Kỳ vọng tạo ra bước ngoặt cho tương lai Iraq

Vào ngày 12-5 tới, Iraq sẽ tiến hành cuộc bầu cử quốc hội lần thứ hai kể từ khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này năm 2011. Cuộc bầu cử được kỳ vọng tạo ra bước ngoặt cho tình hình an ninh tại quốc gia này trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang manh mún quay trở lại...

Tình cảnh “tiến một bước, lùi 5 bước”

Ngày 20-3 vừa qua là tròn 15 năm kể từ khi Mỹ tiến hành can thiệp quân sự vào Iraq để lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Saddam Hussein năm 2003. Mục đích ban đầu của cuộc can thiệp quân sự trên là nhằm mở ra một kỷ nguyên dân chủ tự do tại đất nước được coi là “trái tim” của Trung Đông. 15 năm đã trôi qua nhưng Iraq vẫn nằm trong vòng xoáy bạo lực, tham nhũng… đe dọa sự ổn định ở quốc gia Trung Đông này.

Theo CNN, ông Abu Ali, một tài xế taxi 61 tuổi, từng vui mừng khi thấy binh sĩ Mỹ tiến vào thủ đô Baghdad năm 2003. 4 năm sau đó, người con trai cả của ông thiệt mạng ở tuổi 18, trong một vụ đánh bom bằng xe hơi. Gần 6 năm sau, hai đứa con của Ali cũng thiệt mạng trong một vụ tấn công khác. “Tôi đi thăm mộ chúng hằng tuần”, người đàn ông trông già hơn tuổi thật buồn bã nói.

Cũng như ông Ali, anh Qais al-Sharea, một thợ làm tóc ở Baghdad từng có suy nghĩ giống như giới trẻ Iraq thời điểm năm 2003, rằng Baghdad sẽ được lấp đầy bằng các hộp đêm và nhà hàng sau khi chế độ của ông Saddam Hussein sụp đổ. Nhưng thay vì tiến bộ và vươn ra thế giới, al-Sharea nhận thấy rằng, đời sống tại Iraq bây giờ trong tình cảnh “tiến một bước, lùi 5 bước”. Thống kê của Liên hợp quốc cho biết, chiến tranh Iraq năm 2003 đã phá hủy hoàn toàn nhiều ngôi nhà, trường học, bệnh viện và các hạ tầng cơ sở kinh tế, buộc hàng triệu người phải đi sơ tán. Trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực cho công cuộc tái thiết Iraq sau chiến tranh thì quốc gia này lại tiếp tục đối mặt với “bóng ma” IS.

Các nhân viên dọn dẹp đường phố ở Mosul tháng 3-2018 sau khi IS rút khỏi thành phố này. Ảnh: foreignaffairs.com

Dù tuyên bố chiến thắng trước IS hồi tháng 12-2017, song Iraq vẫn phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố từ nhóm này. Theo tuần báo The Arab Weekly (AW), số dân thường bị thiệt mạng trong các vụ bạo lực 3 tháng đầu năm 2018 thấp hơn so với mức trung bình kể từ năm 2012, nhưng con số thương vong vẫn ở mức cao và IS được cho là thủ phạm. “IS vẫn có đủ năng lực và cơ hội để phát động các cuộc tấn công. Đây là điều đáng lo ngại, bởi lực lượng này đã thích nghi được với tình hình mới”, chuyên gia phân tích Mustafa Habib nhận định.

Chờ đợi một bước ngoặt

Các chuyên gia phân tích ở Trung Đông nhận định, những lo ngại về việc IS quay trở lại Iraq là có cơ sở, khi quốc gia này chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày 12-5 tới. Tờ Foreign Affairs cho biết, chính trường Iraq hiện phân mảnh hơn so với trong quá khứ, nhưng các gương mặt cũ vẫn tiếp tục vai trò chi phối. Cụ thể là có 5 người Hồi giáo dòng Shiite sẽ cạnh tranh trong cuộc bầu cử sắp tới, bao gồm đương kim Thủ tướng Haider al-Abadi, cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, lãnh đạo Hadi al-Ameri của Tổ chức Badr, cùng hai giáo sĩ Muqtada al-Sadr và Ammar al-Hakim. Ba nhân vật nổi trội khác đến từ dòng Sunni và các nhóm không tín ngưỡng là cựu Chủ tịch Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Jamal Karbuli, cựu Chủ tịch Quốc hội Usama Nujaifi và cựu Thủ tướng Ayad Allawi.

Theo tờ Foreign Affairs, hiện nay ông Haider al-Abadi được xem có nhiều khả năng giành thêm một nhiệm kỳ thủ tướng nữa, một phần nhờ quân chính phủ đánh bại IS trên chiến trường. Trên cương vị thủ tướng, ông đã cân bằng một cách khéo léo quan hệ giữa Iran và Mỹ, đồng thời cải thiện quan hệ với các nước láng giềng trong vùng Vịnh. Đặc biệt, ông al-Abadi đã tạo bước đột phá trong quan hệ với Saudi Arabia, nước đang đóng vai trò mang tính xây dựng hơn ở Iraq. Phát biểu khi đến thăm một trung tâm bầu cử tại thủ đô Baghdad, Thủ tướng Abadi cho biết, thông qua lá phiếu, người dân sẽ góp phần tham gia vào chiến dịch chống tham nhũng, loại bỏ các đối tượng tham nhũng giống như chiến dịch tiêu diệt các phần tử IS. “Cuộc bầu cử Quốc hội Iraq vào ngày 12-5 tới sẽ là bước ngoặt cho tình hình an ninh tại quốc gia này”, tờ Foreign Affairs nhận định.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ky-vong-tao-ra-buoc-ngoat-cho-tuong-lai-iraq-535758