Ký ức không thể quên tại tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 6/2, Cơ quan thường trú TTXVN tại Rome (Italy) cũng như cả thế giới bàng hoàng khi nghe những tin tức đầu tiên về thảm họa động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Phóng viên chụp ảnh lưu niệm cùng người lính Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ tại thành phố Adiyaman.

Cùng với cộng đồng quốc tế, các đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã sớm có mặt tại Adiyaman và Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau trận động đất, để tham gia cứu hộ cứu nạn. Các phóng viên Cơ quan thường trú Rome cũng được phân công gấp rút lên đường để đưa tin về hoạt động của các đoàn công tác.

Chúng tôi đều phấn chấn, tự hào khi sẽ trực tiếp đồng hành với các các đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Tâm trạng đan xen còn là nhiều nỗi băn khoăn, lo lắng khi sẽ phải tác nghiệp trong một hoàn cảnh hết sức lạ lẫm. Xuất phát cho chuyến đi đặc biệt này, với hành trang mang theo là đủ loại phương tiện và vật dụng lỉnh kỉnh, chỗ dựa vững chắc của chúng tôi chính là sự quan tâm, gần gũi của Ban Lãnh đạo TTXVN, sự phối hợp rất tích cực của các anh chị em đồng nghiệp cả trong và ngoài nước. Mỗi vướng mắc, trở ngại mà chúng tôi báo cáo về nhóm thảo luận trực tuyến đều sớm nhận được hướng dẫn, giải đáp kịp thời.

Trải qua hai chặng bay liên tiếp, chúng tôi đã đến thành phố Adana (Thổ Nhĩ Kỳ) trước khi có thể thực hiện hành trình bằng đường bộ vào ngày hôm sau. Bước ra khỏi sân bay, một cảm giác khá hoang mang, lạc lõng bắt đầu xuất hiện khi nhận thấy hầu hết những người xung quanh không thể nói tiếng Anh với chúng tôi.

Giải pháp tình thế là thông dịch viên “Google” nhưng điện thoại lại chưa có thẻ sim để kết nối. Chìa ra thông tin địa chỉ, chật vật giải thích bằng đủ loại cử chỉ với người lái taxi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nơi cần đến cho đêm đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một khách sạn nhỏ bé, nhưng rất may cậu lễ tân nói được tiếng Anh nên chúng tôi không gặp khó khăn về ngôn ngữ nữa. Cậu ta biết rõ phòng của chúng tôi là do Đại sứ quán Việt Nam đã liên hệ đặt cho từ trước và dường như cũng biết ngày mai chúng tôi sẽ đi đâu.

Chờ làm thủ tục ở sảnh đợi, chúng tôi không rời mắt khỏi màn hình phía trước, trên đó liên tục cập nhật tin tức về những trường hợp may mắn mới được giải cứu. Ngồi bên cạnh, một vị khách lớn tuổi với hai bàn tay chụm lại trước ngực, cứ lẩm nhẩm gì đó, có lẽ là những lời cầu nguyện.

Các em nhỏ ở thành phố Adiyaman đón thành viên đoàn Cứu hộ cứu nạn Bộ Công an đến thăm, tặng quà.

Phía ngoài khách sạn, đèn đường vẫn sáng nhưng rất hiếm bóng người. Từ mấy ngày trước, lệnh giới nghiêm được mở rộng đến cả thành phố này. Gần nửa đêm, xe chở đoàn cán bộ của Đại sứ quán từ Adiyaman mới về đến khách sạn. Liên tục trong nhiều ngày, các anh chị đã phải căng hết sức để kịp thời bám sát, hỗ trợ cho hai đoàn công tác và tiếp xúc, thăm hỏi trong nhiệm vụ bảo hộ công dân. Trao vội những thẻ sim mới đăng ký, chị Mai (cán bộ Đại sứ quán) dặn kỹ chúng tôi cố gắng sử dụng tiết kiệm dung lượng mạng vì khó khăn lắm mới được mua thêm thẻ sim hoặc dung lượng mới. Còn nữa, thẻ tác nghiệp cấp cho hai phóng viên cũng chính là giấy thông hành mà chúng tôi phải tuyệt đối nhớ mang theo trong quá trình làm nhiệm vụ.

Ngay tại Adana, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên trong chuyến công tác với Đại sứ Đỗ Sơn Hải. Dặn dò trước khi lên đường đến Adiyaman, ông lưu ý tôi phải hết sức giữ an toàn vì thực tế có nhiều rủi ro ở hiện trường khó lường trước.

Di chuyển qua 300km đường bộ, chúng tôi tiến dần đến vùng tâm chấn là một đô thị vốn sầm uất, náo nhiệt nhưng còn lại chỉ là những hình ảnh của một vùng chiến địa. Từ phía ngoại ô, không khó để nhận ra từng vết nứt toác xiên ngang đồng oliu còn xanh mướt. Từng con đường mềm mại uốn lượn bị băm chặt nham nhở, cuồn cuộn gạch đá xô đẩy xếp lớp lên nhau.

Càng vào trung tâm, mỗi góc phố cứ hiển hiện như đóng khung lại những giây phút ám ảnh. Chơ vơ giữa không trung, chỉ vài tòa nhà cố giữ thế đứng thẳng nhưng lan can, cửa sổ bung rời, lập cập. Những chung cư với hàng trăm căn hộ biến dạng méo mó lộ ra giường tủ, bàn ghế và vật dụng quen thuộc đổ dồn về một phía. Gần đó, hầu hết các công trình không thể chịu được rung giật và hoàn toàn sập đổ. Từng núi bê tông và gạch ngói đổ tràn ra chắn ngang, chèn lấp mọi ngả đường, ngõ phố.

Luồn lách theo những lối đi mới mở và sau nhiều lớp trạm kiểm soát, ô tô gắn giấy phép đặc biệt đã đưa tôi đến được nơi đóng quân của đoàn công tác Bộ Công an. Trong ánh đèn nhập nhoạng, tôi vui mừng nhận ra màu áo quen thuộc của các anh. Sau khi được Đại tá Nguyễn Minh Khương, Trưởng đoàn dẫn đi thăm ba khu lán đóng cạnh một trường tiểu học, tôi càng thấu hiểu rõ nỗi vất vả, khó khăn mà các anh đã đối mặt trong những ngày mới đến.

Những người lính đã dạn dày qua thao trường và chiến đấu đã rất chủ động, nỗ lực khi nước bạn còn rối ren. Ở xứ sở xa lạ, ai cũng cảm nhận được cái rét về đêm cứ mặc sức cứa vào da thịt, khiến lớp chăn tưởng như mềm ấm cũng thô cứng lạ thường. Một số thành viên chỉ quen với tiết trời Nam Bộ cứ trở mình quay quắt, như để chọn “tư thế” vững vàng hơn trước mỗi đợt gió mạnh rít qua. Vận dụng năng lực tự chế, anh em đã cho ra đời bếp củi dã chiến, giúp xua bớt sự khắc nghiệt của giá rét.

Đồng hành với các anh đến thăm những xóm tạm cư, tôi nhìn thấy được sự cảm phục, biết ơn trong ánh mắt, cử chỉ của mỗi người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với đoàn. Không cần nhiều ngôn ngữ, sự gần gũi và quý mến được diễn đạt trọng vẹn trong cái ôm chặt và đôi mắt ầng ậng nước của các cụ già khi đoàn đến. Phần quà các anh mang theo chỉ có chút lương khô, một ít mỳ gói mà những em nhỏ cũng hồ hởi chuyền tay nhau rồi chạy khoe khắp xóm.

Các em nhỏ ở thành phố Adiyaman đón thành viên đoàn Cứu hộ cứu nạn Bộ Công an đến thăm, tặng quà.

Trực tiếp đến hiện trường tác nghiệp, tôi đã tâm niệm phải thật cố gắng để chuyển tải được đầy đủ, chân thực nhất những âm thanh, hình ảnh về hoạt động của đoàn. Một tinh thần rất khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo của người Trưởng đoàn cũng như trong hành động cụ thể của các thành viên. Rất khẩn trương vì vẫn còn le lói hy vọng từ trong đổ nát mà mỗi giây phút qua đi sẽ yếu ớt dần. Giữa ngổn ngang bê tông và sắt thép từ bao tòa nhà trút xuống, bàn tay và sức vóc của con người quá bé nhỏ, mềm yếu. Nhưng trong nguy cấp, cũng với bàn tay đó, trung tá Nguyễn Chí Thành và đồng đội đã kiên gan khoét sâu đường hầm đến với nạn nhân. Kể lại giây phút vỡ òa vui sướng khi giải cứu một thiếu niên 17 tuổi, anh Thành quả quyết chỉ có tình thương với đồng loại mới có thể giúp các anh vượt qua những lúc hiểm nguy đó.

Ngay bên cạnh điểm đóng quân của đoàn là những khu lều tạm cho người dân đến trú tránh. Tôi vẫn nhờ rõ từng nụ cười trong trẻo của mấy em nhỏ luôn háo hức nhìn về ống kính. Chúng không thể hiểu hết nỗi lòng nặng trĩu chất chứa trong ánh nhìn của những người lớn tuổi. Trong cái đói và rét, các gia đình chỉ còn biết trông đợi, nương tựa đến những điểm cứu trợ của chính phủ. Mặc dù dè dặt với người ngoại quốc nhưng khi biết tôi là phóng viên đến từ Việt Nam, ai cũng thiện cảm chào đón. Cả anh lính trẻ với nét mặt cương nghị ở điểm tiếp tế cũng vồn vã bắt chuyện và còn chủ động cùng tôi chụp hình kỷ niệm.

Đối với chúng tôi, chuyến công tác đặc biệt tại Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những ký ức đậm sâu nhất trong cuộc đời làm phóng viên.

Trường Dụy (P/v TTXVN tại Rome)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ky-uc-khong-the-quen-tai-tam-chan-dong-dat-tho-nhi-ky-20230617103916619.htm