ngày 30/10/1954 chúng tôi về tiếp quản thị trấn Đông Triều, khu vực nằm trong vùng tập kết 100 ngày của Pháp. Trời thu nắng hanh.

Từ trên Đồn Cao nhìn về hướng Đông Nam một vùng nông thôn, một vùng than rộng lớn mở ra. Lòng chúng tôi quặn đau khi nghĩ đến người công nhân than và đồng bào ta vẫn còn nằm trong vùng tập kết 300 ngày của Pháp. Ở đó tiếng súng vẫn nổ. Đồng bào bị dụ dỗ bị dồn ép vào Nam. Máy móc thiết bị có thể bị chúng phá hủy hoặc mang đi hòng làm tê liệt sản xuất của ta sau này.

Sau một thời gian tập huấn về tình hình nhiệm vụ mới và nghiệp vụ tiếp quản, cụ Vũ Cẩm được phân công về nhận bàn giao của Pháp tại thị xã Cửa Ông. Từ Đông Triều, chiếc xe Jeep mà quân đội ta chiếm được đã đưa cụ Vũ Cẩm và đồng đội tiến vào vùng tập kết 300 ngày của thực dân Pháp. Xe quân đội Pháp đón xe của cụ Cẩm tại Dốc Đỏ, Uông Bí.

“Gần đến thị xã Uông Bí chúng tôi gặp một số đồng bào ta. Khi nhận ra đoàn xe có cờ đỏ sao vàng, bà con vui mừng chào đón, nhiều người còn vái chào đoàn xe bất chấp sự uy hiếp của toán lính Pháp”- cụ Vũ Cẩm xúc động nhớ lại.

Bộ đội ta vào tiếp quản Hòn Gai. Ảnh:vinacomin.vn

Cụ Vũ Cẩm và đoàn xe về đến phà Bãi Cháy, chiếc tàu há mồm đưa họ qua sông. Lính hiến binh Pháp uy hiếp đồng bào ta không cho tiếp xúc với đoàn xe. “Mặc kệ chúng, một đồng chí ngồi trong xe nói vọng ra: Chúng tôi là cán bộ đội hành chính của Chính phủ Cụ Hồ vào trước để nhận bàn giao của Pháp. Pháp đã thua rồi. Ngày 25 tới ta sẽ chính thức tiếp quản Hòn Gai. Bà con cần đấu tranh bảo vệ tài sản máy móc, không theo địch di cư vào Nam” - cụ Vũ Cẩm kể.

Đoàn xe đi qua Hòn Gai, tiếp tục nhằm hướng lăn bánh về thị xã Cẩm Phả. Xe cụ Cẩm đến Cửa Ông vào trưa 18/4/1955. Đồng chí Nguyễn Thi thay mặt Tỉnh ủy đã họp toàn đội phân tích tình hình nhiệm vụ và phân công công tác cho mỗi người một việc. Cụ Vũ Cẩm và một số người khác được giao nhận nhiệm vụ bàn giao ở Sở nhà Đoan và các trường học.

“Tôi kịch liệt phản đối quân đội Pháp đã vi phạm Hiệp định khi thấy nhiều tấm kính bị vỡ, cửa hư hỏng, bàn ghế bị di chuyển, tài liệu còn lại sơ sài. Chúng tôi lập biên bản yêu cầu đình chỉ việc di chuyển tài sản nhà Đoan”- người chiến sĩ cách mạng năm xưa kể.

Ngay sau đó, cụ Vũ Cẩm được cử về Đông Triều báo cáo với ban chỉ đạo. Các đồng chí Đỗ Mười và Hoàng Hữu Nhân đã yêu cầu báo cáo thật cụ thể chi tiết. Quán triệt chỉ đạo, biên bản bàn giao với Pháp được ký tối 21/4/1955. Sáng hôm sau, Ủy ban Quân chính khu Hồng Quảng tập kết tại Mông Dương chính thức tiếp quản Cửa Ông rồi qua Cẩm Phả về Hòn Gai. Các mũi khác tiến vào Uông Bí, Quảng Yên.

Nhân dân Khu mỏ chào đón bộ đội vào tiếp quản. Ảnh tư liệu trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tập II (1945-1955).

Về lực lượng giải phóng Vùng mỏ, ông Nguyễn Cảnh Loan, nguyên Trưởng phòng Tổng hợp Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Tiếp quản Hòn Gai lúc đó có 2 tiểu đoàn bộ binh, 4 đại đội trợ chiến. Đoàn tiếp quản đi qua phà Bãi Cháy đến Loong Toòng - Lán Đạo - dốc Bồ Hòn - Phố Chợ - Sân vận động. Bà con nhân dân tập trung đón bộ đội ở Phố Mới, Phố Chợ, nhà máy chính Hòn Gai.

Khoảng 11 giờ sáng thì chính thức mít tinh. Chủ tịch Ủy ban Quân quản Nông Quang Dũng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quyết định của Ủy ban Quân chính. Lãnh đạo khu Hồng Quảng lúc đó gồm đồng chí Hoàng Hữu Nhân là Bí thư, Nông Quang Dũng là Chủ tịch Ủy ban Quân quản, Nguyễn Ngọc Đàm là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản, Tăng Văn Hội làm Khu đội trưởng và đồng chí Phạm Hoành làm Chính trị viên.

Cụ Trần Văn Lưu, khu Thống Nhất, phường Cẩm Tây (Cẩm Phả), nhớ lại: “Trước khi giải phóng Khu mỏ, đang là lái xe trên mỏ, tôi được điều về Đông Triều để học lớp tiếp quản rồi được phân công lên Hà Nội nhận xe ô tô, nhận một số quân trang, quân dụng chở về đồn Cao cho bộ đội. Ngày 18/4/1955, tôi chở đội công an trật tự về Cửa Ông để nhận bàn giao; ngày 22/4/1955 lại chở một đội khác về Hòn Gai.

Đến ngày 23/4/1955, tôi được điều sang Ban Quân chính, được phân công trực tiếp lái xe cho đồng chí Phạm Hoành, Chính trị viên Khu đội Hồng Quảng, trưởng đoàn cán bộ của ta vào nhận bàn giao với Pháp. Sáng 24/4/1955, tôi đưa đồng chí Phạm Hoành sang nhận bàn giao ở Hòn Gai rồi tiếp tục đón bộ đội vào tiếp quản. Khoảng 12 giờ trưa tôi đưa anh Hoành ra cầu Kênh Liêm để đón Trung đoàn 244 vừa tiếp quản Cẩm Phả lên”.

Cụ Lưu và vợ ôn lại những ngày lịch sử ta tiếp quản Vùng mỏ.

Theo cụ Trần Văn Lưu, lúc đó, đồng chí Phạm Hoành đứng trên xe mui trần giơ tay chào nhân dân. Đến cổng Nhà máy Cơ khí Hòn Gai thì xe dừng lại, đồng chí Phạm Hoành cử 3 bộ đội bồng sung vào thay thế cho lính Pháp để canh gác nhà máy. Lính Pháp giơ tay chào rồi rút ra bến Hòn Gai xuống chiếc tàu há mồm đang đợi sẵn. Chiếc tàu kéo một hồi còi buồn bã rời bến.

Cụ Vũ Cẩm kể tiếp: Quân tiếp quản đi đến đâu nhân dân đổ ra đón đến đó. Cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu được giương cao. Cùng với đoàn bộ đội là các đoàn cán bộ của Đảng, chính quyền, dân vận cũng chính thức vào tiếp quản. Đoàn tiếp quản tiếp tục đi vào nhà máy công trường khu phố để tuyên truyền “Tám chính sách” ở vùng mới giải phóng.

Sau đó cụ Vũ Cẩm được điều về Khu đoàn Thanh niên Hồng Quảng tiếp tục đi đến các tầng lò, nhà máy, khu phố tham gia sinh hoạt chính trị, lao động sản xuất với đoàn viên. Thời kỳ này, chiến công khôi phục sản xuất của đường trục Cẩm Phả trong 20 ngày vượt trước thời hạn sáu tháng đã đẩy mạnh phong trào sản xuất vượt mức cao nhất của thời kỳ thực dân Pháp thống trị, lôi cuốn đông đảo công nhân tham gia.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202004/ky-uc-hao-hung-ngay-tiep-quan-2480538/