Ký ức những ngày đầu gian khó

Kể từ khi tái thành lập vào năm 1990 đến nay, hệ thống kho bạc đã có sự phát triển vượt bậc để trở thành kho bạc điện tử và đang hướng tới kho bạc số vào năm 2030. Với những người gắn bó với kho bạc từ ngày còn phải đi 'ở nhờ', in chứng từ bằng máy in kim, máy in búa… khi nhớ về những ngày đầu gian nan ấy đã không khỏi bồi hồi, xúc động.

Công chức Kho bạc Nhà nước Cầu Giấy đang thực hiện đối soát số liệu chi ngân sách với khách hàng.

Công chức Kho bạc Nhà nước Cầu Giấy đang thực hiện đối soát số liệu chi ngân sách với khách hàng.

Đi “nhà máy”, đi chợ “đồng thành”

Quá trình đi tìm “nhân chứng” của 33 năm xây dựng và phát triển của Kho bạc Nhà nước (KBNN), chúng tôi gặp anh Ngô Quốc Huy - Giám đốc KBNN quận Cầu Giấy, Hà Nội. Anh Huy gia nhập kho bạc từ những ngày đầu tái thành lập hệ thống KBNN (tháng 4/1990). Lúc đó, hầu như các đơn vị KBNN đều phải đi “ở nhờ”: KBNN Hà Nội ở nhờ tầng 4 của Sở Tài chính Hà Nội; KBNN quận Hoàn Kiếm ở nhờ tầng 2 của Ngân hàng Công thương; KBNN quận Hai Bà Trưng ở nhờ tại 1 phòng chỉ rộng có 40 m2… do đó, việc giao dịch rất vất vả.

Ký ức vẹn nguyên được anh Huy xúc động kể lại chính là việc khan hiếm tiền mặt. Anh kể, lúc bấy giờ để có tiền mặt chi trả cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách, ngoài việc lấy tiền từ ngân hàng về, KBNN Hà Nội và các KBNN quận, huyện phải cử cán bộ đến tận nơi có nguồn thu như: công ty lương thực, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông… Bản thân anh Huy cũng đã nhiều lần phải xuống Nhà máy Thuốc lá Thăng Long để đợi lấy tiền mặt về nhập vào kho thì mới có tiền để phân về các đơn vị KBNN quận, huyện. Đặc biệt, ngoài việc khan hiếm tiền mặt thì mệnh giá tiền lúc đó cũng rất nhỏ nên mỗi khi điều chuyển tiền từ KBNN Hà Nội đến các KBNN quận, huyện phải sử dụng xe tải thùng to, đi lại rất vất vả.

Anh Huy bồi hồi với những kỷ niệm cùng anh em đi “nhà máy”, đi “chợ đồng thành” như những thước phim quay chậm ùa về trong trí nhớ của anh…

Lần đầu tiên được nghe về việc cán bộ kho bạc "đi nhà máy", "đi chợ bù trừ đồng thành", chúng tôi đã không khỏi thắc mắc. Anh Huy giải thích, khi KBNN mới thành lập, việc hạch toán kế toán đều phải nhờ vào máy tính của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, cứ vào cuối ngày, cán bộ kho bạc mang chứng từ lên ngân hàng để nhờ cán bộ cơ quan này nhập vào máy. Sáng ngày hôm sau, ngân hàng sẽ in sổ phụ, in chứng từ gửi lại kho bạc. “Chính vì thế chúng tôi nói vui với nhau đi nhà máy là như vậy” - anh Huy chia sẻ.

Còn đi “chợ đồng thành” là đi bù trừ cuối ngày với các ngân hàng trong cùng thành phố. Theo đó, các cán bộ của kho bạc, ngân hàng đến đó để trả chứng từ và bù trừ số tiền còn thiếu, còn thừa mỗi ngày để vào sổ hạch toán cuối ngày. “Gọi là chợ vì giống như một chợ buôn bán thật, hàng hóa là chứng từ. Kho bạc có chứng từ của ngân hàng sẽ “ném trả" lại cho ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng có chứng từ của kho bạc lại “ném trả" kho bạc. Các động tác "ném trả" được làm rất nhanh và thuần thục nên các chứng từ cứ bay vèo vèo trên đầu” - anh Huy kể lại.

Nhưng có lẽ kỷ niệm theo suốt anh Huy trong cuộc đời làm nghề chính là những đêm thức trắng để in chứng từ từ những máy in kim, in búa kêu rầm rầm cả đêm để sáng hôm sau có kịp chứng từ giao dịch; là những cán bộ “ôm khư khư” chiếc cặp to đùng chứa chứng từ, hóa đơn, séc rút tiền vì sợ thất lạc mỗi lần đi chợ đồng thành… Nghĩ lại thật vui, nếu đem so với bây giờ - một kho bạc điện tử, với việc giao dịch chỉ cần một “clich chuột” hay một phím “enter”.

Ký ức không quên về những ngày làm Tabmis

Chị Nguyễn Thị Toan - Phó Giám đốc KBNN Hải Phòng, cũng làm việc tại kho bạc từ những ngày đầu thành lập. Chứng kiến kho bạc từ khi còn thô sơ cho đến hiện đại ngày hôm nay, chị đã rất tự hào.

Tiếp tục nâng cấp Tabmis

Để tiến tới kho bạc số vào năm 2030 như kế hoạch đặt ra trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục cải cách và nhiệm vụ quan trọng đầu tiên chính là thực hiện nâng cấp Tabmis và các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin khác (phối hợp thu ngân sách; thanh toán song phương; thanh toán liên ngân hàng; dịch vụ công trực tuyến…) để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số.

Và ấn tượng nhất với chị chính là những ngày đầu triển khai Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc). Chị kể, KBNN Hải Phòng được chọn làm thí điểm Tabmis đầu tiên trên cả nước, vì thế việc bỡ ngỡ với những kiến thức mới là điều không tránh khỏi. Nhưng với một người say mê học hỏi và luôn muốn trải nghiệm những thử thách mới, chị Toan lúc đó là Trưởng phòng Kế toán đã cùng anh em ngày đêm nghiên cứu để tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc triển khai Tabmis tại đơn vị.

“Con đường đến thành công không trải bằng hoa hồng” là câu nói rất đúng với chị và các đồng nghiệp. Chị Toan đã rất xúc động khi nhớ về những ngày đầu triển khai chưa thành công. “Vì là thí điểm đầu tiên trong cả nước, chưa có kinh nghiệm, lại tiếp xúc với một chương trình cải cách với việc chuyển đổi số liệu phức tạp, nên chỉ sau gần 1 tuần thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề không lường trước. Do đó, việc thí điểm đã phải tạm dừng. Nước mắt đã rơi cho những đêm thức cùng chương trình nhưng lại chưa đạt được kết quả” - chị Toan chia sẻ.

Nhưng với sự quyết tâm, không khuất phục thất bại, cùng với sự giúp đỡ của đội quân tin học tại KBNN trung ương, chị Toan đã cùng anh em bắt tay vào thử nghiệm lại và hướng dẫn cho các đồng nghiệp. Và lần này đã thành công. “Cảm xúc vỡ òa! Nước mắt lại rơi, nhưng là nước mắt của hạnh phúc, của những hồi hộp, lo lắng bị kìm nén nay được thỏa sức tuôn trào cho sự vui mừng của thành công...” - chị Toan xúc động kể lại.

Sau khi Tabmis được thí điểm thành công tại Hải Phòng đã mở ra nhiều đợt thí điểm thành công tại nhiều địa phương trước khi được triển khai diện rộng trên cả nước.

Tabmis đã hoàn thành “sứ mệnh” khi thay đổi hoàn toàn công tác kế toán kho bạc từ phương thức truyền thống thủ công sang phương thức điện tử. Từ nền tảng Tabmis, KBNN đã phát triển và từng bước trở thành KBNN điện tử như đúng tiêu chí đặt ra trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Và cũng từ Tabmis, KBNN đã xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và tạo ra sự ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội.

Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ, KBNN đã nỗ lực thực hiện cải cách, hiện đại hóa giúp cho việc giao dịch của các đơn vị sử dụng ngân sách với kho bạc ngày càng thuận lợi, nguồn vốn ngân sách đến kịp thời các đối tượng thụ hưởng để phát triển kinh tế xã hội.

Có thể thấy rằng, để có được một kho bạc hiện đại như ngày hôm nay đã có biết bao sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ cần mẫn, nhiệt huyết, yêu nghề như anh Huy, chị Toan và còn nhiều công chức kho bạc khác nữa. Bằng sự yêu nghề, không ngại khó ngại khổ, họ đã học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra các sáng kiến cải tiến hữu ích giúp cho công việc được hoàn thành tốt nhất và đưa đến cho khách hàng những thuận lợi nhất.

"Mở đường" phát triển kho bạc số

Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 455/QĐ - TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030. Chiến lược sẽ mở ra chặng đường phát triển kho bạc số tiếp theo của hệ thống KBNN.

Để thực hiện chiến lược thành công, KBNN đã và đang nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ của KBNN, từ đó, cải cách hoạt động nghiệp vụ và tạo nền tảng để hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN.

Đồng thời, KBNN sẽ chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN; trong đó, trọng tâm là xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin liên quan.

Hạnh Thảo

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ky-uc-nhung-ngay-dau-gian-kho-128787.html