Ký ức những ngày tháng Tư lịch sử của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy

Đã hơn 90 tuổi nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2 vẫn nhớ như in thời khắc cùng đồng đội chiến đấu những ngày cuối tháng 4-1975. Ông là người trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia trên một hướng tiến công quan trọng, góp phần giải phóng Sài Gòn-Gia Định đi đến thắng lợi cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Năm nào cũng vậy, mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy lại tìm về những địa danh, con đường tại TP Hồ Chí Minh từng in dấu chân bộ đội Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 khi tiến công vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Mỗi dịp như vậy, ông luôn xúc động bồi hồi. Ông tự hào vì đã góp công vào thắng lợi cuối cùng để thống nhất đất nước, vui mừng vì bản thân có được hạnh phúc chứng kiến sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của thành phố và cũng tiếc thương nhiều đồng chí đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của nước nhà.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy lúc này đang giữ cương vị Phó tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, phối hợp với các đồng chí Bộ tư lệnh Sư đoàn trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 46 (Sư đoàn 325) tiến công trên hướng Đông Nam vào Sài Gòn-Gia Định. Ông kể: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, sư đoàn được tăng cường 1 đại đội tăng có 7 chiếc, 1 tiểu đoàn công binh cầu phà, 1 tiểu đoàn cao xạ và 1 tiểu đoàn pháo 130 mm tầm xa (sẵn sàng vào bố trí ở Nhơn Trạch để bắn vào khống chế sân bay Tân Sơn Nhất). Nhiệm vụ của sư đoàn là đánh chiếm Chi khu quân sự Long Thành, Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, bắn pháo khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, đánh vào nội đô Sài Gòn để giải phóng quận 9 và quận 4...

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, tuy thời gian làm công tác chuẩn bị cho chiến dịch rất gấp nhưng với quyết tâm rất cao và sự nỗ lực của mỗi cán bộ, chiến sĩ, đến trưa ngày 26-4-1975 đã hoàn thành mọi công việc chuẩn bị. Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, các cánh quân của Sư đoàn 325 nổ súng tiến công. Trung đoàn 46 có nhiệm vụ đánh chiếm ngã ba Phước Thiền, thực hiện bao vây cắt đường rút lui của địch ở khu vực Long Thành và đánh chiếm Chi khu quân sự Nhơn Trạch. Các trận chiến đấu giữa ta với địch diễn ra ác liệt.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy tham gia giao lưu truyền lửa tại Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

Ông nhớ lại: Do địch chống cự quyết liệt nên các đơn vị của Sư đoàn 325 tổ chức nắm lại tình hình địch, thay đổi cách đánh từ đánh nhanh sang đánh chắc từng bước, chiến đấu đến đâu quét sạch quân địch đến đấy, nhanh chóng củng cố lực lượng, khi thấy rõ mục tiêu sẽ tiến công tiếp. Được sự chi viện của xe tăng và pháo binh, ông trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 46 thực hiện vừa bao vây vừa tấn công và chỉ sau ba đợt xung phong quyết liệt, đã nhanh chóng chiếm gọn Chi khu Nhơn Trạch. Sáng 29-4-1975, Trung đoàn 46 được lệnh tiến công mục tiêu thành Tuy Hạ là kho chứa bom đạn và vũ khí lớn để dự trữ cho toàn miền Nam của địch. Để giải quyết nhanh mục tiêu này, mở đường thọc ra đánh chiếm căn cứ hải quân địch ở Cát Lái, chỉ huy sư đoàn đã điều thêm Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) cùng 4 xe tăng và 2 pháo bắn thẳng 85mm lên tăng cường cho lực lượng tấn công của Trung đoàn 46. Đến 18 giờ cùng ngày, căn cứ thành Tuy Hạ của địch bị tiêu diệt.

“Sau khi đánh chiếm xong thành Tuy Hạ, tôi và một đồng chí chỉ huy sư đoàn nhanh chóng chỉ huy Trung đoàn 46 và Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 101 thọc thẳng đến bến phà Cát Lái. Trước mặt chúng tôi lúc này là dòng sông rộng lớn, không có cầu. Nơi đây chỉ có hai chiếc phà nhưng địch đã đưa về bên kia bờ sông. Khoảng 20 giờ ngày 29-4-1975, toàn bộ sở chỉ huy của Sư đoàn 325 đã lên tới bến phà Cát Lái. Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 325 tiêu diệt căn cứ Cát Lái, đồng thời khóa chặt đường thủy, không cho địch rút chạy bằng đường sông ra biển Vũng Tàu” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy trao tặng sách do chính ông viết đến Câu lạc bộ "Giữ lửa truyền thống".

Sáng 30-4-1975, Sư đoàn 325 bắt đầu vượt sông tấn công các mục tiêu theo nhiệm vụ được giao. Sư đoàn cho một xe BAP chở một tiểu đội trinh sát vượt sông trước. Tuy nhiên, địch dùng hỏa lực ở bên kia sông bắn chặn và làm thủng xe. Cũng chính vì vậy địch bị lộ lực lượng, các điểm bố trí hỏa lực nên lập tức bị các loại pháo, súng máy của ta đã bố trí sẵn bắn tiêu diệt. Ngoài ra, để ngăn chặn quân ta vượt sông, địch còn cho tàu chiến ra chặn đường. Do quân ta đã bố trí các loại pháo và hỏa lực bắn thẳng từ sớm nên khi các loại tàu địch vào tầm bắn hiệu quả đã đồng loạt khai hỏa. Nhiều tàu của địch bị nhấn chìm tại chỗ nên chúng đã bỏ chạy về hướng sông Lòng Tàu và sông Đồng Nai.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, chính sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của lực lượng địa phương đã giúp Sư đoàn 325 vượt sông, đánh chiếm các mục tiêu đúng theo kế hoạch. Theo đó, khoảng 8 giờ ngày 30-4-1975, sau khi các tàu của địch tháo chạy, hàng trăm tàu thuyền do nhân dân địa phương cung cấp đã chở lực lượng của đơn vị nhanh chóng vượt sông, đánh chiếm các cụm địch ở ven sông và thọc vào đánh chiếm căn cứ Cát Lái. Sau khi đánh chiếm xong căn cứ Cát Lái, đơn vị nhanh chóng phát triển vào đánh chiếm quận 9, vượt sông qua bến phà Thủ Thiêm chiếm khu vực quận 4 và Tân Cảng. Lúc này, ông chỉ huy bộ đội đi theo hướng quận 4.

Ông nhớ lại: “Sau khi đánh chiếm xong khu vực quận 4, sau 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, tôi mới đi về hướng Dinh Độc Lập. Từ xa, nhìn thấy lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập cảm xúc như vỡ òa khôn tả. Dọc hai bên đường, nhân dân đã hòa mình vào dòng người mừng ngày thắng lợi. Nhân dân còn cho bộ đội nước uống, bánh, trái cây... Theo nhiệm vụ, đến 17 giờ ngày 30-4-1975, tôi cùng đội hình của Sư đoàn 325, Quân đoàn rút khỏi nội thành Sài Gòn-Gia Định”.

Dù cao tuổi nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy vẫn dành thời gian đọc sách, nhất là với sách về ký ức chiến trường.

TP Hồ Chí Minh hôm nay đã phát triển tươi đẹp, mái tóc xanh của người Phó tư lệnh Sư đoàn 325 gần nữa thế kỷ trước nay đã bạc màu sương. Trên hành trình chiến đấu, cống hiến đầy tự hào cho cách mạng và trải qua các cuộc kháng chiến, ông đều gìn giữ ký ức về những ngày tháng Tư rực lửa, đã ghi cột mốc cho đất nước sang trang: Thống nhất đất nước! Ký ức về những tháng năm rực lửa ấy mang giá trị vượt thời gian mà các thế hệ cần gìn giữ, trao truyền. “Ngày ngày đi trên những con đường lịch sử, càng hiểu thêm giá trị của những ngày tôi và các đồng đội đã chiến đấu” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy bày tỏ.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/ky-uc-nhung-ngay-thang-tu-lich-su-cua-thieu-tuong-nguyen-duc-huy-726713