Kỳ vọng từ 'cú hích' mới

Những năm qua, chính sách dân tộc nói chung, phát triển kinh tế vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, dành nhiều nguồn lực để thực hiện.

Diện mạo vùng DTTS và miền núi đổi thay nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ảnh: Bình Minh

Diện mạo vùng DTTS và miền núi đổi thay nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ảnh: Bình Minh

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn, vùng DTTS và miền núi có nhiều đổi thay rõ rệt, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, trong năm 2019, Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là tiền đề quan trọng để đồng bào vươn lên, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng DTTS và miền núi với các vùng khác trên cả nước.

Những thành tựu đáng ghi nhận

Theo Ủy ban Dân tộc (UBDT), đến tháng 1-2019, chính sách dân tộc được triển khai thông qua 107 văn bản chính sách, trong đó có 13 chính sách tập trung riêng cho đồng bào DTTS, 37 chính sách thực hiện ở vùng DTTS hoặc ưu tiên DTTS. Ngoài ra, có 57 chính sách được triển khai thực hiện chung trên toàn quốc, trong đó có vùng DTTS và miền núi.

Tại hội thảo quốc gia về thực trạng công tác dân tộc, định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021-2023, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho rằng, chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2019 đã lồng ghép các chương trình, chính sách có cùng mục tiêu, đối tượng, địa bàn thành các chương trình, chính sách lớn nhằm tập trung nguồn lực, đảm bảo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. “Điều này cho thấy chính sách dân tộc đã thay đổi theo hướng từ “nâng đỡ” sang thúc đẩy đồng bào thay đổi tư duy từ thụ động trông chờ sang chủ động thay đổi phương thức sản xuất để phát triển kinh tế ngày một hiệu quả hơn” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến thông tin.

Đề án xác định các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm giảm trên 3%; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% số thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% dân số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh...

Theo thống kê của UBDT, các tỉnh vùng DTTS và miền núi có tốc độ tăng trưởng khá cao. Bình quân các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 8,4%, Tây Nguyên tăng 8,1%, Tây Nam bộ tăng 7,3%. Kết cấu hạ tầng vùng DTTS từng bước được hoàn thiện, đã có 98,4% số xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS; 99,3% xã có trạm y tế, trong đó có 70% xã có bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhân dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh - truyền hình; 100% xã đã có điện thoại cố định và di động cung cấp các dịnh vụ viễn thông, internet. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ, các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm.

Kết quả trên là tiền đề quan trọng để đồng bào DTTS, miền núi tiếp tục ổn định cuộc sống và sản xuất, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Sự quan tâm đặc biệt của đảng và Nhà nước

Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030, bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang hướng dẫn người dân khu vực biên giới chăm sóc cây trồng. Ảnh: Bình Minh

Đề án đưa ra mục tiêu tổng quát xoay quanh các vấn đề như: Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng DTTS, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống thu nhập so với bình quân chung của cả nước. Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển.

Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia. Củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng, việc phê duyệt đề án nói trên là dấu mốc lịch sử trong công tác dân tộc, là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Đề án ra đời nhằm tích hợp lại các chính sách trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, giải quyết những vấn đề vướng mắc, sự chồng chéo, trùng lắp, thất thoát, lãng phí của các chính sách đầu tư cho vùng DTTS. Điều này cũng khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện có trách nhiệm các mục tiêu phát triển bền vững ở cả 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội bình đẳng, công bằng và môi trường được bảo vệ đảm bảo nguyên tắc công bằng, đoàn kết tương trợ giúp nhau cùng phát triển trong đồng bào DTTS”.

Bình Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ky-vong-tu-cu-hich-moi/