Ký ức một dòng sông

Là một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn, con sông Vàm Thuật bắt nguồn từ Cầu Sáng, chảy ngoằn ngoèo rồi phân thêm nhiều nhánh nhỏ nữa, ở đoạn cuối nó trìu mến ôm trọn cả làng An Phú Đông trước khi nhẹ nhàng hòa vào sông mẹ (sông Sài Gòn) để xuôi về biển lớn.

Miếu Phù Châu trên sông Vàm Thuật.

Theo nhận định của tác giả “Bến Nghé xưa”: “Ở Sài Gòn muốn tìm hiểu những nơi có người định cư lập làng sớm nhất cứ đến đất giồng, đất gò, đất cù lao, ngã ba sông rạch. Ta có giồng Ông Tố, gò Cẩm Đệm (Phú Thọ), Gò Vấp” (Bến Nghé xưa - Sơn Nam). Đất An Phú Đông không phải đất giồng, đất gò mà gần như là một cù lao nhỏ nằm ở ngã ba sông. Ba mặt đông, tây, nam giáp sông Vàm Thuật, đất liền phía bắc giáp với Thạnh Lộc. Con đường độc đạo duy nhất nối liền An Phú Đông là đường Vườn Lài thông với quốc lộ 1A. Từ bao đời nay sông và đất đã gắn bó một cách bền bỉ và tạo cho An Phú Đông một khung cảnh nên thơ: hàng dừa xanh rủ lá, con rạch quanh co, con đường nhỏ hẹp lặng lờ, những nhánh bần gie, những rặng mù u, săng máu...

Như một nhân chứng sống động , con sông Vàm Thuật cùng với đất và người An Phú Đông đã trải qua biết bao thăng trầm với lịch sử của dân tộc.

Sáng sớm ngày 15/12/1945 Pháp tổ chức trận càn đầu tiên vào An Phú Đông. Sau đó địch xây dựng một loạt đồn bốt nhằm đẩy An Phú Đông vào thế gọng kìm không lối thoát. Nhưng chúng đã lầm. Trong lúc chúng tưởng đã khuất phục được An Phú Đông thì An Phú Đông nhanh chóng phục hồi và có phần lớn mạnh. Ngày 25/12/1945 chiến khu An Phú Đông được thành lập gồm hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc dựa lưng xã Quới Xuân, Tân Thới Hiệp tạo nên một hành lang rộng, dễ cơ động lực lượng một cách an toàn khi cần thiết. Chiến khu An Phú Đông trở thành trung tâm đón nhận cán bộ, chiến sĩ từ các nơi đổ về, cán bộ từ nội thành ra. Hàng hóa, dụng cụ, thuốc men, súng đạn, máy móc, tiền bạc... được áp tải về. Những đoàn ghe tải lương nuôi quân thường xuyên đi về từ Khu 8. Cán bộ về công tác ở các tỉnh miền Tây hoặc miền Đông cũng đều vào chiến khu để bắt liên lạc. Và cũng từ đó cuộc chiến của dân và quân An Phú Đông ngày càng ác liệt. Không một bụi cây lùm cỏ, một rẫy mía, biền dừa nước nào ven sông không có dấu chân lùng sục của giặc. Bất chấp những kìm kẹp của địch, dù khó khăn nguy hiểm nhưng người An Phú Đông vẫn trung kiên với cách mạng, những gói cơm, gói bắp đặt ở gốc cây, bụi mía để tiếp tế cho cán bộ sống dưới hầm bí mật đã đủ nói lên tình nghĩa đồng bào cảm động biết bao.

Đường Vườn Lài thông với quốc lộ 1A.

Không chỉ bao bọc làng An Phú Đông, con sông Vàm Thuật còn là nơi “đón nhận” bao chiến sĩ đã hy sinh. Mồng 1 Tết năm 1968, 28 chiếc xuồng đưa bộ đội vượt sông Vàm Thuật tiến vào Sài Gòn bị địch phát hiện và ném bom gần bến đò Bến Cát. Không biết bao nhiêu trận càn, bao nhiêu đạn pháo đã hủy diệt nhà cửa, vườn tược, đất đai An Phú Đông. Đê vỡ, nước sông Sài Gòn mùa ngập mặn, cây cối hoang tàn. Dù bị đánh phá ác liệt dân chạy đi rồi lại trở về, vẫn nuôi giấu cán bộ, lo hậu cần, mua gạo, thuốc men, thuốc hút tiếp tế cho bộ đội.

Rồi chiến tranh cũng qua đi, đồn bốt không còn, những cái hầm “cá trê” quanh bờ sông cũng không còn vết tích. Con đường Vườn Lài được trải nhựa thông thoáng. Hệ thống bờ đê được củng cố, người dân An Phú Đông đã bớt cảnh ngập lụt. Đất An Phú Đông vẫn đậm đà màu mỡ. Con sông Vàm Thuật vẫn hiền hòa chảy. Những chuyến phà đều đặn qua lại nối chiến khu xưa với trung tâm thành phố. Có lẽ nhờ cách một dòng sông nên mặc dù tốc độ đô thị hóa đang diễn ra ở nhiều khu vực trong thành phố một cách chóng mặt, nhưng nơi đây mọi thứ dường như chậm rãi hơn, vẫn còn những rặng dừa xanh, vườn bưởi Đường trĩu quả, hàng cau hiền hòa... Một điểm nổi bật của con sông Vàm Thuật là có miếu Phù Châu (miếu Nổi). Miếu được xây trên một gò đất nổi lên giữa lòng sông có diện tích khoảng 2500 m2. Đây không chỉ là nơi thờ cúng của dân địa phương mà còn thu hút nhiều khách thập phương vào ngày rằm, mồng một và dịp lễ, Tết.

Bạn đã từng nghe An Phú Đông

Một làng nho nhỏ ở ven sông

Những năm chinh chiến! Ôi, chinh chiến!

Sông nước Sài Gòn nhuộm máu hồng...

An Phú Đông! Đây An Phú Đông

Trả lời tiếng gọi của non sông

Trẻ già đã biết hy sinh hết

Biết trả thù chung đổ máu hồng.

(Thơ Xuân Miễn - 1946)

Xin khép lại bài viết này bằng những câu thơ của Xuân Miễn. Một mùa xuân nữa lại đến, An Phú Đông đang tràn sắc hoa ở những vườn mai ghép. Suốt dọc đường Vườn Lài rực rỡ vạn thọ, hướng dương... Đất đã nở hoa và nở trong cả lòng người.

TRƯỜNG THI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ky-uc-mot-dong-song-d89521.html