Ký ức từ một dáng đi

Ông nói ngay, rằng tôi nhớ chi nói nấy, mà thiệt ra tôi ở Hội An không nhiều đâu, nên biết không nhiều. Tôi dạ. Nhưng rồi vẫn nói, là giới… có chữ cho hay rằng hãy hỏi ông Tăng Xuyên ở Minh An, chắc còn nhớ nhiều thứ!

Một góc Hội An. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Màu... cũ

Anh Trương Vũ Quỳnh (con rể ông Tăng Xuyên) chọn góc cho tôi chụp ảnh ông và nói “nó giống màu…cũ”. Góc ngay trong quán cà phê ở Đà Nẵng chứ không phải phố Hội. Màu cũ sau lưng ông hay năm tháng đã lững lờ đi qua.

Người Minh Hương tuổi qua bát thập như ông, giờ đâu còn nhiều nữa. Mang tiếng là người Hoa, nhưng tổ tiên đã lập nghiệp ở Hội An đã 300 năm rồi.

Tất nhiên, nói như ông, thuở xa xưa đó, người Hoa đã hiển hách ở Hội An, được đặc ân của triều Nguyễn từ lập bang hội, bán buôn, quản lý bến tàu đến cư ngụ mà vòng cương tỏa của quan quân sở tại ít khi chạm được tới.

Minh Hương xã hồi đó là cơ quan hành chính ngang cấp huyện. “Năm 1945, cơ cấu chính quyền đó giải tán”, ông cắt ngang dòng hồi ức, đi kèm cái nhìn thẳng băng, nghiêm nghị “nói Minh Hương là chưa đủ, mà phải nói là cộng đồng Hội An”.

Đúng rồi, sắc màu của phố là sự cộng hưởng, cộng cảm, hòa trộn, tiếp biến một cách ngoạn mục màu-mùi-vị của hồn phố, mà nếu không, làm chi có chuyện vang danh sau này. Những người ở đó, nếu có khác chăng, là câu chuyện… màu tết của cư dân Việt và Hoa ở đây.

…Tôi nhớ hồi nớ con nít như tôi tết là được mặc quần áo đẹp, sơ mi quần tây, bên ngoài khoác áo bốn túi. Mùng Một tết, ông già tôi dâng trà rồi cúng một mâm đầy đủ như ngày giỗ. Mùng Hai cúng trà, mùng Ba lại cúng như mùng Một để đưa ông bà. Tới thời tôi, cúng mùng Ba lùi qua mùng Bốn, thoáng bớt đi.

Sáng mùng Một, bô lão trong phố xuống đình làm lễ giỗ ông bà chung, sau đó mới đi thắp hương nhà thờ tộc họ. Ở nhà riêng, ông già tôi cúng thì mặc áo dài bông xanh, đi giày hạ, khăn đóng, tất trắng.

Y trang phục đó cùng một cái dù đen, thong thả đi cúng nhà thờ, sau đó ông và mọi người mới đi thăm người cao tuổi trong phố. Hồi đó chơi vui, cũng múa lân, đánh bầu cua, các trò chơi dân gian, được lì xì. Ra Giêng, Tết Nguyên tiêu có chơi xô cộ trong đình làng Hội An… Giọng ông Tăng Xuyên đều đều theo đoạn hồi ức.

Một nếp sống...

Sách về văn hóa lễ hội ở Hội An, đầy ra đó, nhưng tiếng nói quá khứ xa xôi từ một người còn sống như ông, giờ đâu còn nhiều nữa. “Ba so tết hồi đó với sau này, thế nào?” - anh Trương Vũ Quỳnh hỏi. “Mất gần hết, nó bị đứt đoạn” - ông nói. “Nhưng hồi đó khó khăn, sau này làm ăn giàu có lên cũng không còn à?”. “Ừ, nó không được chuyển tiếp”.

“Sau 1975, còn không bác?”, tôi hỏi. “Còn, nhưng chỉ mình ông già tôi. Duy nhất ổng không bỏ nếp cũ, ăn mặc y như hồi đó, mùng Một tết cúng ở nhà xong là ông đi, không bỏ qua quy trình nào hết. Ông là giáo viên nên kỹ lưỡng. Ông đi đến khi không đi được nữa và mất năm 1998”.

Không được chuyển tiếp hay là sự đứt gãy vĩnh viễn của một mỹ tục, tập tục đẹp. Tôi hình dung, một đoàn kỳ lão khăn đóng áo dài đi giày, những cái dù đen nhấp nhô góc phố hẹp như một đám rước mà không có kèn trống.

Họ đi, lặng lẽ thành kính, dáng dệt thành một vệt khói xanh pha đen trong rạo rực giai điệu “Xuân và tuổi trẻ” rộn ràng phố. Một thước phim đẹp hiện diện thuở tao loạn mà “trăm năm vẫn giữ nếp nhà”.

Cốt cách văn hóa không sinh ra từ chữ nghĩa mà là thái độ. Những người đó, phải chăng đã tạo tạc hồn phố cho cháu con sau này, dù chỉ còn một mảnh cô lẻ như ông già của ông Tăng Xuyên, để vàng son không lụi tàn trên màu rêu cũ, còn thời gian có bội phản hay không tùy vào lớp người đi sau.

Tất nhiên, lứa như ông Tăng Xuyên sau này, muốn làm lại cũng không được, để bây giờ ông kể giọng bình thản, nhưng tôi đọc trong ánh mắt người già một vầng mây xanh ao ước đã khô. Thế hệ đó, để lại cho ngày sau không phải là nhà cửa, là di sản này nọ, mà là một nếp sống, cái này mới là quyết định giữ cho những chân cột không bị mối mọt nghiền nát.

Người ta sẽ còn nói nhiều, sẽ lần giở nhiều lần những dòng cổ sử của Hội An phố thị một thời để… thị phạm cho hôm nay. Đây là điều chẳng dễ, bởi nó cần phải từ máu thịt chứ không phải diễn xướng. Tôi ngó ông qua ống kính. Một bức tĩnh vật rực vàng, y như phố một ngày cũ có thật chứ không phải là mơ…

NAM KHANG

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/ky-uc-tu-mot-dang-di-3129842.html