Kỳ vọng di sản xuyên biên giới

Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được các nhà khoa học đánh giá là nơi ghi nhận nhiều loài động thực vật mới đầu thế kỷ XXI. Vườn quốc gia Hin Nam No (Khăm Muộn, Lào) được đề xuất di sản thiên nhiên thế giới vì địa mạo địa chất cũng như sự đa dạng sinh học với nhiều nét tương đồng với Phong Nha - Kẻ Bàng. Người ta kỳ vọng cả hai Vườn quốc gia này sẽ là di sản xuyên biên giới đầu tiên của châu Á trong nỗ lực bảo tồn tự nhiên cho khu vực.

Nhiều ghi nhận đầu thế kỷ XXI

Bên trong tài liệu của UNESCO thế giới, mô tả về Phong Nha - Kẻ Bàng từng viết: “Di sản này là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam với trên 90% là rừng nguyên sinh nhiệt đới ẩm trên núi đá vôi, chứa đựng đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam. Đặc biệt, có 43 loài mới trong đó có 38 loài động vật và 5 loài thực vật và nơi tồn tại 2 loài đặc hữu hẹp - chỉ tồn tại duy nhất ở Phong Nha - Kẻ Bàng”.

Chào mào trọc đầu (Pycnonotus hualon) ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: BQL

Ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc phụ trách khoa học Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho rằng sự phát hiện 38 loài động vật đầu thể kỷ XXI thực sự rất quan trọng, là sự đa dạng loài của Việt Nam.

Chích núi đá vôi (Phylloscopus calciatilis). Ảnh: VQG PN-KB

Trong 38 loài động vật mới được ghi nhận, có 3 loài lưỡng cư gồm: ếch giun (Ichthyophis chaloensis), nhái cây orlov (Rhacophorus orlovi), nhái cây quyết (Philautus quyeti). 18 loài bò sát gồm: thạch sùng ngón Phong Nha - Kẻ Bàng (Cyrtodactylus phongnhakebangensis), rắn lục Trường Sơn (Viridovipera truongsonensis), tắc kè Phong Nha - Kẻ Bàng (Gekko scientiadvantura), rắn rào bua-rê (Boiga bourreti), thằn lằn tai noc-gi (Tropidophorus noggei), rắn mai gầm thành(Calamaria thanhi), thằn lằn bốn ngón (Sphenomorphus tetradactylus), rắn sãi an-d-rê-a (Amphiesma andreae), rùa tròn đẹp (Cuora cyclornata), thằn lằn chân ngắn boê-me (Lygosoma boehmei), thạch sùng ngón ẩn (Cyrtodactylus cryptus), rắn sãi mép trắng (Amphiesma leucomystax), rắn trán x-mit (Fimbrios smithi), rắn khuyết đốm (Lycodon ruhstrati abditus), tắc kè ngón ro-x-lơ (Cyrtodactylus roesleri), thằn lằn Tetradactylus (Leptoseps tetradactylus), Rắn lục sừng (Protobothrops cornutus), rắn lá vảy lưng ba gờ (Protobothrops sieversorum).

Thu hải đường Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: VQG PN-KB

Có 2 loài chim gồm chào mào trọc đầu (Pycnonotus hualon), chích núi đá vôi (Phylloscopus calciatilis).

6 loài thuộc lớp hình nhện có các loài với bò cạp Thiên Đường (Vietbocap thienduongensis), bò cạp Việt (Vietbocap canhi sp.n. ), ve giáp (Galumna tenensis n.sp) và 3 loài nhện (Pholcus bifidus sp.nov., Pholcus caecus sp.nov. Khorata protumida sp.nov.).

Bọ cạp Thiên Đường. Ảnh: VQG PN-KB

Cùng đó có 9 loài cá, bao gồm: cá mại xanh (Aspidoparia viridis), cá giao sơn (Yaoshanicus macrocorpus), cá chát xô (cá chát trắng) (Acrossocheilus albus), cá chát Cà Roòng (Acrossocheilus carongensis), cá chát fissirostris (Acrossocheilus fissirostris), cá chát sọc (Acrossocheilus lineatus), cá chát (vây hậu môn dài) (Acrossocheilus longianalis), cá chát yên (Acrossocheilus yeni), cá chanh (Carassioides phongnhaensis).

Rắn lục Trường Sơn. Ảnh: VQG PN-KB

Về thực vật có 5 loài mới cho khoa học gồm: thu hải đường (Begonia vietnamensis), phòng kỷ Quảng Bình (Aristolochia quangbinhensis Do), bùng bục Phong Nha (Mallotus phongnhaensis), dương xỉ Quảng Bình (Polystichum quangbinhense), sát khuyển Quảng Bình (Cynanchum quangbinhense). Đặc biệt, phát hiện quần thể bách xanh đá (Calocedrus rupestris) là một loài đặc hữu hẹp cho khu vực núi đá vôi hiện chỉ tồn tại ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngoài ra, còn phát hiện về 1 chi đặc hữu đơn loài Oligoceras thuộc họ thầu dầu rất hiếm ở Việt Nam.

Kỳ vọng di sản xuyên biên giới

Cạnh di sản Phong Nha - Kẻ Bàng là Vườn quốc gia Hin Nam No (Khăm Muộn, Lào) có diện tích khoảng 94.000ha. Chính phủ Lào kỳ vọng hồ sơ đệ trình Hin Nam No lên UNESSCO sẽ thành công trong thời gian tới, sẽ giúp nâng diện tích di sản xuyên biên giới lên khoảng 220.000ha tính cả Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Khung cảnh núi đá vôi Vườn quốc gia Hin Nam No. Ảnh: Ryan Deboodt

Ông Nguyễn Duy Lương, chuyên gia bảo tồn quốc tế đánh giá: “Với Hin Nam No đang gặp phải những vấn đề khung pháp lý khó khăn cần tháo gỡ. Nhưng nếu làm việc cùng nhau, sẽ mở đường cho một di sản xuyên biên giới, tạo điều kiện bảo tồn tốt cho đa dạng sinh học giữa hai Vườn quốc gia trong thế kỷ XXI”.

Ông Thăm Kéo Lát Tha Nhoót, Trưởng Ban quản lý Vườn quốc gia Hin Nam No, cho biết: “Sự đặc biệt đa dạng của các hệ sinh thái núi đá vôi đã góp phần hình thành nên khu vực tiếp giáp lớn nhất thế giới dành riêng cho việc bảo tồn hệ sinh thái núi đá vôi. Các đặc trưng đáng chú ý bao gồm địa hình núi đá vôi cổ, hệ thống hang động rộng lớn, dòng nước ngầm phức tạp và suối ngầm lớn. Đá phiến sét, sa thạch và đá granit xen kẽ trong các khu vực đá vôi rộng lớn, tạo nên một địa hình đặc biệt.

Đa dạng sinh học và mức độ đặc hữu cao ở đây cũng không kém phần ấn tượng, thể hiện ở nhiều loại rừng và các thảm thực vật khác nhau, các hang động hoặc các hệ sinh thái nước ngọt khác nhau. Các đồ tạo tác bằng đá phong phú được tìm thấy xung quanh Hin Nam No là minh chứng cho thấy nơi này đã tồn tại từ giai đoạn đầu của thời tiền sử loài người”.

Chim Bulbul mặt trần ở Hin Nam No. Ảnh: Nguyễn Đình Duy

Nói về sự độc đáo hang động trong khu vực xuyên biên giới, chuyên gia Nguyễn Duy Lương nêu: “Quá trình hình thành núi đá vôi cũng đã dẫn đến việc hình thành các hố sụt khép kín rộng lớn và một loạt các loại hang động đặc biệt bao gồm hang động khô, hang động bậc thang, hang treo, hang động đuôi gai và hang động giao nhau. Hai hang động nổi bật nhất là hang Sơn Đoòng ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và hang Xe Bang Fai ở Vườn quốc gia Hin Nam No.

Hang Sơn Đoòng có đường đi trong hang được biết đến là lớn nhất thế giới về đường kính và tính liên tục, trong khi đó hang Xe Bang Fai với suối ngầm chiếm lượng nước cao nhất thế giới vào mùa mưa với lưu lượng ước tính đạt khoảng 2.880 khối/giây”.

Các nhà khoa học đánh giá, về độ phong phú của loài trong khu phức hợp xuyên biên giới lớn hơn nhiều so với mức độ phong phú riêng lẻ của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No. Gần 2.700 loài thực vật có mạch và hơn 800 loài động vật có xương sống là hình ảnh thu nhỏ minh chứng cho sự giàu có, đa dạng và nổi bật về sinh học trên toàn khu di sản xuyên biên giới. Động vật có xương sống được ghi nhận bao gồm 154 loài động vật có vú, 117 loài bò sát, 58 loài lưỡng cư, 314 loài chim và 170 loài cá nước ngọt.

Cá hang trong hang Ngeun Mai thuộc VQG Hin Nam No. Ảnh: GIZ ProFEB

“Có nhiều loài động thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và đặc hữu. Gần 133 loài thực vật bị đe dọa trên toàn cầu và 104 loài động vật có xương sống đã được báo cáo. Trên 400 loài thực vật trong quần thể di sản xuyên biên giới được cho là loài đặc hữu của Trung Lào và Việt Nam, 38 loài động vật thậm chí còn là loài đặc hữu của dãy núi Trường Sơn.

Ngoài ra, còn có một số lượng lớn các loài đặc hữu của hệ sinh thái núi đá vôi trên cạn và dưới nước. Đối với nhiều loài trong số này, khu phức hợp bảo tồn xuyên biên giới mang lại hy vọng tốt nhất hoặc thậm chí duy nhất cho khả năng tồn tại lâu dài của quần thể”, chuyên gia Nguyễn Duy Lương nêu.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nêu: “Việc chia sẻ danh hiệu Di sản Thế giới là cơ sở và là động lực để tiếp tục những nỗ lực hướng tới trao đổi, phối hợp và hợp tác hiệu quả hơn trên một hệ sinh thái xuyên biên giới. Dựa trên khung khái niệm và mô hình thống nhất về hợp tác xuyên biên giới giữa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No trong báo cáo về tình hình bảo tồn của Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng gửi UNESCO năm 2020; hai Vườn quốc gia và các cơ quan chỉ đạo cấp tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ về sự hợp tác vào năm 2023. Biên bản ghi nhớ nêu ra các lĩnh vực hợp tác, các phương thức thống nhất nhằm quản lý và chỉ đạo xuyên giới, đồng thời giao hai Vườn quốc gia xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động xuyên biên giới để bảo tồn tính toàn vẹn đa dạng sinh học là điều khả thi”.

MINH PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-vong-di-san-xuyen-bien-gioi-post695724.html