Ký ức về những ngày tháng tư rực lửa

Ông Phú đang trao đổi công việc với bà Hồ Thị Hồng Cửu, Chủ tịch Hội TNXP TP Tuy Hòa. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. 46 năm đã trôi qua nhưng thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của cựu tù chính trị yêu nước, cựu bộ đội Trường Sơn, cựu thanh niên xung phong (TNXP).

Ông Hướng (phải) cùng đồng đội tại Hà Nội năm 1976. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông Hướng (phải) cùng đồng đội tại Hà Nội năm 1976. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày lịch sử không quên

Ông Nguyễn Xuân Hướng (khu phố 4, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) là người đã lái xe chở bộ đội từ Quảng Trị vào miền Nam giải phóng Sài Gòn. Ông Hướng cho biết, tháng 2/1972, khi vừa tròn 18 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ và được phân vào Đoàn 22, Quân khu 4. 3 tháng sau, ông được đưa đi học khóa lái xe rồi về phục vụ tại đơn vị C4 Trung đoàn 26. Sau đó, ông cùng đơn vị lên đường đi B, đến tháng 12/1972 có mặt tại Bù Đăng (Bình Phước). Khi vừa đến nơi, ông Hướng nhận nhiệm vụ ra Kon Tum chở vũ khí chi viện chiến trường miền Nam.

“Năm 1973, tôi cùng 3 người nữa chở hàng từ Kon Tum vào Bù Đăng, khi đến đoạn ngã ba Đức Cơ địch phát hiện bắn cháy cả xe hàng, chúng tôi thoát ra được nên không ai bị thương. Trong gần 2 năm, tôi bị địch bắn cháy xe hàng tới 4 lần”, ông Phú kể.

Tháng 7/1974, ông được điều ra Quảng Trị phân vào Sư đoàn 571, Trung đoàn 526 Bộ đội Trường Sơn. Tháng 3/1975, ông chở bộ đội cùng đơn vị vào miền Nam giải phóng Sài Gòn. Xe đến Đồng Xoài (Bình Phước) thì dừng lại, vì trận đánh ở Xuân Lộc đang diễn ra rất ác liệt. Sau đó, ông tiếp tục quay ra Quảng Trị chở bộ đội vào, đến nơi thì Sài Gòn đã được giải phóng.“Chuyến xe lần hai chở bộ đội đến Sài Gòn đúng ngày giải phóng 30/4. Anh em bộ đội vui mừng hô vang “Sài Gòn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, cùng nhau hát vang những bài ca chiến thắng. Cảm xúc lúc ấy với tôi thật không có gì diễn tả hết. Người dân hân hoan đứng hai bên đường đón chào đoàn quân chiến thắng; một số người dắt díu nhau đón xe về quê…”, ông Hướng nhớ lại.

Còn cựu TNXP Nguyễn Văn Phú (phường 3, TP Tuy Hòa), mỗi khi nhắc đến những ngày tháng tư lịch sử, đôi mắt ông lại sáng lên niềm tự hào của người lính được góp một phần công sức vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Ông Phú chia sẻ: “Vào năm 1971, thoát ly ra vùng giải phóng, tôi được phân công ở Ban hành lang của huyện Tuy An đóng ở xã An Lĩnh, làm nhiệm vụ vận tải súng đạn, hàng hóa. Năm 1974, sau khi học lái xe tại Trà Ka (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam), tôi được nhận 1 chiếc xe mới lái về bổ sung vào đội xe của TNXP, chở vũ khí phục vụ chiến trường Phú Yên. Khi Phú Yên hoàn toàn giải phóng, chúng tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam”. Ông Phú nhớ lại: “Tôi cùng anh em đội xe lên đoạn A4 Đắk Lắk bốc hàng rồi vượt đường 14 xuống Trạm B18 giao hàng rồi lại đi tiếp. Sau đó, tôi cùng anh em bốc hàng từ Trạm B18 xuống sông Năng qua sông Ba xuống Phú Yên giao cho đội quân khác vận chuyển vào miền Nam. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng là lúc chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”.

“Tuy không có mặt ở Sài Gòn chứng kiến giờ khắc 30/4 lịch sử ấy, nhưng tôi cũng như tất cả đồng bào miền Trung, miền Bắc đều hướng về miền Nam cùng vỡ òa trước niềm vui của ngày đại thắng”, ông Phú bộc bạch.

Cựu tù chính trị Côn Đảo Nguyễn Bá Linh (phường 8, TP Tuy Hòa) tham gia cách mạng năm 1949, làm ủy viên Thanh niên Xã đoàn Hòa Đồng. Sau đó, ông được đưa đi học lớp kế toán ở tỉnh rồi về làm việc cho Ban Kinh tài chi bộ xã kiêm Tổ trưởng Tổ Đảng ở thôn Phú Phong, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa ngày nay). Trong Chiến dịch Át-lăng 1954, ông được phân công làm ủy viên ban chống càn xã tham gia đánh trận Tuy Bình. Đến tháng 10/1955, ông Linh bị địch nghi ngờ bắt giam ở xã và nằm trong danh sách 36 người địch sẽ thủ tiêu, nhưng vì xảy ra mâu thuẫn nội bộ nên chúng hoãn lại. Sau đó, ông được thả về nhưng dưới sự quản thúc của địch. Qua 1 năm rưỡi bị quản thúc, ông được tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng ở địa phương. Sau đó, ông bị địch bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Bình Dương), chuyển qua nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa), nhà lao Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), nhà lao Chí Hòa... Đầu năm 1961, ông bị đày ra Côn Đảo giam ở Trại 1 và được anh em trong tù bầu làm “mâm trưởng”. Suốt 15 năm trong tù, ông liên tục bị đánh đập vì luôn đứng ra đấu tranh đòi quyền nhân sinh cho các anh em tù binh ở trại mình.

Ông Linh nhớ lại: “Khoảng 22 giờ ngày 30/4, khi nghe tin Sài Gòn giải phóng từ đại úy ngụy Kiều Văn Dậu báo ở xà lim khu H, Trại 7, tôi cùng anh em ở Trại 1 vui sướng đến bàng hoàng. Đó là thời khắc mà những người tù Côn Đảo chúng tôi biết mình còn sống trở về. Không khí ở Trại 1 khác hẳn mọi khi, tất cả cùng hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Đảng Cộng sản muôn năm! Miền Nam hoàn toàn giải phóng!”. Sáng 1/5, các cửa phòng giam được mở, tôi được phân công cùng đồng chí Phùng đi thông báo cho các trại khác nhưng chân tôi bị bại nên chỉ mỗi đồng chí Phùng đi”.

Cựu chiến binh Huỳnh Thị Thanh Vân quê ở Phước Hậu 1, Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tham gia cách mạng tháng 4/1969 ở địa phương. Năm 1972, bà bị địch bắt giam ở Ty Cảnh sát TX Tuy Hòa rồi chuyển vào Quân lao Nha Trang (Khánh Hòa). Đến đầu năm 1973, địch chuyển bà ra Côn Đảo giam ở phòng 11, Trại 2. 1 năm sau, bà được đưa vào đất liền giam ở nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa). Bà Vân nhớ lại: “Từ ngày 29/4, các anh, các chú cán bộ chủ chốt bám sát, nghe đài, nắm tình hình bên ngoài. Khi nghe tin Sài Gòn giải phóng thì các anh, các chú đã lãnh đạo đập phá nhà lao, mở cửa các trại giam. Tôi và tất cả tù binh khi ấy ai nấy đều vui mừng như đàn chim được xổ lồng. Sau đó, tất cả chúng tôi được Ban Quân quản Gia Kiệm, Long Khánh, Đồng Nai tiếp quản”.

Bà Huỳnh Thị Thanh Vân (phía sau) tại Bình Thuận năm 2014. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bà Huỳnh Thị Thanh Vân (phía sau) tại Bình Thuận năm 2014. Ảnh do nhân vật cung cấp

Mãi mãi tự hào

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, các ông bà Nguyễn Xuân Hướng, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Bá Linh, Huỳnh Thị Thanh Vân không ngừng cống hiến hết mình cho sự phát triển ở địa phương. Ông Hướng được đi học sĩ quan tại Trường Sĩ quan Hậu cần Hà Nội rồi về công tác tại Cục Vận tải - Tổng cục Hậu cần. Đến năm 1982, ông về công tác tại UBND TX Tuy Hòa, cho đến năm 2004 thì nghỉ chế độ. Khi về địa phương, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Cựu chiến binh, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Phó Ban Bảo vệ dân số khu phố 4, Phó Chi hội trưởng Trường Sơn phường Phú Lâm…

Còn ông Phú công tác tại Đội Vận tải Phú Yên, Công ty Vận tải hàng hóa Phú Khánh đến khi tách tỉnh.

Sau khi giải phóng Côn Đảo, ông Linh được bầu làm Trưởng đoàn tù chính trị Phú Yên trở về đất liền. Sau đó, ông làm kế toán tại Công ty Vật tư Phú Yên, Giám đốc Công ty Vật tư Diên Khánh (Phú Khánh) cho đến 1986 nghỉ hưu.

Từ Long Khánh, Đồng Nai trở về địa phương, bà Vân làm y tá tại TX Tuy Hòa đến năm 1995 nghỉ hưu. Về địa phương, bà được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ, Khu phố trưởng Phước Hậu 1 và đến năm 2004 nghỉ hẳn.

Giờ đây, tất cả họ đã ở tuổi xế chiều, được sống cuộc sống an yên bên con cháu. Hàng ngày, nhìn thấy sự đổi thay của quê hương, họ luôn tự hào vì đã đóng góp, dù nhỏ bé cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/255059/ky-uc-ve-nhung-ngay-thang-tu-ruc-lua.html