Kỳ vọng Trung Quốc tái mở cửa, thị trường kim loại công nghiệp phục hồi

Giá đồng, nhôm, kẽm đã giảm từ mức cao nhất trong năm 2022, nhưng triển vọng nhu cầu phục hồi từ Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19, đã kích hoạt đà tăng gần đây của các kim loại công nghiệp này.

Giá đồng kỳ hạn ở Sàn giao dịch kim loại London tăng hơn 10% trong hai tuần đầu tiên của tháng 11. Ảnh: Economic Times

Giá đồng kỳ hạn ở Sàn giao dịch kim loại London tăng hơn 10% trong hai tuần đầu tiên của tháng 11. Ảnh: Economic Times

Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng có khả năng việc kết thúc các hạn chế nghiêm ngặt để phòng chống đại dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể vực dậy nhu cầu của nước tiêu thụ hàng hóa hàng đầu thế giới này. Giá đồng kỳ hạn ở Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng hơn 10% trong hai tuần đầu tiên của tháng 11. Các hợp đồng kẽm và thiếc kỳ hạn ở sàn này cũng vừa trải qua tuần tăng giá mạnh kể từ mùa hè, trong khi giá nhôm tăng hơn 6%.

Cú bật dậy này nối dài một năm đầy biến động của các kim loại công nghiệp, được sử dụng để sản xuất mọi thứ, từ máy bay, dây điện cho đến ô tô. Giá đồng, nhôm và thiếc ở London đã đạt mức cao kỷ lục vào đầu năm nay do nguồn cung thắt chặt sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, giá năng lượng leo thang và các nước mở cửa trở lại sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Nhưng sau đó, nỗi lo suy thoái kinh tế và tình trạng phong tỏa kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc đã khiến các kim loại công nghiệp ở thị trường London trải qua 7 tháng giảm giá tồi tệ trong hơn một thập niên.

Giờ đây, giá kim loại đang phục hồi mạnh mẽ và hướng đến tháng tăng giá mạnh nhất trong hơn một thập niên. Diễn biến này có thể làm phức tạp thêm triển vọng lạm phát ở các nước phương Tây.

Chris Bataille, nhà nghiên cứu chính sách ở Đại học Columbia, nhận định một khi Trung Quốc quay lại mua nhiều kim loại như trước đại dịch Covid-19, giá khó có thể giảm trở lại.

Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua phiên tăng giá tốt nhất kể từ năm 2020 vào ngày 10 -11 sau khi dữ liệu kinh tế cho thấy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 tăng chậm hơn dự kiến, mở ra hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kìm hãm tốc độ tăng lãi suất. Những nỗ lực chống lạm phát của Fed đã gây xáo trộn các thị trường từ cổ phiếu, trái phiếu đến dầu mỏ trong năm nay và khiến chỉ số S&P 500 (theo dõi cổ phiếu của 500 công ty đại chúng có vốn hóa lớn nhất Mỹ) giảm 17%.

Triển vọng lạm phát tăng chậm lại và động thái nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 gần đây ở Trung Quốc cũng khiến giá đô la Mỹ thoái lùi từ mức cao nhất trong năm 2022. Đô la Mỹ suy yếu giúp các kim loại, vốn được định giá bằng đồng bạc xanh, trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Liqian Ren, Giám đốc chiến lược đầu tư Modern Alpha tại Công ty WisdomTree Asset Management, nói: “Tôi tin rằng trong dài hạn, giá kim loại sẽ tăng vọt vì Trung Quốc sẽ mở cửa nền kinh tế trở lại”.

Sự phục hồi của thị trường kim loại công nghiệp đã chắp cánh cho cổ phiếu của các công ty khai khoáng, đưa vật liệu này trở thành nhóm ngành tăng giá tốt nhất của S&P 500 trong tháng này. Cho đến tháng 11 này, cổ phiếu của Công ty khai khoáng Freeport-McMoRan (Mỹ) tăng 20%, cổ phiếu của Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto (Anh) tăng 19% và cổ phiếu của đối thủ Anglo American tăng 27%.

Hakan Kaya, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Công ty quản lý đầu tư Neuberger Berman, cho biết công ty ông đang tăng cường đầu tư vào đồng, nhôm và kẽm. Ông nhận định quá trình chuyển đổi toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu các kim loại quan trọng và cần thiết cho năng lượng xanh. Chứng chỉ của quỹ hoán đổi danh mục về chiến lược hàng hóa của Neuberger Berman tăng 4,8% trong tháng này, so với mức tăng 2,2% của chỉ số S&P 500.

Kaya nói: “Nguồn cung các kim loại công nghiệp đang bị thắt chặt và mọi người không nhận ra điều đó”.

Giới đầu tư vẫn thận trọng với đợt tăng giá hiện nay của thị trường kim loại. Tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại và những nỗ lực của Fed nhằm chống lạm phát có nguy cơ đẩy Mỹ vào cơn suy thoái. Giới chức Trung Quốc vẫn khẳng định cam kết dập tắt các đợt bùng phát dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành, dù đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát. Các nhà đầu tư, bao gồm Liqian Ren, dự báo tiến trình tái mở của Trung Quốc sẽ diễn ra chậm và nhu cầu kim loại của nước này có thể không tăng nhanh như nhiều người kỳ vọng.

Al Chu, Giám đốc danh mục đầu tư tại Newton Investment Management, người đã đầu tư trên thị trường hàng hóa trong 20 năm qua, nhận định các thay đổi về chính sách Covid-19 của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Ông lưu ý mức độ tham gia thị trường hàng hóa của giới đầu tư đang giảm. Điều đó có nghĩa là thanh khoản đang cạn kiệt, vì vậy, rất khó để thực hiện các giao dịch mà không gây ra những biến động lớn.

Dữ liệu kinh tế trên toàn cầu chỉ ra nhu cầu kim loại đang giảm sút. Doanh số bán nhà mới xây ở Mỹ và Trung Quốc tiếp tục giảm. Tại châu Âu, hoạt động kinh doanh trong tháng 10 giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm. Trung Quốc ghi nhận GDP quí 3 tăng trưởng cao hơn dự kiến nhưng vẫn kém so với tốc độ tăng trưởng của hồi đầu năm trước khi nền kinh tế bị phong tỏa trên diện rộng.

Các nhà sản xuất kim loại cũng cảnh báo nhu cầu đang suy yếu. Rio Tinto, một trong những công ty khai khoáng lớn nhất thế giới, ghi nhận nhu cầu nhôm đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây, trái ngược hoàn toàn so với năm ngoái. Trong khi đó, Freeport-McMoRan, một trong những công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới, đã hạ dự báo doanh số bán đồng trong năm 2023.

Theo WSJ

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ky-vong-trung-quoc-tai-mo-cua-thi-truong-kim-loai-cong-nghiep-phuc-hoi/