Ký ức hộ tịch viên 6 thập kỷ trước và những bài học quý trưởng thành từ Công an cơ sở

Lời Tòa soạn: Ký ức những ngày mới ra trường, làm hộ tịch viên Đồn Công an Hàng Bột thuộc Công an quận 4 của Thủ đô Hà Nội những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, đối với người chiến sĩ công an trẻ tuổi Đào Đức Ninh ngày ấy, đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Những bài học khi làm công an cơ sở về kính trọng nhân dân, tận tụy trách nhiệm với dân, luôn dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ, cho đến hiện tại, vẫn luôn nóng hổi và đầy giá trị. Báo An ninh Thủ đô trân trọng giới thiệu những dòng hồi ức của Đại tá Đào Đức Ninh (84 tuổi, nguyên Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gửi đến tòa soạn.

Là học viên của khóa Đào tạo I+II trường Công an Trung ương (1953-1954), tháng 4-1955, chúng tôi đang đi phát động quần chúng giảm tô thuộc đoàn ủy Bắc Bắc, được lệnh của Bộ Công an điều về trường C500 ở bên dòng sông Nhuệ theo học tiếp khóa đào tạo III để chuẩn bị cho đăng ký hộ khẩu ở Hà Nội. Học đến tháng 8-1955 được điều đến Công an quận 4 ở 382 Khâm Thiên được bố trí về đồn Công an Hàng Bột (sau này gọi là đồn Công an số 26).

Hồi ức của Đại tá Đào Đức Ninh (Nguyên Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Chuyện những ngày đầu làm hộ tịch viên

Thoạt đầu, tôi tham gia giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa bão trên địa bàn đồn Công an Hàng Bột phụ trách, kết hợp dự tập huấn tiếp về đăng ký hộ khẩu, trực tiếp đi hướng dẫn nhân dân kê khai hộ khẩu ở đoạn cuối đường Hàng Bột gần Ô Chợ Dừa.

Ít ngày sau, tôi lại được điều vào tổ hướng dẫn kê khai hộ khẩu ở khu vực nhà thờ Hàng Bột. Sau thời gian hoàn thành bước hướng dẫn kê khai, tổ chức đối chiếu và thu nộp đầy đủ bản khai của các hộ, hai đồng chí Dung và Hoài ở ngành khác tham gia tổ công tác được rút về, tôi ở lại được giao nhiệm vụ làm hộ tịch viên ở khu vực này với tên gọi Khối 3 gồm: Bên chẵn từ số nhà 160 đến 162 phố Hàng Bột (có nhà thờ xứ Hàng Bột và Viện Soeur Antoine). Bên lẻ từ số nhà 107, ngõ 109 đến số 121 phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng).

Nhà thờ Hàng Bột khi ấy do linh mục Hoàng Cao Chiểu phụ trách, viện Soeur Antoine do nữ tu Nguyễn Thị Quyên phụ trách, có 9 nữ tu. Viện Soeur Antoine là nơi nuôi dưỡng hơn 30 người tàn tật, không kể trong khu dân cư. Họ sinh sống bằng nghề bán lạc rang và tẩm quất... Còn khu nhà bên số 107 Hàng Bột nuôi dưỡng trẻ sơ sinh tàn tật bị bỏ rơi, có từ 10 đến 15 cháu. Cho tới đầu năm 1960 UBND TP Hà Nội có chủ trương đưa toàn bộ số người tàn tật vào Trung tâm bảo trợ xã hội ở Mỗ Lao gần thị xã Hà Đông và đưa toàn bộ số trẻ em ở bên 107 Hàng Bột về số 5 Cổng Đục là địa điểm thuộc Sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Nội quản lý.

Các bước cũng có lực lượng cơ sở như Ban đại diện hành chính, Ban bảo vệ dân phố, tổ trưởng, tổ phó Đội dân phòng được hoàn thiện dần. Hồi đó, buổi sáng chúng tôi thường làm việc ở đồn hoặc lên quận, chiều và tối xuống phố gặp lực lượng cơ sở nắm tình hình, phổ biến việc, đi thăm hỏi các hộ dân kể cả trực tiếp vào gặp linh mục hoặc các bà sơ. Việc thăm hỏi đó nhằm nắm tình hình theo 4 yêu cầu thông thuộc như tiểu sử, quan hệ, nghề nghiệp. Chú trọng những hộ trọng điểm, phục vụ cho lập hồ sơ trấn áp (đã được duyệt bắt tập trung cải tạo 5 đối tượng...) phục vụ các yêu cầu xác minh lý lịch, tuyển nghĩa vụ quân sự…

Thông qua thăm hỏi, tiếp xúc nhân dân, tôi chọn người làm cơ sở có điều kiện giúp nắm kịp thời diễn biến tình hình, báo cáo phục vụ tốt cho công tác trinh sát nghiệp vụ. Nhớ có lần xuống phố khi qua lán trại của công nhân xây dựng thuộc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương, có cô Lý thấy tôi đã ra trình báo sự việc. Với đôi mắt đỏ hoe cô trình bày bị mất chiếc nhẫn vàng mẹ cho, cô không đeo ở tay mà cho vào một túi vải nhỏ cất ở đáy hòm gỗ đựng quần áo tư trang kê ở gần đầu giường, hòm tuy có khóa nhưng khi bấm khóa không để ý bị chệch, đề nghị tìm giúp.

Cô Lý cũng cho biết, chỉ có cô N. ở cùng phòng là biết cô có chiếc nhẫn cất ở trong hòm. Chiều hôm đó, tôi đến tìm và mời cô N sang một nhà dân đã liên hệ trước để nhờ chỗ làm việc. Sau khi thăm hỏi về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, tôi hỏi cô N về việc cô Lý bị mất nhẫn. Thấy sắc mặt cô N không bình thường, tôi đã ân cần động viên người phụ nữ này và cô N nhận là đã trót dại lấy chiếc nhẫn. Tôi lập biên bản, cô N ký và nhận đi cùng tôi về lán lấy nhẫn để trả. Sau đó, tôi báo cáo đồng chí Trưởng đồn Ngô Quang Thấn đề xuất chỉ cảnh cáo vì cô N vi phạm lần đầu và tài sản đã thu hồi. Cả hai đều cảm động và tiếp tục ở với nhau hòa thuận. Với tôi đây là vụ việc đầu tiên sau khi ra trường làm có kết quả.

Đại tá Đào Đức Ninh cùng thú vui khi tuổi già. Ảnh: LAM THANH

Tận tình giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn

Là khối thuộc địa bàn trọng điểm phức tạp, thỉnh thoảng lại xảy ra vụ viết khẩu hiệu phản động ở nhà vệ sinh công cộng hoặc có tờ rơi nội dung phản động. Có lần, ông Hoa Xuân Lộc - Trưởng ban bảo vệ thu được tờ rơi phản động đã gặp tôi báo cáo, tôi xuống ngay hiện trường thu lượm, sàng lọc tin tức và bằng viện pháp nghiệp vụ, đã phát hiện đối tượng nghi vấn, thu thập tư liệu báo cáo cấp trên giám định kết quả chính xác. Vụ việc sau đó đã được xử lý thích hợp.

Khi xuống địa bàn thăm hỏi người dân, thấy một số gia đình khó khăn, tôi đã đến gặp Ban Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương ở 160 Hàng Bột để đề nghị giúp đỡ, tạo việc làm cho người dân như dán các hộp bao bì đựng thuốc. Sau hai lần gặp được Ban giám đốc xí nghiệp thông cảm quan tâm, tôi lập danh sách 16 người, chọn nhờ địa điểm họp bàn, cử ông Nguyễn Văn Nhân - Phó ban bảo vệ làm tổ trưởng để trực tiếp liên hệ với xí nghiệp ký nhận hợp đồng, nhận nguyên liệu, thời hạn giao nộp sản phẩm, tiền công... Công việc dần đi vào nề nếp, hiệu quả giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Người dân phấn khởi, tăng tình cảm và niềm tin, giúp tôi nắm tình hình tốt hơn, cũng như khi có yêu cầu việc gì được giao thuận lợi hơn.

Mùa mưa bão, có trận bão vào buổi tối, cơm chiều ở đơn vị xong, tôi nhanh chóng xuống địa bàn, lúc bão vào, tôi len lỏi đi trong ngõ đến nhà cơ sở chỉ với mảnh nilon và chiếc mũ cát. Gió bão văng mảnh tôn rơi sát người, rất may không bị sao. Tuổi còn trẻ, chưa lập gia đình, sống ở tập thể nên nhiều buổi sáng chủ nhật, tôi cũng xuống phố cùng với cán bộ cơ sở tham gia tổng vệ sinh với nhân dân, đó cũng là lúc hòa đồng gần gũi với dân.

Những kết quả đạt được, nổi bật là năm 1959, tôi được bình chọn báo cáo cấp trên, được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ký Quyết định số 269 ngày 12-5-1960 tặng Bằng khen công nhận là Chiến sĩ thi đua của ngành công an, được tặng huy hiệu chiến sĩ thi đua Ái quốc do Bộ trưởng Bộ Lao động, Trưởng Ban thi đua Trung ương Nguyễn Văn Tạo ký giấy chứng nhận ngày 1-5-1960 số 4081, số huy hiệu 65.83. Đó là phần thưởng rất quý với tôi trong quá trình công tác ở cơ sở. Song còn điều đáng quý nữa là tình cảm, sự quý trọng của cán bộ cơ sở và nhân dân ở khối phố đã dành cho tôi.

Luôn dựa vào dân để thực hiện tốt nhiệm vụ

Sau khi chuyển lên làm việc ở quận, thành phố, có dịp nghỉ tôi trở lại địa bàn cũ, có bác dù khiếm thị khi nghe tiếng hỏi thăm đã nhận ra và gọi đúng tên tôi và trên khuôn mặt lộ rõ niềm vui được gặp lại. Nhiều cán bộ cơ sở, coi tôi như người thân trong gia đình. Đặc biệt cụ Hoa Xuân Lộc - Trưởng ban bảo vệ coi tôi như con trong gia đình, cụ đã mất song theo nếp các con cụ coi tôi như anh cả trong nhà, quan tâm đi lại thăm hỏi giúp đỡ nhau cho tới nay.

Ngày 15-9-1960, sau đợt bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tôi được điều về Tổ nghiên cứu chính trị của Công an khu phố Đống Đa, được bố trí làm Tổ trưởng thay đồng chí Lý Văn Hiến đi làm Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm. Tôi bàn giao nhiệm vụ hộ tịch viên cho đồng chí Đào Trọng Tuất.

Từ những điều học được ở trường Công an, rồi từng được trải nghiệm đi phát động quần chúng giảm tô (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những bần, cố nông lam lũ), sau đó có gần 5 năm làm hộ tịch viên, tôi càng thấm sâu trong tôi ý thức kính trọng nhân dân, tận tụy trách nhiệm với dân, luôn dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ được tốt.

Dần dần được trưởng thành, được đề bạt lãnh đạo của một số đơn vị, trong đó có Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, cũng như khi về làm Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, tôi rất chú trọng đôn đốc lực lượng Công an phường, Cảnh sát khu vực thực hiện xây dựng phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc, để dựa vào dân, dân tin, dân tận tình giúp đỡ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao như Bác Hồ kính yêu đã dạy 6 Điều về tư cách người Công an cách mệnh. Đó là bài học thật quý giá đã giúp tôi trưởng thành!

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ky-uc-ho-tich-vien-6-thap-ky-truoc-va-nhung-bai-hoc-quy-truong-thanh-tu-cong-an-co-so/860618.antd