Kỳ vọng mô hình quản lý vốn tập trung

Đúng hạn, cả 19 tập đoàn, tổng công ty hàng đầu của đất nước đã được bàn giao từ năm bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) trước ngày 15-11, tức là sau 45 ngày kể từ khi Ủy ban chính thức đi vào hoạt động theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, khối tài sản lớn hơn 2,3 triệu tỷ đồng tại 19 doanh nghiệp (DN) này từ nay sẽ được quản lý tập trung bởi một đầu mối duy nhất làm đại diện chủ sở hữu vốn là Ủy ban, thay vì phân tán ở nhiều bộ. Đây là lần đầu Việt Nam có một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đúng như thông lệ quốc tế về quản trị DN. Hơn nữa, các tập đoàn, tổng công ty vừa chuyển về “ngôi nhà mới” đều là các DN trọng yếu, then chốt của nền kinh tế. Do đó, kỳ vọng của cả hệ thống chính trị, của xã hội, của thị trường vào sự hoạt động hiệu quả của Ủy ban là rất lớn.

Trước nhiệm vụ lớn lao này, Ủy ban phải thể hiện được sự đổi mới tư duy, quản trị, cách thức quản lý, phương thức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), làm sao khắc phục cho được các yếu kém, bất cập; cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của các DN này trong tương lai. Muốn vậy, Ủy ban phải là cơ quan quản lý vốn chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống DNNN. Đi cùng với cơ chế quản lý vốn tập trung là cơ chế giám sát hiện đại, bắt kịp xu hướng quốc tế. Bước đầu, Ủy ban đang áp dụng hệ thống quản lý trực tuyến theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Hệ thống này kết nối với các DN trực thuộc để Ủy ban theo dõi thường xuyên, liên tục 24 giờ toàn bộ hoạt động của các DN, từ sản xuất, năng suất lao động, vốn, nhân sự, nộp thuế… Đồng thời, có bộ chỉ số giám sát để phân tích, đánh giá sức khỏe của từng DN và có chức năng cảnh báo các rủi ro về tài chính, quản trị theo chuẩn mực OECD khi có chỉ số thành phần vượt ngưỡng an toàn...

Đây là cơ chế giám sát chủ động, cho phép Ủy ban nắm được tình hình “sức khỏe” của từng DN và đưa ra cảnh báo, yêu cầu có hướng khắc phục, không để xảy ra tình trạng “biết thì đã muộn” như trước đây do cơ chế giám sát hoàn toàn dựa vào báo cáo của DN, không phát hiện, ngăn ngừa được yếu kém, sai phạm.

Trong số các DN chuyển giao về Ủy ban, có những tập đoàn, tổng công ty mạnh của đất nước, dẫn đầu cả về tiềm lực kinh tế và tốc độ đổi mới, quản trị DN như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT)... Nhưng cũng có những “ca khó” như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) hay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)... Sau khi nhận bàn giao nguyên trạng, Ủy ban sẽ phải có giải pháp cụ thể cho từng tập đoàn, tổng công ty, từng DN để DN đã mạnh càng mạnh hơn, còn DN yếu kém có thể hồi phục sức khỏe, chuyển sang giai đoạn phát triển mới, thực hiện được mục tiêu không chỉ bảo toàn phát triển vốn nhà nước mà phát triển ở mức cao, tương xứng với khối tài sản lớn đang nắm giữ.

Về phía các bộ, sau khi bàn giao sẽ có điều kiện tập trung vào chức năng quản lý nhà nước, trong đó có các nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động ngành; xây dựng quy hoạch ngành; thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các DN… Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực của mình để tạo môi trường, không gian hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển thuận lợi.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38284302-ky-vong-mo-hinh-quan-ly-von-tap-trung.html