Kỳ vọng từ hiến mô, tạng cứu người

Hằng ngày, những người thầy thuốc chứng kiến người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo như suy gan, thận, tim… phải chống chọi với bệnh tật. Cơ hội sống duy nhất của họ là được ghép tạng, tuy nhiên, nguồn tạng lại quá khan hiếm.

Thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, gần 500 cán bộ Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư hưởng ứng phong trào hiến tặng mô, tạng với mong muốn cứu sống được nhiều người bệnh hơn nữa.

Hành động nhỏ… ý nghĩa lớn

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cầm những xấp hồ sơ đăng ký được ghép tạng, chia sẻ: Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận.

Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

“Hằng ngày, chứng kiến người bệnh chống chọi với bệnh tật, thậm chí tử vong do không có nguồn tạng để ghép, chính là nỗi đau lớn nhất của người thầy thuốc. Một thực tế, mà các bác sĩ đang gặp phải trong hành trình cứu sống người bệnh, chính là khan hiếm nguồn tạng, trong khi số người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời còn rất ít ỏi.

Tính đến ngày 23/7/2017 tổng người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời trên cả nước là 7.400 người, trong đó có gần 500 thầy thuốc, cán bộ của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư” - GS Sơn nhấn mạnh. Đây là con số “biết nói” và thực sự có giá trị trong việc cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế và mọi người dân tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng để cứu chữa người bệnh và phục vụ nghiên cứu khoa học.

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư - bày tỏ cảm xúc khi nhận được thẻ đăng ký hiến mô tạng cách đây 1 năm. GS Trí kể ngày ông làm thẻ đăng ký hiến tạng sau khi chết não, ông đã có ý nghĩ hiến nội tạng của mình. Sau đó, ông đã thay đổi ý nghĩ và đăng ký lại sẽ hiến cả phần da của mình…

GS Nguyễn Anh Trí đã kêu gọi toàn thể cán bộ, viên chức của bệnh viện hăng hái tham gia phong trào này, giúp cho hoạt động này sẽ ngày càng lan tỏa; để các cơ quan khác, bệnh viện khác cũng hưởng ứng tham gia một hoạt động xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Theo GS Trí không gì ý nghĩa hơn, nhân văn hơn khi mình đã chết đi nhưng một phần cơ thể mình lại vẫn tiếp tục được sống trên một cơ thể khác, cứu sống sinh mạng của người bệnh.

Một người hiến mô, tạng cho những người bị bệnh sẽ cứu được 10 người khác. Minh chứng cho điều này là những trường hợp hiến tạng sau khi chết não ở Bệnh viện Việt Đức trong thời gian đã cứu sống được rất nhiều người bệnh khác đang chờ ghép tim, thận, gan, giác mạc…

Bác sĩ Ngô Mạnh Quân - Khoa Vận động và tổ chức hiến máu - Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư vui mừng cầm trên tay tấm thẻ đăng ký hiếm mô, tạng.

BS Quân nói: “Tôi rất tự hào, vui sướng khi nhận tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng và sẽ hạnh phúc hơn khi một phần cơ thể nào đó của mình có thể hiến cho người khác. Nếu như một lúc nào đó chúng ta mất đi và hiến tặng mô, tạng thì phần cơ thể của mình vẫn sẽ tiếp tục sống, hơn thế nữa còn có thể duy trì sự sống cho người khác, đó là điều vô giá giúp mình còn sống mãi”.

Hành động nhân văn đó đã lan tỏa, một nhân viên Phòng Xét nghiệm của Viện Huyết học nói: “Tôi đã đăng ký hiến tặng mô, tạng từ khoảng 1 tuần trước. Khi nhận được lời kêu gọi, tôi không hề đắn đo hay hối hận về quyết định của mình”. Nhân viên này chia sẻ rằng đây là một chương trình ý nghĩa, dù cho chị chọn lại lần nữa, chị vẫn sẽ chọn hiến tạng nếu gặp chuyện không may về tính mạng.

Nhân rộng lòng nhân ái

Với kinh nghiệm 20 năm vận động hiến máu tình nguyện, từ chỗ mỗi năm chỉ mua vài trăm lít máu từ người bán máu, nay đã có tới, 97% người hiến máu tình nguyện, GS Trí nghĩ rằng, muốn phong trào hiến tạng lớn rộng, cần phải vận động từng cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước hiến, ghép mô tạng. Điều đầu tiên nên vận động trước hết đối với cán bộ y tế.

Ông tin tưởng rằng, ba năm nữa, phong trào hiến tạng tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn. Lúc đó, những người suy thận, ung thư phổi, đặc biệt người suy gan giai đoạn cuối có cơ hội được cứu sống.

Tuy nhiên, GS Sơn cho rằng, để thay đổi nhận thức của người dân trong việc hiến tạng sau khi chết, chết não là việc không hề đơn giản và gặp nhiều rào cản từ tâm lý người dân, từ nhân thân người chết, chết não. Công tác vận động hiến mô, tạng còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu hệ thống tư vấn, đăng ký hiến tặng mô, tạng tại các bệnh viện ghép tạng, cơ sở y tế trong cả nước.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, trên cả nước mới chỉ có một cơ sở y tế là Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP Hồ Chí Minh có hệ thống truyền thông, tư vấn, đăng ký hiến tạng.

Thực trạng này đã hạn chế quyền được đăng ký hiến tặng mô, tạng của công dân cũng như hiệu quả công tác truyền thông, vận động người dân đăng ký hiến tạng sau khi qua đời trên cả nước thời gian qua.

GS Trịnh Hồng Sơn bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được sự cộng tác chặt chẽ và hiệu quả hơn của các bệnh viện ghép tạng, các cơ sở y tế trong việc xây dựng hệ thống tư vấn, đăng ký hiến tạng. Thông qua buổi lễ sẽ góp phần truyền thông rộng rãi, kêu gọi cộng đồng, xã hội, đặc biệt là các cán bộ, nhân viên ngành y cùng quan tâm, tìm hiểu và hưởng ứng phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng từ đó nhân rộng ra các cơ sở y tế, các tầng lớp nhân dân trên khắp cả nước.

Kiều Việt Thành

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/ky-vong-tu-hien-mo-tang-cuu-nguoi-3742140-b.html