Kỳ VIII: Hiệp định 1980 - thời kỳ mới của hợp tác Việt - Xô

Ngày 17-12-1979, Tổng Bí thư Lê Duẩn đưa ra lời đề nghị chính thức với Tổng Bí thư L. I. Brezhnev về việc Việt Nam mong muốn Liên Xô giúp đỡ xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và khai thác mỏ dầu khí trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Vào ngày 4-3-1980, Tổng Bí thư L. I. Brezhnev đã đáp lại lời yêu cầu của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Đúng ngày hôm ấy, 4-3-1980, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã ban hành nghị định về việc gửi một nhóm chuyên gia từ Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô, Ủy ban Nhà nước về quan hệ kinh tế, Bộ Công nghiệp đóng tàu Liên Xô, do Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô Y. V. Zaitsev dẫn đầu, đến miền Nam Việt Nam.

Lễ ký Hiệp định liên chính phủ về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam - Mátxcơva, Điện Kremlin, ngày 3-7-1980 (Tư liệu của Phòng Truyền thống Petrovietnam)

Các đại diện của Liên Xô do ông Y. V. Zaitsev dẫn đầu đã đến Việt Nam nhiều lần để làm việc. Trong số đó có các nhà địa chất, nhà thiết kế và kỹ sư thủy lực nổi tiếng: O. O. Sheremeta, I. P. Zhabrev, G. P. Ovanesov, M. S. Skovorodkin, G. Z. Haskin, S. D. Mzareulyan, G. N. Belyanin và các những chuyên gia khác.

Tham gia tích cực từ phía Việt Nam là Phó Thủ tướng Trần Quỳnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế, lãnh đạo Công ty Technoimport Trần Hữu Lạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Phan Tử Quang, nhà địa chất Ngô Thường San. Họ cũng đến Mátxcơva không chỉ một lần.

Vào giữa tháng 4-1980, ý tưởng thành lập một liên doanh Việt - Xô trên cơ sở bình đẳng và hỗ trợ vốn vay cho phía Việt Nam đã chính thức được công bố.

Ngày 17- 4 - 1980, trong cuộc gặp gỡ với ông Y. V. Zaitsev và các chuyên gia, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu rằng: “Với mục tiêu nhanh chóng tiến hành phát triển các mỏ dầu trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam, phía Việt Nam sẵn sàng tạm dừng khởi công xây dựng các công trình quốc gia khác để tập trung lực lượng vào vấn đề chính này”.

Vào ngày 29-4-1980, Hội đồng tư vấn của Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô do ông S. A. Orudzhev chủ trì đã nghe báo cáo của ông Y. V. Zaitsev. Viện Gipromorneftegaz của Baku được giao nhiệm vụ soạn thảo một “Nghiên cứu khả thi về tổ chức khai thác dầu và khí trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam cho đến năm 1990” (gọi tắt là TEO-1980). Cơ sở của bản nghiên cứu khả thi này là bản báo cáo của các nhà địa chất Việt Nam do ông Ngô Thường San làm chủ biên.

Trong giai đoạn chuẩn bị hợp đồng đã có một số đoàn sang Baku làm quen với việc khai thác dầu ngoài khơi, đứng đầu là ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước và ông Đinh Đức Thiện - Bộ trưởng phụ trách công tác dầu khí. Ngoài các chuyến tham quan, đoàn đã tham gia các cuộc thảo luận về Luận chứng kinh tế kỹ thuật năm 1980 (LCKTKT-1980), bản luận chứng đã được Ủy ban Xây dựng Nhà nước và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô thẩm định và chấp thuận, được Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô thông qua ngày 8- 8- 1980 và sau đó chuyển giao cho phía Việt Nam phê chuẩn.

Theo LCKTKT-1980, vào năm 1990, trữ lượng dầu thu hồi trong khu vực này là 220 triệu tấn, khí đốt là 22 tỉ m3, sản lượng dầu khai thác hàng năm là 7,53 triệu tấn và khí đốt là 0,76 tỉ m3. Để bảo đảm mức này, kế hoạch đề ra khoan 31 giếng thăm dò và 295 giếng khai thác, xây dựng 29 giàn khai thác ngoài khơi và 7 giàn công nghệ. Chiều sâu trung bình của các giếng thăm dò dự kiến là 3 .250m, giếng vận hành 2 .804m. Tổng vốn đầu tư xác định khoảng 2,22 tỉ rúp (hơn 3,4 tỉ USD), trong đó đầu tư vào các công trình xây dựng và lắp đặt là 541 triệu rúp, giá thành sản xuất ra 1 tấn dầu được xác định là 32,44 rúp.

Theo tài liệu chuẩn bị cung cấp cho Ủy ban Nhà nước về kinh tế đối ngoại Liên Xô, “các tính toán liên quan đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao, kể cả đối với nền kinh tế quốc dân của Liên Xô lẫn quan hệ hợp tác trong thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam… Hướng hợp tác này được phía Liên Xô đánh giá là nguồn thu ngoại tệ duy nhất có triển vọng để giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội ưu tiên của Việt Nam”.

Các bộ ngành Liên Xô triển khai chuẩn bị những tài liệu cần thiết một cách tích cực. Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã đưa ra những chỉ thị liên quan cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Công nghiệp Khí đốt và Ủy ban Nhà nước về kinh tế đối ngoại. Trên cơ sở ý kiến đề xuất của các cơ quan này, ngày 27- 6- 1980, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã quyết định ký kết với phía Việt Nam hiệp định nguyên tắc về hợp tác thông qua việc thành lập xí nghiệp liên doanh. Đoàn Chủ tịch ủng hộ bản dự thảo thỏa thuận do các đồng chí I. V. Arkhipov và N. K. Baibakov đệ trình và ngày 30-6, dự thảo đã được chuyển cho đồng chí Trần Quỳnh để đại diện Chính phủ Việt Nam thảo luận.

Ngày 3-7-1980, tại Điện Kremlin, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư L. I. Brezhnev và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A. N. Kosygin phía Liên Xô, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng phía Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước của hai nước là N. K. Baibakov và Nguyễn Lam đã ký Hiệp định về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Đây là một thỏa thuận khung, xác định quan điểm nguyên tắc của hai nước.

Theo các điều khoản của hiệp định, tới cuối năm 1980, phía Liên Xô phải đưa ra các dự thảo hiệp định về việc thành lập một xí nghiệp liên doanh và điều lệ của tổ chức này. Ngày 31-12-1980, những văn bản này, sau khi được thỏa thuận với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Nhà nước về kinh tế đối ngoại và Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô, đã được trình lên Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, gồm một loạt các biện pháp ưu tiên nhằm thúc đẩy việc khai thác thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

Từ đó, các tàu nghiên cứu khoa học Poisk, Iskatel, Gambursev, Malưgin, Experiment-2 (Liên Xô) đã thực hiện khảo sát từ, trọng lực, địa chấn với mạng lưới khu vực, phủ toàn thềm lục địa Việt Nam từ vịnh Thái Lan đến vịnh Bắc Bộ, nhằm nghiên cứu cấu trúc và đánh giá tiềm năng các bể trầm tích Đệ Tam Việt Nam.

Ngày 19-6-1981, trong dinh thự sang trọng của doanh nhân thời cũ Morozov, nhà số 17 phố Alexey Tolstoy, mọi người đang chờ đợi khách. Khoảng 1 giờ chiều, chiếc xe ôtô “Chaika” tiến vào sân, các quan chức Việt Nam bước ra. Lễ ký kết Hiệp định giữa Chính phủ LBCHXHCN Xôviết và Chính phủ CHXHCN Việt Nam về việc thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô (Vietsovpetro) tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam CHXHCN Việt Nam và phụ lục hiệp định là điều lệ của xí nghiệp liên doanh mới đã bắt đầu như thế.

Đặt bút ký văn kiện này là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Phân ban Liên Xô trong Ủy ban Liên chính phủ Liên Xô - Việt Nam về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật K. F. Katushev và Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên chính phủ Trần Quỳnh.

Ngày 3-7-1980, tại Điện Kremlin, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư L. I. Brezhnev và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A. N. Kosygin phía Liên Xô, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng phía Việt Nam,t Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước của hai nước là N. K. Baibakov và Nguyễn Lam đã ký Hiệp định về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngân Hà

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ky-viii-hiep-dinh-1980-thoi-ky-moi-cua-hop-tac-viet-xo-540803.html