Ký ức xanh

Nông Ngọc Cận sinh năm 1928 tại thôn Đoỏng Khọt( nay là thôn Bản Chang) xã Chi Lăng, huyện Tràng Định. Sinh ra trên vùng quê giàu truyền thống yêu nước, chàng trai Nông Ngọc Cận sớm được giác ngộ cách mạng từ khi còn rất trẻ. Bước vào tuổi mười sáu, Nông Ngọc Cận tham gia hoạt động Việt Minh. Là một thanh niên dân tộc Tày thông minh, nhanh nhẹn và tâm huyết với công việc, ông từng đảm nhiệm vai trò là Trưởng Đặc khu, Ban Đặc vụ tỉnh Lạng Sơn.

Đại tá Nông Ngọc Cận, nguyên Phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn (7/1981 – 12/1986)

Đại tá Nông Ngọc Cận, nguyên Phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn (7/1981 – 12/1986)

Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nông Ngọc Cận đã cùng cán bộ Việt Minh của huyện vận động Nhân dân “Tiêu thổ kháng chiến”(Nhân dân tự phá các phương tiện trọng yếu như: nhà cửa, đường giao thông, cầu cống…) để khống chế việc quân địch di chuyển quân và sử dụng nhà cửa để đóng quân. Đây cũng là biện pháp khống chế khi quân giặc có ý đồ tiến công mạnh. Đồng thời, ông đã cùng cán bộ Việt Minh thúc đẩy việc tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân tản cư và tiếp cư khi có chiến sự xảy ra, góp phần tích cực cho ủy ban kháng chiến thời kỳ này làm tốt việc xây dựng lực lượng vũ trang ở Lạng Sơn.

Trong quá trình hoạt động Việt Minh, ông đã nỗ lực cùng tổ chức kiên trì bám sát cơ sở quần chúng lao động và nhiệm vụ cách mạng của Đảng Cộng sản nói chung, Đảng bộ tỉnh nói riêng để phát động, tổ chức quần chúng vào các hội cứu quốc như: Hội Nông dân cứu quốc; Hội Phụ nữ cứu quốc; Hội Thanh niên cứu quốc…Thông qua các hội cứu quốc tuyên truyền giác ngộ, phát động xây dựng lực lượng vũ trang. Qua đó, đã tạo thành sức mạnh tổng hợp về chính trị và vũ trang cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh.

Nông Ngọc Cận được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1954, trong cả cuộc đời binh nghiệp, ông hưởng cấp bậc cao nhất là đại tá và từng đảm nhiệm các chức vụ:Trung đội trưởng; Đại đội phó; Đại đội trưởng trinh sát – Đại đội 13, Trung Đoàn 608 miền Đông Nam bộ; Phó ban trinh sát sư đoàn 7; Trung đoàn trưởng trung đoàn 207 ở Cam – Pu – Chia; Tham mưu phó Đoàn 500 quân khu 7.Từ tháng 9 năm 1978 đến tháng 6 năm 1981 ông làm tham mưu trưởng sư đoàn 327, Quân đoàn 14, Quân khu I; Từ tháng 7/1981 đến tháng12/1986, ông giữ chức Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn. Năm 1987, Đại tá Nông Ngọc Cận nghỉ hưu và sinh sống tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Tháng 9/2006 ông qua đời.

Thời kỳ này, hoạt động Việt Minh còn có vai trò vận động, khích lệ Nhân dân tích cực lao động sản xuất, tham gia các lớp bình dân học vụ, góp phần tích cực vào việc “Xóa giặc đói – diệt giặc dốt” vì “Giặc đói và giặc dốt là đồng minh của giặc ngoại xâm”. Cùng với các phong trào trên, hoạt động Việt Minh còn tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng quỹ đảm phụ quốc phòng, đóng thuế nông nghiệp, tổ chức hợp tác xã mua bán… góp phần thực hiện có hiệu quả chỉ thị kháng chiến – kiến quốc của Trung ương Đảng và các nhiệm vụ của Tỉnh ủy đề ra trong thời kỳ này.

Sau bốn năm tham gia hoạt động Việt Minh, ngày 1/1/1948, chàng trai Nông Ngọc Cận ở tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ hăng hái lên đường ra mặt trận.

Với bốn năm hoạt động Việt Minh, 38 năm hoạt động trong lực lượng vũ trang, 52 tuổi Đảng, Đại tá Nông Ngọc Cận đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau biết bao sự kính trọng, nể phục về bề dày công tác. Hình ảnh một chiến sỹ cộng sản can trường, thông minh, sáng tạo và dũng cảm trên các mặt trận nóng bỏng chống quân xâm lược, người chỉ huy mưu lược trong các trận đánh, lập công xuất sắc.

Với đức tính khiêm nhường, sự hy sinh thầm lặng, cống hiến sức lực, tài năng trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của quê hương, đất nước, ông đã góp phần tích cực vào chiến công rực rỡ của quân và dân Lạng Sơn nói riêng, cả nước nói chung trong chiến thắng đường số 4 rực lửa anh hùng; chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”; Mùa xuân đại thắng 1975 – thống nhất đất nước, cùng chiến thắng vang dội bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

*

Ngày Đại tá Nông Ngọc Cận rời xa cõi tạm, Lý Tư (một đồng đội cũ) đứng trước ngôi mộ trên triền đồi với nỗi niềm rưng rưng, gió thu man mác, thoang thoảng mùi hoa tươi. Anh nhặt mấy hòn đất đỏ màu ba zan đặt lên phần mộ của người trung đoàn trưởng, hương trầm lan trong gió quyện hương rừng khiến lòng anh thêm trĩu nặng. Trong sâu thẳm tâm hồn, cố đại tá, nguyên trung đoàn trưởng 207 (E207 – Quân khu 8) không chỉ là người chỉ huy tài ba, đức độ mà còn là người cha thứ hai của anh trên những nẻo đường hành quân và trong những ngày tháng nơi chiến trường gian nan, khốc liệt. Lý Tư gặp Đại tá Nông Ngọc Cận tính đến ngày ông đi xa đã 36 năm. Đó là năm 1970, từ miền biên cương Xứ Lạng anh cùng bạn bè lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Năm đó, đơn vị trinh sát của Lý Tư được tăng cường cho trung đoàn bộ binh E 207- Quân khu 8 đánh địch ở Công Thơm, Công Pông Chàm (Cam – pu – chia) và Đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó ông Nông Ngọc Cận là quyền trung đoàn trưởng. Trong chiến tranh, người lính mới khó có dịp được gặp trực tiếp cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn. Chỉ là tình cờ hôm “ra mắt” tại trung đoàn, sau khi làm thủ tục tiếp nhận quân số mới, có lẽ linh tính mách bảo, bỗng quyền trung đoàn trưởng Nông Ngọc Cận “phát sóng ngắn”, bằng tiếng địa phương” Mì ò tâừ dú Lạng Sơn mí” (có cậu nào ở Lạng Sơn không?) có hai cánh tay giơ lên “Mì sloong ò noọng” (có hai chúng em) hai chiến sỹ Lý Tư và Nông Minh đồng thanh trả lời. Lời hai chiến sỹ vừa dứt, người chỉ huy đã nhào tới ôm chầm lấy hai đồng hương làm cả đơn vị ngỡ ngàng. Rồi ông nói “Ký ò lầu dú piên chái cụng mà thâng nẩy giá” (mấy anh em ở biên giới cũng về đến đây rồi). Sau một hồi hàn huyên, như sực nhớ ra ông đưa cho Lý Tư một chiếc bi đông và bảo “Tôi có hai chiếc, cậu cầm lấy mà dùng, đây là chiến lợi phẩm đấy…”. Chiếc bi đông hình bầu dục có nắp xoáy, làm bằng nguyên liệu nhôm dẻo nên rất nhẹ đã song hành cùng Lý Tư trên các chặng đường trinh sát đầy gian truân, khốc liệt.

Từ khi gặp hai người đồng hương nơi chiến trường, nét mặt người trung đoàn trưởng ngời lên bao nỗi niềm. Nông Ngọc Cận chia sẻ cặn kẽ cho các chiến sỹ trẻ những kinh nghiệm tiếp cận mục tiêu, các phương án tác chiến táo bạo, để hoạt động trinh sát luôn là nòng cốt cho bộ đội trong các trận đánh lớn. Từ ngày biết Lý Tư và Nông Minh cùng quê, thi thoảng Nông Ngọc Cận lại lui tới Đại đội trinh sát, hỏi thăm từng câu chuyện nhỏ nơi chiến trường, Lý Tư càng thêm kính trọng.

Cuộc chiến đấu ngày càng diễn ra quyết liệt. Đơn vị của Lý Tư được lệnh tách khỏi trung đoàn, thọc sâu vào vùng địch hậu. Từ đó, anh không có dịp gặp ông Nông Ngọc Cận nữa. Khi chiến tranh kết thúc, anh ra quân trở về quê hương, Lý Tư dành thời gian tìm gặp đồng đội để hỏi thăm về người Trung đoàn trưởng năm xưa – Nông Ngọc Cận và được biết ông đã chuyển vùng.

Rồi niềm vui đến thật bất ngờ, cuộc hội ngộ mừng ngày truyền thống lần thứ năm của đơn vị cũ vào ngày 30/4/2006 được tổ chức tại nhà riêng của Đại tá Nông Ngọc Cận đã để lại cho Lý Tư và đồng đội những ấn tượng sâu sắc. Sáng hôm ấy, trời se se lạnh, màn sương mỏng bồng bềnh trên lưng núi rồi tan dần khi bình minh thức dậy. Cây nhãn trước sân nhà Đại tá Nông Ngọc Cận – nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 207 – Quân khu 8 đang nở những chùm hoa li ti, hương thơm ngan ngát lan tỏa, hòa quyện cùng hương sắc các loài hoa tươi chào đón cựu chiến binh từ mọi miền Tổ quốc về dự gặp mặt đồng đội tại Lạng Sơn đong đầy cảm xúc.

Bắt đầu từ 8 giờ sáng đã xuất hiện bao gương mặt rạng rỡ của các cựu chiến binh một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ ôm vai, bá cổ, siết chặt bàn tay hỏi thăm sức khỏe, ôn lại chuyện xưa và chuyện khi về với đời thường…

Mở đầu cho buổi gặp mặt, là phút tưởng niệm xúc động tới hương hồn các đồng đội đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Ông Nông Ngọc Cận nghẹn ngào trong lời phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt, bao cảm xúc dâng trào khiến mọi người rưng rưng lệ khi nhắc đến những đồng đội đã mãi mãi không trở về… rồi bức tranh toàn cảnh của trung đoàn năm xưa dần mở ra, những trận đánh đầy cam go, khốc liệt trên các mặt trận nóng bỏng như tái hiện, từ Công Pông Thơm, Công Pông Chàm (Cam – pu – chia) đến đồng bằng sông Cửu Long, các địa danh này đã in đậm dấu chân và biết bao chiến công oanh liệt của Trung đoàn.

Tiếp đó là những lời tâm sự mộc mạc, chân thành của các cựu chiến binh và thân nhân các gia đình thương binh liệt sỹ của trung đoàn năm xưa. Trong không khí thân mật, ấm nồng tình đồng đội.

Đại tá Nông Ngọc Cận tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rồi về làm phó chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh lạng Sơn đến lúc nghỉ hưu. Khi có chủ trương thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh Lạng Sơn, ông đã cùng một số đồng chí nguyên là cán bộ cao cấp trong quân đội như Đại tá Bế Chu Lang, Đại tá Đoàn Độ đã dày công tìm hiểu, rà soát số liệu cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cựu quân nhân tham gia bảo vệ biên giới phía Tây Nam, phía Bắc. Ông đã đóng góp tích cực vào việc xúc tiến các bước cụ thể, sát thực tiễn để cùng Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh tỉnh tiến tới Đại hội Hội Cựu chiến binh khóa I (1992 – 1997) là tiền đề cho các hoạt động nhân rộng tổ chức hội ra địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, đã góp phần khơi dậy tiềm năng trong lực lượng cựu chiến binh, tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ cho gia đình và xã hội.

Đại tá Nông Ngọc Cận đã ra đi về cõi vĩnh hằng, ông để lại cho đời những tác phẩm sâu sắc về chiến trường sôi động, trên các mặt trận chống Pháp và chống Mỹ oanh liệt của dân tộc Việt Nam nói chung, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Trong đó, có các tác phẩm “Thất Khê – Tràng Định chiến trường trên đường số 4 anh hùng” (Nông Ngọc Cận – in trên bản tin văn hóa thông tin tỉnh Lạng Sơn, số 4 năm 2002); “Nhớ về phong trào Việt Minh và cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám” (Hồi ức Nông Ngọc Cận – in trên bản tin văn hóa thông tin tỉnh Lạng Sơn, số 8 năm 2002).

Với 52 năm tuổi Đảng, Đại tá Nông Ngọc Cận, người cộng sản kiên trung của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã không ngừng tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, dành trọn một đời để cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, cho quê hương, đất nước. Tất cả những tình cảm thiêng liêng mà đồng đội đã dành cho ông trong cuộc hành trình sống, chiến đấu, và cả khi ông thanh thản “ra đi” là điều vô giá chẳng mấy ai có được.

NGUYỄN BÍCH THUẬN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/590069-ky-uc-xanh.html