Ký ức kinh hoàng về trận lũ bùn cuốn trôi 35 hộ dân ở Thanh Hóa

8 giờ sáng ngày 3/8, đợt lũ bùn khủng khiếp tràn qua bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quang Sơn (Thanh Hóa) cuốn trôi Nhà văn hóa và 35 hộ dân. Dân tình hoảng loạn tháo chạy, nhưng có 14 người không kịp chạy đã bị lũ cuốn trôi.'

Ngày 03/8/2019, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân, làm 13 người chết và mất tích, trong đó nặng nề nhất là bản Sa Ná, xã Na Mèo.

Để đánh giá đầy đủ nguyên nhân cũng như bài học, kinh nghiệm và đề ra công việc tái thiết, phục hồi cho bản Sa Ná và các bản khu vực miền núi ở Thanh Hóa và các tỉnh nói chung, ngày 20/8/2019 tại Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với UNBD tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó mưa, lũ hoàn lưu sau bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai khu vực miền núi.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo của các xã, huyện vùng núi Thanh Hóa và 4 tỉnh khu vực miền núi lân cận Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Nghệ An.

Trận lũ bùn khủng khiếp

Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Vũ Văn Đạt cho biết, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Quan Sơn, 7 người chết, 5 người bị thương; 6 người mất tích đang tìm kiếm.

Nhớ lại trận mưa lũ kinh hoàng, ông Đạt cho biết, trước cơn bão, ngày 2/8, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phân công thành viên xuống xã, xã xuống bản theo điểm cảnh báo thiên tai tại các vùng nguy cơ cao.

Rạng sáng ngày 3/8, trời bắt đầu mưa to (tại Na Mèo trên 400mm) kéo dài đến hết ngày 3/8. Huyện đã tổ chức di dời khẩn cấp 10 hộ/41 khẩu tại vùng thường xuyên lũ ống, lũ quét.

“Tại thời điểm 7h40 phút, lũ đợt 1 xuất hiện tại suối Son chảy từ Lào qua bản Son – Sa Ná đổ về sông Luồng. Ngay sau lũ, từ khu sơ tán là Nhà văn hóa và các hộ trên cao, bà con trở lại dọn dẹp nhà cửa, một số đi nương, một số đi đánh cá. Tuy nhiên, chỉ sau đó 20 phút, đúng 8 giờ, đợt lũ khủng khiếp thứ 2 tràn về (chủ yếu là bùn loãng, cây cối) tràn qua bản cuốn trôi Nhà văn hóa và 35 hộ dân. Dân tình lúc đó rất hoảng loạn, tháo chạy, tuy nhiên 14 người không kịp chạy đã bị lũ cuốn trôi.” – ông Đạt kể lại.

 Trận lũ bùn kinh hoàng đã "xóa xổ" bản Sa Ná, xã Na Mèo

Trận lũ bùn kinh hoàng đã "xóa xổ" bản Sa Ná, xã Na Mèo

Ông Đạt cho biết, nắm được thông tin, huyện cùng các lực lượng vũ trang, quân và dân vùng giáp ranh đã cứu sống 4 người tại sông luồng cách bản từ 3 – 5 Km. Ngay tại bản có người dân cứu kịp thời được 8 người.

Lũ làm 17 bản bị chia cắt, cô lập, các tổ công tác được thành lập tìm cách tiếp cận, tuy nhiên hết sức khó khăn do nhiều bản không thể vượt sông sang được. Riêng tại bản San Ná, đêm 3/8, một tổ công tác từ vùng giáp biên giới với Lào cắt rừng vào bản.

Sáng ngày 4/8, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành cấp tỉnh chỉ huy trực tiếp tại hiện trường, chỉ đạo thành lập đoàn thứ hai trực tiếp do Chủ tịch huyện, bác sỹ, công an, quân sự, biên phòng vượt sông bằng mô tô nước qua sông, cắt rừng tiếp cận được vào bản.

Một số nhiệm vụ khẩn trương được triển khai tại chỗ. Cùng với việc động viên, làm công tác tư tưởng, trấn an tinh thần nhân dân, tổ y tế khám, chữa sơ cứu cho những người bị thương, các lực lượng vũ trang cùng Ban quản lý bản và các hộ gia đình bố trí các hộ bị sập, trôi nhà ở ghép với các gia đình có nhà ở an toàn.

Công tác cứu trợ tại chỗ cũng được triển khai, vận động các gia đình trong bản không ảnh hưởng cũng như tại bản Son liền kề thu mua được 2 tấn gạo, 3 con bò, 2 con lợn làm lương thực, thực phẩm tại chỗ cho các gia đình bị thiệt hại, đưa nước sạch bằng giải pháp tạm thời về bản.

Một công việc hết sức quan trọng là bắt tay ngay vào công tác tìm kiếm ngay trong đống đổ nát tại bản, trưng dụng 2 máy múc bản bên cạnh, đồng thời phân công tổ lo hậu sự cho nạn nhân nếu tìm thấy.

Đến thời điểm hiện tại, sau 12 ngày xảy ra sự cố, công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang được triển khai do Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, công an tỉnh và các địa phương tìm kiếm 6 người hiện đang mất tích, đồng thời hỗ trợ Lào tìm kiếm 7 nạn nhân do lũ cuốn trôi. Tiếp tục cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dung thiết yếu đảm bảo đời sống cho người dân đến khi chủ động được lương thực.

“Cơn bão số 3 là một nỗi kinh hoàng đối với bản Sa Ná nói riêng, đồng thời là một lời cảnh bảo thách thức đối với con người chúng ta trước những hậu quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu, khí hậu cực đoan và thời tiết bất thường.” – Chủ tịch huyện Quang Sơn nhấn mạnh.

Phải có phương tiện cứu hộ phù hợp

Từ những mất mát đau thương sau trận lũ, Chủ tịch huyện Quang Sơn đề nghị Trung ương khẩn trương rà soát các trang thiết bị, phương tiện cứu hộ đã được trang cấp cho các đơn vị, địa phương, đồng thời đánh giá tính hiệu quả, tính phù hợp để có điều chỉnh, bổ sung và trang cấp kịp thời phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

"Ví dụ, công an huyện được trang cấp 1 cano, nhưng không có người lái được, nếu có người lái được thì cũng không thể lái được trong điều kiện của dòng chảy sông luồng, sông lò trên địa bàn huyện, lại càng không thể lái cứu hộ khi nước lên, lũ về; trong khi đó mô tô nước phù hợp thì lại không có, hay đơn giản như súng bắn dây cũng không có dẫn đến việc cứu hộ người trôi sông vừa qua phải kéo dài cả ngày, chờ cứu hộ tỉnh lên phải 4 -5 tiếng. Cuối cùng người chờ cứu hộ phải tự bơi vào bờ giữa dòng nước lũ." - ông Vũ Văn Đạt nêu ví dụ.

Người dân mắc kẹt giữa dòng lũ dữ nhưng không có súng bắn dây để cứu hộ

Cũng theo Chủ tịch huyện Quan Sơn, tính chủ quan của đồng bào trong mùa mưa bão còn chưa khắc phục. "Đồng bào vẫn hay đánh cá trên sông, suối; vớt gỗ, vớt củi, vớt động vật trôi sông khi lũ về. Họ cũng chủ quan không sơ tán do nếp nghĩ lâu đời nay không có lũ, không bị ảnh hưởng; chủ quan vượt sông, vượt suối khi dòng nước xiết, không áo phao, vật bảo hộ. Vậy nên chăng đưa các nội dung này thành những điều cấm trong quy ước, hương ước làng bản, và có chế tài phạt dựa trên sự thống nhất của cộng đồng." - ông Đạt đề xuất.

Chủ tịch huyện Quan Sơn cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, đánh giá, xác định các vùng nguy cơ ảnh hưởng thiên tai (Vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…), trên cơ sở đó, xây dựng chính sách cho đề án hay dự án “xắp xếp dân cư an toàn phòng tránh thiên tai”. Có như vậy, vừa tổng thể chỉ chi một lần, lại giảm đau thương, mất mát, đỡ tốn sức người, sức của, dành thời gian cho nghiên cứu sinh kế bền lâu.

Mô tô nước - phương tiện cứu hộ phù hợp trong điều kiện lũ ở miền núi

Sau khi nghe các báo cáo, các bài tham luận của Văn phòng thường trực, các cơ quan Trung ương, đặc biệt là ý kiến, nghiệm của các địa phương, ngay tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy tham mưu, đầu tư ngay một số trang thiết bị hỗ trợ ứng phó với thiên tai như sung bắn dây cứu hộ, điện thoại vệ tinh và lắp đặt thêm các thiết bị đo mưa.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cũng đề nghị Ban Chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành địa phương trích kinh phí từ quỹ phòng chống thiên tai để nâng cao năng lực cho văn phòng thường trực các cấp; mua sắm trang thiết bị cho lực lượng xung kích, đồng thời đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tăng cường thiết bị hiện đại để ứng phó hiệu quả với thiên tai.

Ông Trần Quang Hoài cũng yêu cầu chính quyền các cấp, đơn vị chức năng của huyện Quan Sơn tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tiêu độc khử trùng tại các khu vực bị thiệt hại; sử dụng nguồn hỗ trợ đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Sau Hội nghị, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cùng nhiều đại biểu đã đi thăm hỏi, động viên người dân bản Sa Ná

Tuệ Khanh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201908/ky-uc-kinh-hoang-ve-tran-lu-bun-cuon-troi-35-ho-dan-o-thanh-hoa-638704/