Ký ức ngục tù mãi mãi không bao giờ quên

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, chiến sĩ, đồng bào ta phải hy sinh, mất mát, chịu đựng rất nhiều gian khổ để giành được thắng lợi vẻ vang. Có người ra đi mãi mãi, có người trở về nhưng đã mất đi vĩnh viễn một phần thân thể của mình, cũng có những chiến sĩ cách mạng phải trải qua những năm tháng ở một nơi mà khi nhắc đến họ chỉ có thể diễn tả sự sống như 'ngàn cân treo sợi tóc'.

Đồng chí Nguyễn Hùng Mạnh (tên thường gọi là Mười Mạnh), sinh năm 1946, quê ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; Trung đội phó Trung đội đặc công, trực thuộc Tiểu đoàn 514A đã kể lại những ngày gian khổ không bao giờ quên được trong quá trình tham gia cách mạng của mình: Sau đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (tháng 2-1968), chuẩn bị vào đợt 2, tôi được tiểu đoàn phân công bí mật đột nhập căn cứ sư đoàn 7 ngụy (gọi là khu trung tâm huấn luyện Hùng Vương) để kết hợp với nội tuyến, trong đánh ra ngoài đánh vào trong đêm 16-6-1968.

“Địa ngục trần gian” này khiến cho gần 4.000 chiến sĩ cách mạng hy sinh.

Thời gian nổ súng là từ lúc 21 giờ ngày 16-6-1968 đến sáng 17-6-1968, trong trận này, tôi bị kẹt lại trong căn cứ không ra được và bị định bắt đưa về tiểu khu Mỹ Tho. Sau đó tôi bị giam ở khám đường Mỹ Tho 6 tháng, rồi chúng chuyển tôi đến trại giam Vùng 4 ở Cần Thơ tiếp 6 tháng. Cuối cùng chúng đày tôi ra trại giam Phú Quốc vào ngày 20-6-1969.

Trải qua nhiều nơi giam giữ, tôi thấy nhà tù Phú Quốc là nơi hành hạ tù binh tàn bạo nhất, sự sống của tù binh như “ngàn cân treo sợi tóc”. Tuy sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng trong nhà tù đều có tổ chức Đảng, Đoàn nhằm động viên anh em tù nhân luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng đoàn kết chống lại mọi âm mưu sát hại tù nhân, bảo tồn sự sống để tiếp tục chiến đấu.

Tôi còn nhớ ngày 20-6-1969, 150 anh em, trong đó có tôi, bị địch đưa ra Phú Quốc trên chiếc máy bay C130. Chúng buộc tay hai người lại với nhau bằng dây điện. Khi chiếc C130 vừa hạ cánh, tôi nhìn ra thấy khoảng hơn 20 tên quân cảnh, tay cầm ma trắc, dùi cui, roi mây đứng xếp thành hai hàng. Từng cặp tù binh trên máy bay bước xuống là chúng đánh tới tấp, có anh đi không nổi phải có người cõng thì sau đó lại bị ăn đòn nhiều nhất. Chúng bắt tù binh phải xếp thành hàng và thụt đầu cả tiếng đồng hồ, ai không làm nổi thì chúng cho ăn đòn tiếp.

Sau đó, chúng đưa anh em về ban điều hành tiếp tục đánh đập rồi đưa về phân khu A4. Trước khi nhập trại, anh em tù bình lại bị chúng đánh đập tơi tả, bắt thụt đầu, móc chân trên hàng rào kẽm gai, nên khi vào trại, ai cũng không thể đi nổi, chỉ nằm dài trên đất.

Vài ngày sau, tổ chức Đảng trong nhà lao củng cố tổ chức và giao nhiệm vụ cho tôi củng cố Chi đoàn nhà lao. Trong khu giam, chúng đã âm thầm cho một số tên chiêu hồi vào để báo cho chúng ai là lãnh đạo vận động đấu tranh chống lại chúng.

Tại nhà tù, bọn chúng lập nên nhiều chuồng cọp để nhốt các tù binh ngoài trời.

Ngày 20-7-1969, chúng bắt tôi cùng hai người khác ra nhốt ở chuồng cọp bên ngoài sân. Chúng nhốt tôi 2 ngày 2 đêm rồi đưa lên ban điều hành để điều tra ai là người tổ chức đấu tranh. Tôi nói không ai tổ chức, chúng liền đánh tôi 25 roi cá đuối vào ngực, vào bụng, máu tôi rơi đỏ trên nền gạch (hiện giờ vẫn còn năm dấu đầu roi cá đuối ở bên hông trái).

Tra tấn mà không khai thác được gì, chúng nhấc tôi vào phòng biệt giam ở khu 6. Trước khi vào phòng này, chúng tiếp tục đánh khiến thân thể của tôi bị bầm tím, rớm máu đầy vết roi, nhất là hai bàn chân sưng to không đi được, phải bỏ vào phòng biệt giam cách nơi tra tấn khoảng 30 m, bò chậm còn bị chúng đánh bằng roi mây vào lưng. Trong phòng biệt giam, các anh em cũng bị ăn một trận đòn để đón “lính mới”. Mỗi lần có người mới vào phòng thì chúng đều làm như vậy.

Phòng biệt giam chỉ có 24 m nhưng có tới 7 lớp rào kẽm gai, bốn góc lúc nào cũng có 4 tên quân cảnh canh gác 24/24 giờ. Lúc tôi bị đưa vào phòng biệt giam có khoảng 220 người. Ban ngày, người ngồi chật ních, ban đêm thì chia làm bốn hàng nằm co chân lại, ngực người này ép vào lưng người kia.

Hằng ngày, chúng phát mỗi người hai nắm cơm nhỏ xíu ăn với muối hột, nước uống thì năm người chung một bình toong, thiếu nước uống có người nhịn không nổi phải đi tiểu rồi hứng lại để uống.

Một ngày, chúng tra tấn hai lần (nếu là quân cảnh điểm danh), còn giám thị thì cho “ăn” thêm một trận đòn nữa, nếu giám thị dẫn theo chiêu hồi thì ngày đó coi như “no đòn”. Những lúc có tổ chức Hồng Thập tự quốc tế đến kiểm tra thì chúng đưa anh em biệt giam gửi vào khu chiêu hồi hoặc lên đồi nhổ cỏ tranh nên lúc đó ở khu biệt giam không có ai.

Tôi ở khu biệt giam 10 tháng, khoảng tháng 5-1970 thì chúng giải tán khu biệt giam. Trong số 220 người bị giam tại đây, qua thời gian, một số chết do bệnh tật, một số bị chiêu hồi do không chịu nổi đòn roi tra tấn, nên cuối cùng chỉ còn lại 22 người, chúng đưa về khu chiêu hồi B4.

Lúc đó, tôi đang bị sưng lá lách, mình sưng phù như sắp chết, nhưng vẫn bị bạn chiêu hồi đánh vì đứng xếp hàng không nổi. Qua gần một tuần, chúng đưa anh em tôi về khu tù binh A4, được anh em tận tình chăm sóc, châm cứu, tổ chức khám bệnh xin thuốc cho tôi uống. Nhiều anh đi khám về phải ăn cháo luôn vì ra khai bệnh nhức đầu để xin thuốc giảm đau về cho anh em bị đau nhức uống thi bị quân cảnh dùng ma trắc đánh vào đầu.

Chúng sàng lọc lại số anh em ở khu biệt giam đưa về khu A10, mỗi phòng có trên dưới 100 người, toàn khu có trên dưới 1.000 người. Hệ thống tổ chức chống địch đàn áp hết sức chặt chẽ nhằm bảo vệ mạng sống của anh em. Trong khu có một Đảng ủy nhà lao, mỗi phòng có một Chi bộ, một Chi đoàn, một tổ an ninh, một tiểu đội vũ trang.

Trước khi đấu tranh đều có sự chuẩn bị và chỉ đạo của Đảng ủy nhà lao. Các cuộc đấu tranh nhằm đòi địch chấp nhận các yêu sách như: Không đào công sự, không kéo rào kẽm gai, không đi tạp dịch giúp việc cho địch... Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị lương thực (gồm cơm phơi khô, nước uống được tích trữ trong vòng một tháng và được cất giấu cẩn thận) thì chúng tôi mới tổ chức đấu tranh. Hình thức đấu tranh chủ yếu là tuyệt thực.

Lúc mới bắt đầu đấu tranh thì tuyệt thực ba ngày. Có đợt sau khi tuyệt thực bảy ngày thì toàn khu tổ chức bạo động, đưa lực lượng vũ trang ra án ngữ phía trước chống quân cảnh đàn áp, nhưng chúng ném lựu đạn hơi cay vào khu. Trên lô cốt, chúng bắn một trái M79 làm chết một người, bị thương trên 20 người. Đến sáng hôm sau thì chúng xuống giải quyết.

Có đợt tuyệt thực kéo dài đến 10 ngày, chúng tưởng chắc anh em đã yếu sức nên đua quân cảnh vào đàn áp. Theo chỉ đạo của Đảng ủy, anh em trong các phòng đều nằm im đợi chúng lọt vào dãy phòng giữa, sau đó dãy phòng đầu và dãy phòng cuối xông ra chặn lại, các phòng nổi dậy tấn công, bọn quân cảnh nhảy rào chạy tán loạn, anh em bắt sống được một tên quân cảnh.

Lúc này, bọn chúng xuống ngay để giải quyết thì anh em yêu cầu không được bắt tù nhân làm tất cả những việc do chúng đưa ra, chỉ lên rừng lấy củi về nấu cơm, nếu chấp nhận thì sẽ thả quân cảnh ra. Cuối cùng chúng buộc phải chấp nhận các yêu sách và từ đó không còn bắt chúng tôi đi làm tạp dịch nữa.

Tuy bị đánh đập, hành hạ và đàn áp, nhưng qua các đợt đấu tranh với địch cho đến tết những năm 1970 - 1971, anh em tù binh vẫn tổ chức văn nghệ vui xuân. Tôi còn nhớ một đoạn trong bài “Về lô tô Táo quân” tại trại giam Phú Quốc vào ngày 23 tháng Chạp như sau:

Trời mây vần vũ, gió bấc tê da

Đến ngày 23, về chầu Bể ngọc

Thần xin tuyên đọc, báo cáo cuối năm

Ở trại tù binh Trung ương Phú Quốc

Từ ngày động đất, hết chỗ dung thân

Mỹ mất tinh thần, ngụy quân hấp hối

Thầy cũng bối rối, tớ lại hoang mang

Vội vã luận bàn, cứu nguy cấp tốc

Lệnh từ Bạch ốc, lên thẳng miền Nam

Đốt phá xóm làng, dồn dân nhốt kỹ

Đường cùng thế bị, mới chuyển tù binh

Dựng lên ngục hình, bốn vùng, bốn trại

Chiến trường thảm bại, hậu cứ không yên

Để tù đất liền, sợ ông giải phóng

Ngày đêm náo động, thả hết tù ra, còn đâu trao trả

Tớ, thầy hối hả, lập trại Trung ương

Là chỗ cùng đường, giam người chống Mỹ...

(Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Hùng Mạnh)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202304/ky-uc-nguc-tu-mai-mai-khong-bao-gio-quen-977211/