Ký ức ngày giải phóng của nhà giáo Hà Nội

Trước khi theo nghề giáo, thầy Phùng Bá Đam là chiến sĩ quân giải phóng có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975.

Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng miền Nam tại Đài Phát thanh Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Trong ảnh, thầy Phùng Bá Đam đứng thứ 5 tính từ bên phải sang. Ảnh tư liệu

Ở tuổi 76, thầy Phùng Bá Đam vẫn giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh tại Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) và có nhiều buổi nói chuyện truyền thống ở các trường học.

Tiến vào Dinh Độc Lập

Sinh năm 1948 tại huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây nay thuộc Hà Nội, tuổi thơ của thầy Phùng Bá Đam nhiều vất vả. Cha mất do đạn của giặc Pháp, thầy Đam lớn lên thiếu vắng bóng cha và phải tự lập rất nhiều. Học xong trường chuyên nghiệp, đi làm vài năm, thầy Đam tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2.

Thầy Đam từng chiến đấu ở nhiều mặt trận lớn như: Chiến dịch Đường 9 Nam Lào; Thành cổ Quảng Trị và đặc biệt Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thầy Đam chia sẻ: “Sau hàng chục trận chiến đấu ác liệt, thương tích đầy mình nhưng tôi may mắn hơn nhiều đồng đội là còn sống đến ngày toàn thắng. Tôi vinh dự là một trong những chiến sĩ quân giải phóng tham gia bắt Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975”.

Quay ngược về ký ức, thầy Đam kể: Ngày 27/4/1975, sau khi giải phóng căn cứ Nước Trong, Quân đoàn 2 quyết định thành lập Binh đoàn thọc sâu theo hướng Đông Nam đánh vào Sài Gòn, chiếm Đài phát thanh, căn cứ Hải quân và Dinh Độc Lập.

Hướng tiến công này có Đại úy Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (nay là Trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân khu I), ông Trần Ngọc Sơn (Chủ nhiệm chính trị), ông Đinh Thái Quang (trợ lý câu lạc bộ) và một số đồng chí trợ lý cơ quan tham mưu Trung đoàn.

Ngày 30/4/1975, sau khi đánh bật những ổ kháng cự trên cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn, Binh đoàn tiếp tục tiến vào nội đô Sài Gòn. Khoảng gần 9 giờ sáng, đội hình của Binh đoàn đã tiến đến cầu Thị Nghè. Tại đây, có bốn chiếc xe tăng địch bị quân ta bắn cháy.

Đi đầu đội hình tiến vào Dinh Độc Lập là xe tăng, sau đó là xe của Trung đoàn 66. Các chiến sĩ ngồi trên xe Jeep (chiến lợi phẩm mang từ Đà Nẵng) do tài xế Đào Ngọc Vân lái. Từ cầu Thị Nghè vào Dinh Độc Lập, không ai biết đường nên phải dừng lại để hỏi thăm. Lúc đó một người đàn ông nói biết đường và tình nguyện chỉ cho đội xe. Khoảng hơn 9 giờ sáng, các chiến sĩ Trung đoàn 66 đến trước cổng dinh. Xe tăng của ta húc đổ cổng chính, xe Jeep lách lên lao thẳng đến tiền sảnh dinh.

Bắt Tổng thống Dương Văn Minh

Thầy Đam kể tiếp: Được sự hướng dẫn của các nhà báo, anh Phạm Xuân Thệ và chúng tôi hăng hái chạy vào dinh. Khi tới cầu thang thì gặp một người mặc quân phục cộc tay giới thiệu là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh, báo cáo toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đang chờ sẵn cấp chỉ huy ở phòng khánh tiết.

Đi theo Nguyễn Hữu Hạnh tới phòng khánh tiết, các chiến sĩ giải phóng thấy người ngồi kín, không khí ảm đạm, trầm lặng. Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu: “Báo cáo cấp chỉ huy, đây là ông Dương Văn Minh - Tổng thống”. Rồi ông ta chỉ tay vào một người hơi thấp, đeo kính trắng, mặc comple đen giới thiệu: “Đây là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu”.

Lúc đó, ông Dương Văn Minh bước tới, nói: “Chúng tôi biết Quân giải phóng tiến vào nội đô. Chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao”. Nghe tới đó, Đại úy Phạm Xuân Thệ phản ứng, giọng kiên quyết: “Các ông đã bị bắt làm tù binh. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện, chứ không có gì để bàn giao”.

Trước tình hình chiến sự diễn ra mau lẹ, để đỡ tổn thất xương máu của đồng bào, đồng chí, các chiến sĩ giải phóng đã bàn nhau bắt Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ngay. Đại úy Phạm Xuân Thệ dõng dạc nói: “Các ông phải ra ngay Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng”.

Nghe bên ngoài còn tiếng súng nổ, binh lính địch hỗn quân, hỗn quan nên Dương Văn Minh lộ rõ lo lắng, ngồi xuống ghế thở dài: “Xin cấp chỉ huy cho tuyên bố đầu hàng tại đây, ra ngoài phố lúc này không an toàn”. Không chần chừ, Đại úy Thệ nói: “Sài Gòn đã giải phóng, chúng tôi bảo đảm an toàn cho các ông”. Nghe vậy Vũ Văn Mẫu trao đổi nhỏ với Dương Văn Minh rồi đứng dậy: “Xin tuân lệnh cấp chỉ huy”.

Thầy Đam kể tiếp: “Ngay lúc đó, tôi nêu thắc mắc, có tuyên bố đầu hàng thì phải có lời nói trên đài phát thanh là chấp nhận đầu hàng. Chúng tôi bàn với nhau, ta phải có lời tuyên bố chấp nhận sự đầu hàng và đề nghị Trung tá Bùi Văn Tùng là người chỉ huy cao nhất ở đây, quê lại ở miền Nam đọc là phù hợp.

Anh Tùng đồng ý rồi dõng dạc đọc: “Tôi Bùi Tùng, thay mặt Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chấp nhận sự tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh”. Chấp nhận tuyên bố đầu hàng xong, đồng hồ chỉ 11 giờ 30 phút”.

Thầy giáo Phùng Bá Đam. Ảnh: Vân Anh

Trở về làm nhà giáo

Thầy Đam cho biết, tâm trạng lúc đó tràn ngập niềm vui. Sau bao năm chiến đấu, vất vả, gian khổ hy sinh, non sông đã thu về một mối. Đất nước thống nhất và phát triển, để có được vị trí, cơ đồ như ngày nay. Cùng đó, những người chiến đấu lâu năm như ông rất mong sớm trở về quê hương đoàn tụ gia đình, gặp lại vợ con.

Đưa tay chỉ vào phía sau gáy mình, người lính già cười bảo, nơi đây có một mảnh đạn sượt dài và 3 mảnh ở đốt sống cổ nhưng bác sĩ không cho mổ vì nguy hiểm. “Đó là lần bị thương khi đánh cao điểm 1062 ở Thượng Đức (Quảng Nam). Và sau ngày đất nước thống nhất, ngoài những vết đạn, mảnh nổ trên cơ thể, được xác định thương binh hạng 3/4 với tỷ lệ thương tật 47%, tôi còn bị nhiễm chất độc da cam”, thầy Đam nói.

Sau Ngày giải phóng miền Nam, tháng 9/1975, Trung úy Phùng Bá Đam được đơn vị cử đi học lớp Chính ủy Trung đoàn đầu tiên thời bình. Học xong thầy được cử làm Trưởng ban cán bộ Cục Hậu cần, Quân khu 2. 5 năm sau, thầy Đam chuyển về Phòng Cán bộ của Học viện Quân y. Sau khi được Học viện Quân y cử học lớp Cán bộ cao cấp ở Học viện Chính trị năm 1991, năm 1992 thầy ở lại Học viện Chính trị làm nhiệm vụ quản lý và dạy các lớp cán bộ chính trị chiến lược.

Hơn 10 năm giảng dạy tại Học viện Chính trị, giai đoạn gần đủ tuổi nghỉ theo chế độ, thầy Đam thi tuyển và đi dạy môn Giáo dục công dân tại Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Năm 55 tuổi, khi nghỉ hưu, thầy Đam giảng dạy tại Trường THPT Đông Đô (Hà Nội), là giáo viên môn Giáo dục công dân, Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Từ năm 2012, thầy là Chủ nhiệm bộ môn Giáo dục công dân; kiêm Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh nhà trường.

Thầy Đam cho biết, dù không được đào tạo sư phạm nhưng bản thân thích nghề dạy học từ nhỏ. Trải nghiệm chiến trường, chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử là cơ hội, nền tảng để ông muốn được giáo dục đạo đức, truyền thống cho các thế hệ trẻ Thủ đô và đất nước.

Những trải nghiệm, câu chuyện thực tế chiến trường là vốn kiến thức quý báu hỗ trợ mình rất nhiều trong việc dạy học. Vì vậy, thầy Đam thường tìm cách chuyển những vấn đề lý luận thành câu chuyện thực tiễn để học sinh dễ hiểu bài hơn.

“Ví như kiến thức về lượng và chất, tôi lấy ví dụ, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, quân dân ta từ lực lượng nhỏ lẻ, đơn giản dần phát triển chất lượng và tổ chức bài bản. Khi tích lũy đủ, lực lượng quân dân ta ngày càng lớn mạnh trở thành quân đội chính quy, bài bản và đủ sức mạnh đánh thắng Pháp, Mỹ”, thầy Đam dẫn chứng.

Trải qua môi trường quân đội kỷ cương, nghiêm khắc, nhưng để hòa mình với học sinh, thầy Đam cho hay, phải học cách mềm hóa chính mình. “Tôi luôn tự nhủ cảm hóa và dạy bảo học sinh bằng tình yêu thương, thay vì kỷ luật. Học sinh có lẽ thấy tôi nhiều tuổi nên nể trọng, không mất trật tự trong giờ học”, thầy Đam kể và hạnh phúc bởi được nhà trường tin tưởng bố trí dạy các lớp, kể cả lớp cá biệt.

Kinh nghiệm của thầy Đam đơn giản xuất phát từ sự yêu thương, coi học trò như con, cháu để dạy dỗ, uốn nắn. Với trường hợp khó bảo, thậm chí có em nói học chỉ vì bố mẹ, thầy Đam càng kiên trì, tìm hiểu thêm cuộc sống hằng ngày và tính cách để từ từ phân tích, khuyên nhủ.

“Có học sinh không nghe bố mẹ nói. Sau đó, tôi tìm hiểu thì được biết gia đình, bố mẹ cũng không chuẩn mực. Biết chuyện, tôi tìm cách tâm sự với em rằng vì hoàn cảnh như vậy, mình càng phải học, tự đi lên bởi khó có chỗ dựa dẫm. Tôi kể cả chuyện bản thân, có những lúc gặp vô vàn khó khăn trong chiến tranh vẫn phải vươn lên.

Dần dần, trò cũng lắng nghe, thay đổi và tốt nghiệp THPT vào được đại học. Điều này cho thấy, quan trọng nhất là phải giáo dục cho học trò động cơ, thái độ học tập. Khi nhận thức được việc học để làm người, để lập nghiệp thì tự khắc các em sẽ cố gắng”, thầy Đam chia sẻ.

76 tuổi, thầy Đam vẫn đều đặn lên lớp 2 buổi mỗi tuần. Thầy Đam bộc bạch, đi dạy và tiếp xúc với học sinh khiến ông thấy vui và trẻ hơn nhiều. “Ở tuổi này, bạn bè nhiều người tóc bạc và trông già nua lắm, trong khi mình vẫn tham gia học, dạy trực tuyến như những đồng nghiệp trẻ”.

Kể về đồng nghiệp, thầy Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô cho biết: Những năm qua, với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Bí thư Chi bộ, thầy Phùng Bá Đam có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng nhà trường. Thầy Đam được nhà trường tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Trường THPT Đông Đô; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển Trường THPT Đông Đô.

Lê Cường

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-uc-ngay-giai-phong-cua-nha-giao-ha-noi-post681196.html