Ký ức ngày chiến thắng của tiểu đoàn trưởng R20

Trong căn nhà số 1- Lê Văn Thiêm, An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng, cuộc sống của Đại tá Lê Ngọc Bảy, bí thư chi bộ 33 (suốt 5 nhiệm kỳ), nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam tưởng rất bình lặng khi đam mê với chim chóc và hoa muông, vậy mà khi nhắc đến một thời chiến tranh, máu lửa, nhắc đến đồng đội, lòng ông như dậy sóng. Ông bảo, để có mặt ở Đà Nẵng ngày 29-3-1975, Tiểu đoàn R20 đã đi một chặng đường dài khốc liệt, anh dũng. Gần đến ngày vinh quang, máu xương của cán bộ chiến sĩ còn đổ xuống ở các cao điểm Quảng Nam...

Đại tá Lê Ngọc Bảy (bên trái) với Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 44; Thượng tá Phạm Xuân Quý, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn R20 là những người tham gia giải phóng Đà Nẵng.

Ngày 23-3-1975, Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 họp, ra quyết định: "Nắm chắc thời cơ, phấn đấu trong một thời gian ngắn giải phóng hoàn toàn các địa bàn của Quân khu". Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương đồng loạt tiến công giải phóng thị xã Tam Kỳ, tỉnh lỵ Quảng Tín. Tư lệnh Mặt trận 44 giao cho R20, lúc này thuộc đội hình Trung đoàn 96 bằng mọi giá trong 2 ngày 23 và 24-3 phải tiến công, tiêu diệt gọn đại đội lính địa phương quân ở đồi Đá Đen (A196), chốt điểm Gò Phan, cách nhau 1 km (nay thuộc Duy Trung, Duy Xuyên, Quảng Nam). Có chiếm được 2 cứ điểm này mới có thể phát triển đánh quận lỵ Duy Xuyên, Quốc lộ 1A, hình thành hướng bao vây chia cắt địch từ hướng Nam, tạo bàn đạp cho Sư đoàn 2 tấn công vào thành phố Đà Nẵng. Một đơn vị địa phương đã đánh đồi Đá Đen lần thứ nhất nhưng thất bại bởi địch bố phòng rất cẩn mật, mìn giăng dày đặc. Nghiên cứu kỹ trước đó mấy lần, vậy mà đêm chuẩn bị chiến trường trước khi tấn công, R20 chịu tổn thất nặng. Đại đội trưởng Đại đội 1 Vũ Văn Thời và 3 cán bộ trung đội hy sinh (sau ngày giải phóng đồng đội mới tìm được hài cốt các anh bởi một sự tình cờ), trinh sát Vũ Mạnh Tiến bị thương, tất cả đều do vướng mìn địch đặt ở nơi không ngờ đến và còn rất xa cứ điểm.

Trước tình huống khó khăn, Tiểu đoàn trưởng Lê Ngọc Bảy quyết thay đổi phương án tác chiến, không cho bộ đội áp sát mà bố trí quân cách hàng rào hơn 200m. Một đại đội đánh chính diện và đại đội khác đón lõng hướng địch rút chạy. Đơn vị xin Tư lệnh Mặt trận tăng cường hỏa lực ĐKZ 75, súng máy 12,7mm, cối 60, đủ thời gian để mở rào. Đêm 23-3, đơn vị đào công sự bố trí trận địa hỏa lực, hoàn tất trước 21 giờ. Tin tưởng phương án táo bạo của mình, Tiểu đoàn trưởng Lê Ngọc Bảy động viên cán bộ chiến sĩ yên tâm ém quân chờ đợi trời vừa sáng để hỏa lực có thể phát hiện rõ mục tiêu nhất. 5 giờ 30, phát lệnh. Hỏa lực bắt đầu nhả đạn, sau đó bộ binh ào lên. Địch tê liệt, choáng váng, cuống cuồng chạy trốn vào hướng bộ đội đã vây chặn. Vậy là chỉ trong vòng 15 phút, cao điểm Đá Đen và Gò Phan đã thất thủ, 1 đại đội địa phương quân ở đây bị tiêu diệt hoặc bắt sống, chỉ còn vài tên chạy thoát. Với trận thắng này, Tiểu đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và Tiểu đoàn trưởng được tặng Huân chương Chiến công hạng Hai. Ngày 29-3, hòa cùng lực lượng Sư đoàn 2, Trung đoàn 96 trong đó có Tiểu đoàn R20 từ Trảng Nhật đến ngã ba quán Bốn Anh - Điện Thắng thì chia thành 2 mũi, nhanh chóng xuất kích về Đà Nẵng. Mũi của Tiểu đoàn trưởng Bảy có đồng chí Lê Công Thạnh, Phó Chính ủy Mặt trận 44 chỉ huy.

Để bộ đội cơ động nhanh vào tiếp quản các mục tiêu, lực lượng cách mạng bên trong sau khi nổi dậy làm chủ một số địa bàn đã sử dụng hàng chục ô-tô chạy ra đón bộ đội vào. Nhân dân hai bên đường, chủ yếu là phụ nữ, thanh thiếu niên vui mừng chào đón đoàn quân giải phóng. Tuy nhiên khi xe đi đầu của Đại đội 1 đến chợ Miếu Bông thì gặp một đám tàn quân địch khoảng 1 đại đội dùng súng bắn chặn, lập tức Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho xe vừa chạy, vừa sử dụng tiểu liên AK bắn vào quân địch. Đại đội 2 từ phía sau vượt lên kịp thời truy kích tiêu diệt những tên ngoan cố, bọn còn lại tháo chạy tán loạn, đơn vị tiếp tục xuất kích. Khi vào trung tâm thành phố, mũi 1 của R20 từ ngã ba Huế phát triển xuống ngã ba Cai Lang - đường Thống Nhất thì gặp cản trở khi nhân dân hỗn loạn cướp kho gạo của địch để lại, buộc đơn vị phải để lại một tiểu đội dẹp trật tự. Không còn trở ngại nào khác, Đại đội 1 tiến thẳng xuống đường Bạch Đằng, chiếm Tòa thị chính rồi tỏa ra các mục tiêu Quân vụ thị trấn, Lãnh sự quán Pháp, Ngân khố. Lúc này là 11 giờ 30. Ở mũi thứ hai, Đại đội 2 tiến theo đường Khải Định (nay là đường Ông Ích Khiêm) rồi được nhân dân giúp đỡ, đơn vị tiến xuống Thanh Bồ - Đức Lợi, truy bắt các nhóm tàn quân địch sau đó trấn giữ các vị trí quan trọng chờ ngày bàn giao cho lực lượng quân quản.

Chỉ những vết sẹo trên đôi tay mình, Đại tá Lê Ngọc Bảy bồi hồi: "Làm sao quên được giây phút hân hoan khi thành phố rợp màu cờ giải phóng. Tôi lại nhớ hàng chục lần "sém" chết ở chiến trường, nhất là trong trận Mậu Thân ở Trung Lương, Cồn Dầu. Nhớ hàng trăm đồng đội đã ngã xuống ở vùng B Đại Lộc, Gò Nổi, biền dâu Xuyên Thanh (Duy Xuyên), Non Nước làm nên một R20 anh hùng: "Trên trời có phản lực cơ. Ở dưới mặt đất có R20". Người thương binh 2/4 này kể lại giây phút gặp lại cha mẹ và các anh chị em sau 9 năm thoát ly làm anh bộ đội. Cả gia đình ở Đà Nẵng, vậy mà mấy ngày sau giải phóng, sắp xếp xong việc đơn vị, ông mới về thăm nhà. Cái ôm chặt của mẹ trong nước mắt mừng vui khi đứa con bình yên; tiếng chúc mừng hồ hởi "Tiểu đoàn trưởng trẻ quá" và cả âm thanh xuýt xoa lần đầu tiên người thân cắn miếng lương khô ngọt và giòn rụm mà Trung đoàn trưởng Lại Nam Dương tặng ông làm quà... Tất cả hiện lên sinh động, như mới hôm qua.

Một dư âm hoan hỉ nữa là chưa đầy một năm sau giải phóng, hài cốt các đồng chí ngã xuống ở đồi Đá Đen đã được tìm thấy. Số là một người lính chế độ cũ cùng quê Hòa Liên (Hòa Vang) với liệt sĩ Vũ Văn Thời đã kể với gia đình nghe chuyện vì sao các anh hy sinh. Đó là do đạp phải quả mìn địch gài ở bên hồ nước. Người lính địa phương quân này tham gia chôn cất bộ đội chung một hố. Sau ngày giải phóng, anh ta đã dẫn gia đình đi cất bốc. Đồng đội và địa phương đã đưa liệt sĩ về an táng ở nghĩa trang xã Hòa Liên.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_181362_ky-uc-ngay-chien-thang-cua-tieu-doan-truong-r20.aspx