Kỳ vọng sớm gỡ 'điểm nghẽn'

Hiện nay, thực trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế vẫn diễn ra tại nhiều bệnh viện (BV) ngay cả khi đã có nhiều giải pháp được đưa ra.

Mặc dù đã được tháo gỡ nhưng hoạt động đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và hóa chất tại các BV hiện nay đang gặp không ít những khó khăn, vướng mắc.

Thông tư 14/2023/TT-BYT của Bộ Y tế được cho là giải pháp tích cực, tháo gỡ những "nút thắt", “cởi trói” cho các BV trong đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị y tế. Thế nhưng, báo cáo mới nhất tại nhiều BV cho thấy, việc đấu thầu thuốc mặc dù đã có nhiều giải pháp song hiện nay vẫn vướng.

Trong đó thách thức lớn nhất là "xác định giá đúng khi mua sắm thiết bị y tế, bởi không biết giá mua sắm được căn cứ trên tiêu chí nào". Trước bối cảnh nhiều vụ việc mua sắm, định giá thiết bị y tế trong BV được cơ quan chức năng xác định cao hơn giá trị thực.

Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 14 không có phân nhóm thiết bị y tế, trong khi trang thiết bị y tế của các hãng sản xuất khác nhau, tiêu chí đa dạng nên rất khó trong công tác đấu thầu. Vì vậy, cần phân nhóm để BV lựa chọn đấu thầu. Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế có thể thực hiện nhưng rất chậm.

Nhiều hạng mục mời thầu nhiều lần mới có nhà thầu tham gia. Chủ yếu do hiện nay đa số thuốc, vật tư y tế là nhập khẩu. Nguồn cung từ các nước cũng hạn chế nên các DN gặp khó khi đưa nguồn hàng về, dẫn đến việc cung ứng nhỏ giọt, hạn chế tham gia thầu. Thậm chí do nhiều mặt hàng giá thấp, các công ty không tham gia thầu.

Hiện các BV đều quan tâm làm sao mua hàng hóa với giá hợp lý đạt chất lượng mong muốn mà không vi phạm pháp luật. Bởi khó nhất hiện nay là các giám đốc BV không thể hiểu được hết, nắm bắt được hết các loại giá của hàng hóa đấu thầu. Chủ yếu những loại giá này được trình từ các phòng, ban chuyên trách của BV. Trong trường hợp hàng hóa mua sắm đấu thầu bị đắt, các giám đốc BV phải giải trình, rất mất thời gian.

Thiết nghĩ, Bộ Y tế cần ban hành khung giá các máy móc, thiết bị y tế cụ thể và mỗi năm cập nhật lại về giá. Từ đó, các BV có thể căn cứ mức giá đã công bố để mua sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu, giống như việc ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh. Mặt khác, Bộ Y tế cần có các chính sách, văn bản rõ ràng, dễ hiểu để thực thi. Đơn cử như quy định có thể chỉ định thầu trong tình huống cấp bách, song các BV chưa có tiêu chí về tình huống cấp bách.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế nhanh chóng triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng để tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, thu hút nhiều nhà thầu tham dự, đặc biệt trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế tiêu hao, hóa chất xét nghiệm. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phối hợp để giải quyết các vướng mắc quy định liên quan đến mã vật tư cũng như vấn đề thanh toán, xuất toán giá trị của thuốc, vật tư y tế có sự chênh lệch giá trúng thầu so sánh giữa các đơn vị và ban hành hướng dẫn cụ thể để các đơn vị mua sắm thực hiện…

Đặc biệt, khi thực hiện các thông tư rất cần sự am hiểu của giám đốc BV, để biến các quy định thành hoạt động thực tiễn phù hợp với từng mô hình BV. Điều quan trọng nhất là sớm có các quy trình thầu minh bạch, công khai và phải là cạnh tranh thực sự, thì sẽ có giá đúng.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-vong-som-go-diem-nghen.html