Kỳ vọng chuyển biến tích cực ở những vấn đề khó

107 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ là số lượng đại biểu đăng ký chất vấn lớn nhất từ trước đến nay. Phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà được đa số cử tri đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm trước những vấn đề khó, nhạy cảm như: Giải pháp để việc đánh giá cán bộ, công chức đi vào thực chất; giải quyết những bất cập, khó khăn trong sắp xếp các đơn vị hành chính; chủ trương khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm được thực hiện sâu rộng trên thực tế; tinh giản biên chế… Đông đảo cử tri và Nhân dân theo dõi phiên họp kỳ vọng, những giải pháp Bộ trưởng đặt ra sớm được thực hiện để tạo chuyển biến tích cực trên thực tế.

Sớm sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP

Một trong số những vấn đề “nóng” được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm xung quanh câu hỏi giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp. Đa số cử tri hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc sẽ sớm xem xét, tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Tình trạng thiếu công chức chuyên môn và công chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ xảy ra ở khá nhiều địa phương, đặc biệt không chỉ xảy ra ở các địa phương vùng sâu, vùng xa mà còn ở vùng đồng bằng, đô thị, nhất là các lĩnh vực thiết yếu như địa chính - xây dựng. Từ khi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có hiệu lực thi hành, việc bồi dưỡng cho những người tham gia hoạt động tại các thôn, tổ dân phố có sự khác biệt. Bên cạnh những địa phương khoán kinh phí cho từng thôn, tổ dân phố theo phân loại hành chính để tự chủ, chấm công thực tế và chi trả, cũng có những địa phương ấn định trực tiếp theo chức danh và mức bồi dưỡng hàng tháng.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động của nhiều thôn, tổ dân phố gặp khó khăn khi chế độ của người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố không còn được quy định rõ ràng theo từng chức danh như trước đây. Chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã có tăng từ 1,0 lên 1,4 so với mức lương cơ bản. Cử tri cho rằng, mức tăng này chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là đối với các thành phố lớn. Trong khi đó, khối lượng công việc của đối tượng này hiện nay rất nhiều, thời gian họ làm việc cũng 8 giờ/ngày nhưng với mức phụ cấp như vậy thì không đủ chi phí cho cuộc sống tối thiểu. Chính vì vậy, việc Chính phủ quan tâm, nâng mức phụ cấp này cho phù hợp với từng vùng miền, nhằm động viên, giúp họ yên tâm công tác là mong muốn, kiến nghị của nhiều cử tri hiện nay.

“Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời sẽ tham mưu sửa đổi toàn diện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP để phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm mục tiêu của việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo đúng tinh thần Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 24.12.2018 của Bộ Chính trị là gắn sắp xếp các đơn vị hành chính với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã thỏa lòng cử tri. Những bất cập của Nghị định số 34 so với thực tiễn đã được cử tri phản ánh qua nhiều kỳ họp. Tôi mong muốn Nghị định số 34 sớm được sửa đổi và được lấy ý kiến đóng góp để tính khả thi cao hơn như lời hứa của Bộ trưởng: Đây là một vấn đề “nóng”, được cử tri quan tâm, nên Bộ Nội vụ sẽ làm nhanh nhất có thể để báo cáo với Thủ tướng về việc sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP” - cử tri Lê Hải Dương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bày tỏ.

Tạo điều kiện, động lực cho cán bộ, công chức nỗ lực phấn đấu

Tình trạng thiếu giáo viên đã được các đại biểu quan tâm, đề cập khá nhiều trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Tham gia trả lời làm rõ hơn những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cùng với cấp bách tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, đặc biệt là với giáo viên mầm non, tiểu học, cần nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện cho các nhà giáo yên tâm công tác, phấn đấu.

Đồng tình với quan điểm phải cải thiện môi trường làm việc không chỉ với nhà giáo nói riêng mà với đội ngũ công chức, viên chức nói chung để giữ chân họ yên tâm công tác, phấn đấu, cử tri Dương Thị Thanh Hiền, tỉnh Quảng Nam cho rằng: Công chức, viên chức - đối tượng làm việc trong các cơ quan đơn vị nhà nước được tuyển dụng theo quy trình, thủ tục rất chặt chẽ, phức tạp và có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật trong quá trình thực thi công vụ. Tuy nhiên, chế độ tiền lương không tương xứng, môi trường làm việc nhiều áp lực, rủi ro nên những người có cơ hội thứ hai thường sẽ từ bỏ khu vực công. Điều này không những tạo ra sự thiếu ổn định về nhân sự khu vực công mà còn ảnh hưởng khá lớn việc duy trì chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Chính vì vậy, cùng với sớm điều chỉnh chính sách tiền lương như chủ trương của Trung ương, vấn đề có ý nghĩa lâu dài là cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện để những người có năng lực được phát huy tài năng. “Các quy định, biện pháp đánh giá công chức, viên chức phải khách quan, minh bạch dựa trên kết quả họ đạt được trong quá trình làm việc và có chế độ khen thưởng xứng đáng, không cào bằng” - cử tri Dương Thị Thanh Hiền nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến việc cải cách chế độ tiền lương và tạo môi trường để cán bộ, công chức yên tâm công tác, cống hiến, cử tri cho rằng, cần sớm khắc phục tình trạng đánh giá, xếp loại cán bộ vẫn còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngay từ đầu phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề nội vụ. “Theo tôi, một giải pháp quan trọng Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đưa ra cần phải sớm được thực hiện ngay để tạo chuyển biến tích cực hơn trên thực tế là tập trung hoàn thành xong việc xác định vị trí việc làm, khung năng lực, làm cơ sở đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Có như vậy mới từng bước khắc phục được tình trạng cào bằng, hình thức trong đánh giá và trả lương, tạo động lực cho cán bộ, công chức nỗ lực phấn đấu làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao” - cử tri Nguyễn Văn Thao, quận Tây Hồ, Hà Nội bày tỏ.

SONG NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/ky-vong-chuyen-bien-tich-cuc-o-nhung-van-de-kho-i306217/