Ký ức phi công lái máy bay siêu thanh đầu tiên

Ba, hai, một… Chiếc Concorde bay lên bầu trời, dần nâng độ cao sau đó bay vút với tốc độ siêu thanh đưa 100 hành khách vượt Đại Tây Dương.

Đó là một phần ký ức không thể nào quên của John Tye cùng nhiều phi công của Anh, Pháp trong quá trình vận hành chiếc Concorde, máy bay siêu thanh thương mại đầu tiên và thành công nhất, dù đến nay đã là 20 năm, kể từ khi “kỳ quan thứ 8” của thế giới phải dừng hoạt động.

Bay với tốc độ âm thanh

Khi còn sống, Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philippines từng sử dụng máy bay Concorde

Ngày 21/1/1976, John Tye khi đó còn là thiếu niên đứng giữa đám đông bám vào hàng rào háo hức xem chiếc máy bay siêu thanh Concorde thuộc sở hữu của hãng hàng không British Airways thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, cất cánh từ sân bay Heathrow, London.

Tye vô cùng phấn kích khi chứng kiến máy bay siêu thanh của tương lai bay vút trên nền trời và đánh dấu thời khắc lịch sử. Ít ai ngờ, 20 năm sau, chính anh lại được ngồi trong buồng lái chiếc máy bay thương mại, biến giấc mơ thuở niên thiếu thành hiện thực.

Tye vẫn nhớ như in những ngày tháng trải qua huấn luyện gian khổ, thực tập miệt mài với hệ thống giả lập cho đến khi được ngồi trong một chiếc máy bay siêu thanh thực thụ.

Tye cùng các phi công huấn luyện có mặt ở Seville, Tây Ban Nha vào một buổi chiều thứ Năm, khi hoàng hôn buông xuống, qua cửa kính cabin có thể nhìn thấy rõ mặt trời như quả cầu lửa đỏ rực ở phía cuối đường băng.

“Chúng tôi ổn định, bật công tắc và cảm nhận 4 động cơ Rolls-Royce Olympus bắt đầu rung chuyển. Tôi đồng bộ đồng hồ của mình với cơ trưởng và kỹ thuật viên, sau đó bắt đầu đếm ngược: “Ba, hai, một - cất cánh…”, anh kể.

Phi công John Tye bên cạnh chiếc Concorde

Chiếc Concorde bay lên bầu trời, dần nâng độ cao. “Đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của tôi”, phi công Tye chia sẻ.

Một phi công khác cũng thuộc đời đầu, lái Concorde là Jock Lowe. Anh nằm trong số những phi công đầu tiên của British Airways vận hành thử máy bay siêu thanh tại sân bay quân sự RAF Fairford, miền Tây Nam nước Anh. Cảm giác đầu tiên khi lái một chiếc máy bay bình thường rồi chuyển sang điều khiển Concorde với Lowe tương tự như khi chuyển từ điều khiển xe buýt sang xe đua thể thao Công thức 1.

Theo lời kể của phi công, ở thời điểm vừa cất cánh, Concorde chưa thể bay với tốc độ siêu thanh nên chỉ hoạt động ở tốc độ cận âm dù khi đó đã nhanh hơn Boeing 747.

“Khi đạt đủ điều kiện về không gian và thời gian, máy bay mới bắt đầu vượt tốc độ âm thanh. Cảm giác Concorde đạt tới tốc độ Mach 1 như khi lia con dao nóng qua bơ ấm - một cảm giác trượt rất êm và nhanh”, phi công Lowe vẫn nhớ như in.

Lúc này, phi công bắt đầu thông báo với hành khách: “Thưa toàn thể quý khách, chúng ta vừa đạt tới tốc độ âm thanh Mach 1. Chào mừng đến với thế giới của chuyến bay siêu thanh!”.

Với Tye, khi máy bay tăng gấp đôi tốc độ lên gần Mach 2, anh đã nhìn thấy độ cong của Trái Đất và bầu trời đen phía trên.

Ăn sáng ở London, ký hợp đồng ở New York

Máy bay Concorde có thể vận hành với tốc độ lên tới 2.450km/h

Tye và Lowe là số ít phi công trên thế giới có được trải nghiệm đáng nhớ trên. Chỉ có hơn 134 phi công điều khiển Concorde trong hơn 30 năm loại máy bay này được sử dụng.

Concorde được chế tạo từ những năm 60 của thế kỷ 20 với rất nhiều khó khăn, thách thức về kỹ thuật cũng như chi phí. British Airways và Air France là 2 hãng hàng không duy nhất vận hành loại máy bay đặc biệt này.

Máy bay thương mại siêu thanh Concorde có thể bay qua Đại Tây Dương chỉ trong chưa đầy 3,5 giờ, gấp đôi tốc độ âm thanh (Mach 2). Tuy nhiên, loại máy bay này rất nhỏ, chỉ đủ chỗ cho 100 hành khách mỗi chuyến bay và giá vé rất cao.

Điển hình như chặng London Heathrow - New York John F. Kennedy, vé khứ hồi giá 19.000 USD (ở tỷ giá hiện tại), đổi lại khách sẽ rút ngắn được khoảng 3 tiếng nếu bay bằng Concorde thay vì Boeing 747.

London - New York là một trong những đường bay quan trọng nhất thế giới khi kết nối hai kinh đô tài chính của toàn cầu. Trong 3 giờ đó, một chủ ngân hàng hay dầu mỏ có thể ăn sáng tại London, rồi hạ cánh ở New York để tiếp đối tác và chốt một hợp đồng hàng triệu USD.

Vì những yếu tố khó khăn về kỹ thuật, giá vé đắt đỏ nên trên những chuyến bay của Concorde trong suốt gần 30 năm hoạt động, cả phi công và hành khách gần như quen mặt nhau.

Các phi công nhớ lại, khoảng 20 phút sau khi máy bay cất cánh, phi hành đoàn bắt đầu phục vụ đồ ăn tới hành khách. Và tất nhiên, có rất nhiều khách quen, nhiều người là doanh nhân thường xuyên phải đi công tác xa, qua Đại Tây Dương.

Đội tiếp viên thậm chí còn có thể nhận ra những gương mặt quen, thuộc lòng đồ uống họ thích. Theo các phi công, đa phần hành khách sử dụng dịch vụ của Concorde thường là doanh nhân, 20% còn lại là những người giàu có, nổi tiếng và các nhân vật quan trọng.

Nói đến đây, Tye nhớ ngay tới kỷ niệm lần đầu tiên bước ra ngoài chào hành khách thì phát hiện ca sĩ, nhạc sĩ lừng danh Elton John đang ngồi ở ngay hàng ghế trên. Tye bất ngờ đến nỗi chỉ tương tác được đôi lời cùng Elton, ngoài ra không biết nói gì hơn. Từ lần đó, Tye chuẩn bị kỹ lưỡng vì biết chắc khi ra chào hành khách sẽ có một người nổi tiếng nào đó ngồi trong khoang.

Còn với phi công Lowe, anh đã có dịp được phục vụ cố Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Hoàng thân Philip từ Canada về Anh.

Tất cả những ký ức đó đã trở thành kỷ niệm đẹp khi loại máy bay này chính thức dừng vận hành vào tháng 11/2003.

Vì sao Concorde đi vào dĩ vãng?

Concorde là máy bay siêu thanh thương mại thành công nhất từng hoạt động, do Chính phủ Anh và Pháp thực hiện. Concorde bắt đầu bay thử lần đầu năm 1969 và được đưa vào phục vụ năm 1976, có thời gian hoạt động dài 27 năm.

Trong khoảng thời gian này, một máy bay Concorde đã gặp phải một vụ tai nạn nghiêm trọng khi cán phải mẩu kim loại trên đường băng lúc cất cánh, nổ lốp và mảnh cao su vụn bắn vào khoang nhiên liệu gây chập điện, vô hiệu hóa động cơ khiến máy bay rơi làm 113 người thiệt mạng. Hậu quả là Concorde bị ngừng bay một năm.

Sau đó là hàng loạt sự cố liên tiếp xảy ra với ngành hàng không và ảnh hưởng gián tiếp tới Concorde. Điển hình là vụ khủng bố 11/9 - một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không khi để lại hậu quả kéo dài suốt nhiều năm do hành khách không còn dám đi máy bay.

Trong lúc này, máy bay Concorde đã già cỗi, bị đánh giá là nguy hiểm với môi trường, có thể gây thủng tầng Ozone do bay quá cao và đặc biệt là kén khách, nhất là khi thị trường lao dốc. Cuối cùng, ngày 24/10/2003, Concorde thực hiện chuyến bay cuối cùng, khép lại thời huy hoàng của máy bay siêu thanh.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ky-uc-phi-cong-lai-may-bay-sieu-thanh-dau-tien-d591356.html