Kỳ vọng khu đô thị sân bay Tân Sơn Nhất

Đến năm 2030, lưu lượng hành khách qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là 50 triệu lượt/năm, trong khi khu vực tiếp giáp sân bay chưa hình thành các cụm thương mại dịch vụ đa dạng, hấp dẫn

Trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) TP HCM sẽ nghiên cứu định hướng phát triển khu vực xung quanh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay TSN) với mô hình khu đô thị sân bay cùng với các định hướng phát triển đô thị của thành phố làm cơ sở pháp lý triển khai điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu liên quan.

Thiếu sức hút dịch vụ

Theo Sở QH-KT TP HCM, hiện nay giao thông đường bộ, đường sắt, đường metro và đường hàng không tại sân bay TSN chưa được tích hợp và phát triển đồng bộ, chưa đem lại hiệu quả đáp ứng công suất hoạt động hiện hữu và trong tương lai của sân bay. Tình trạng quá tải, ùn tắc không chỉ xảy ra thường xuyên trong các nhà ga mà còn ở hệ thống giao thông đường bộ kết nối xung quanh.

Trong 4 quận tiếp giáp sân bay TSN, Tân Bình là khu vực cửa ngõ ra vào các nhà ga T1, T2 và T3 (đang xây dựng). Hiện khu vực này nói chung và quận Tân Bình nói riêng, tập trung chủ yếu là khu dân cư hiện hữu, các công trình công cộng và thương mại dịch vụ nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư, một số diện tích kho bãi tích hợp trong đất quân đội... Khu vực này chưa hình thành các cụm thương mại dịch vụ đa dạng và có sức thu hút đáp ứng nhu cầu cho hành khách của sân bay TSN, chưa có những công trình hay những khu vực quy hoạch với quy mô và chức năng phù hợp định hướng quy hoạch sân bay.

Sở QH-KT TP HCM cho hay để sử dụng hiệu quả cơ hội sân bay TSN đem lại cho khu vực xung quanh, các quận liên quan (gồm Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và Phú Nhuận) cần có các giải pháp chủ động hướng tới phát triển hiệu quả khu vực đô thị xung quanh sân bay, bảo đảm sự phát triển năng động, đạt được sự bền vững cho hoạt động trong sân bay và khu vực xung quanh sân bay về phương diện kinh tế, xã hội và môi trường gắn với mô hình đô thị sân bay, nhằm tăng tính khả thi và đạt hiệu quả về phát triển đô thị.

Theo đó, cần nghiên cứu và vận dụng kết quả của hội nghị điều chỉnh quy hoạch theo định hướng phát triển khu đô thị sân bay - khu vực liên quận xung quanh sân bay TSN để vận dụng trong quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khu vực sân đỗ máy bay của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện tại

Khu vực sân đỗ máy bay của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện tại

Cần chính sách đặc biệt

Một số giải pháp phát triển khu đô thị quanh sân bay TSN được gợi mở đến các địa phương, trong đó nhấn mạnh công tác quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị, giao thông đô thị và tổ chức các sản phẩm dịch vụ, thương mại chất lượng cao.

Theo đó, cần rà soát quỹ đất có khả năng phát triển dự án, đặc biệt là những nơi có diện tích lớn do nhà nước quản lý và đất quốc phòng không còn nhu cầu sử dụng để ưu tiên quy hoạch bổ sung chức năng phục vụ sân bay TSN. Bên cạnh đó, khu vực xung quanh các nhà ga metro số 2, số 5, hai bên đường Trường Sơn và dọc tuyến đường Cộng Hòa - Trường Chinh cần rà soát để bổ sung dịch vụ thương mại, công cộng, logistics; bổ sung khu vực triển lãm hội thảo quốc tế, có chức năng khách sạn, condotel, officetel... với hệ số sử dụng đất cao để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động kinh tế đêm kết hợp dịch vụ giải trí, ẩm thực, văn hóa hoặc các khu vực đô thị phù hợp xung quanh sân bay với phương án tổ chức phương tiện giao thông chuyên dùng, gắn kết trực tiếp với sân bay. Hình thành phố ẩm thực, các tuyến phố chuyên kinh doanh thương mại miễn thuế nhằm thu hút khách bay. Để việc di chuyển thuận lợi, các loại hình giao thông chuyên biệt được tính tới là xe điện, taxi, buýt nhanh, kết nối từ các hướng tới sân bay, ưu tiên kết nối tuyến metro số 2 (đang triển khai) với khu vực đô thị sân bay TSN.

TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng nhu cầu phát triển mô hình chợ đêm tại quận Tân Bình là cấp bách, gắn kết trong mô hình đô thị sân bay, sẽ phát huy khả năng thu hút khách nhiều hơn. Sản phẩm của chợ đêm cũng mang tính quyết định.

Theo ThS-KTS Đỗ Nguyên Phong, Viện Quy hoạch xây dựng, trong giai đoạn trước mắt, việc điều chỉnh chức năng, chỉ tiêu một số khu vực, tuyến đường là một trong những giải pháp hữu hiệu nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu chiến lược tổng thể và các mục tiêu cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của quận Tân Bình gắn với đầu mối giao thông quan trọng là sân bay TSN. TP HCM cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm khuyến khích đầu tư, thông thoáng quy định, hỗ trợ chính sách và quan trọng nhất là đồng hành với doanh nghiệp và người dân.

Sở QH-KT TP HCM đã phối hợp UBND quận Tân Bình tổ chức hội thảo định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế, áp dụng thí điểm cho sân bay TSN. Sau đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp UBND các quận và sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu kết quả hội thảo để xem xét các định hướng phát triển dài hạn đối với khu vực xung quanh sân bay này trong quá trình tổ chức lập và thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Các quận nghiên cứu các giải pháp phát triển đô thị xung quanh sân bay trong quá trình tổ chức lập điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn quận.

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ky-vong-khu-do-thi-san-bay-tan-son-nhat-20230506201301869.htm