KỲ VỌNG, MONG MUỐN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ GIÁO VIÊN ĐỐI VỚI TÂN BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Đa số các đại biểu Quốc hội, giáo viên bày tỏ kỳ vọng, mong muốn tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khắc phục những vấn đề bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và có những giải pháp đột phá để tiếp tục thúc đẩy đổi mới chất lượng giáo dục.

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2021-2026, thay người tiền nhiệm là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Trả lời bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với những kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục sẽ thúc đẩy đào đạo nguồn nhân lực cao cho phát triển đất nước.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ của ngành giáo dục đòi hỏi phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, để những vị trí chức danh lãnh đạo này có trách nhiệm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, nhân sự đã được Chính phủ lựa chọn kỹ lưỡng để giới thiệu lên Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua trong kỳ họp 11. Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu hồ sơ rất kỹ và cũng thấy yên tâm, tin tưởng Bộ trưởng mới có đủ năng lực, phẩm chất để giải quyết những thách thức đang đặt ra đối với ngành giáo dục, có những giải pháp để tiếp tục thúc đẩy đổi mới chất lượng giáo dục đào tạo, kể cả hệ đại học và các bậc phổ thông, để giáo dục phải cùng với khoa học công nghệ là những lĩnh vực đi đầu cho phát triển đất nước.

Còn đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định: Lĩnh vực giáo dục-đào tạo thời gian qua dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng còn nhiều vấn đề bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân cả nước. Do vậy, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, người dân đều kỳ vọng ngành giáo dục-đào tạo nói chung và "tư lệnh ngành" nói riêng phải thống nhất trong chỉ đạo điều hành, từ Trung ương đến cơ sở để triển khai thành công các nhiệm vụ của mình.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phải rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua để đánh giá lại những mặt đạt được và chưa đạt được, đồng thời phải phát huy hết đội ngũ Thứ trưởng, lãnh đạo các Cục, Vụ và các Sở. Thậm chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phát huy năng lực của các chuyên gia. Tư lệnh ngành phải làm thế nào tạo ra không khí đoàn kết, đặc biệt là phân công, phân nhiệm rõ cho các Thứ trưởng và các Cục, Vụ và hệ thống giáo dục.

Mong tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân

Với góc độ là một giáo viên phổ thông, thạc sĩ Trần Trung Hiếu giảng dạy môn Lịch sử của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An) bày tỏ mong muốn tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn cầu thị và biết lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện mang tính thiện chí, xây dựng của nhân dân, của đội ngũ các nhà giáo. Mọi văn bản, chủ trương khi vừa triển khai nhưng vấp phải sự phản biện của đông đảo các thầy cô giáo thì cần phải xem xét lại ngay.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu giảng dạy môn Lịch sử, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An).

Ngoài ra, thầy giáo Trần Trung Hiếu cũng mong tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cần có sự điều chỉnh (thậm chí là thay thế) một số nhân sự trong một số cơ quan của Bộ và trực thuộc Bộ cho phù hợp với năng lực, tài năng của từng cá nhân ở các vị trí công tác và điều chỉnh các chính sách của người tiền nhiệm vốn đã không phù hợp với tình hình và thực tiễn giáo dục hiện nay. Đặc biệt là trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một vấn đề khác là cần cẩn trọng và chắc chắn khi soạn thảo và ban hành các văn bản mang tính pháp quy của ngành. Khi soạn thảo văn bản, cần tự đặt mình vào vị trí của giáo viên, học sinh trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó là cần có sự tham vấn rộng rãi đội ngũ các nhà giáo thông qua các phương tiện truyền thông và mọi quyết sách đều phải xuất phát từ thực tiễn, từ điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và mỗi địa phương để hạn chế đến mức thấp nhất những quyết sách xa rời thực tiễn./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=54279