Kỳ vọng từ những 'tư lệnh' ngành

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã bầu và phê chuẩn 2 Phó Thủ tướng và 12 thành viên Chính phủ. Với tư cách là 'tư lệnh' ngành, người dân và cử tri cả nước kỳ vọng những Bộ trưởng, thành viên Chính phủ được bổ nhiệm lần này sẽ tạo ra những đột phá mới trong công tác quản lý Nhà nước cũng như tham mưu với Đảng, Chính phủ có những cơ chế, chính sách để lĩnh vực mình quản lý ngày càng phát triển, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

Trong số 12 tân Bộ trưởng, thành viên Chính phủ thì những Bộ trưởng: Công Thương; Giáo dục - Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Xây dựng; Nội vụ; Văn hóa - Thể thao và Du lịch… được cử tri rất quan tâm.

Với ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương, một trong số ít các thành viên Chính phủ chưa từng đảm nhiệm chức vụ tại Bộ này sẽ phải gánh trách nhiệm rất lớn trong công tác quản lý Nhà nước về Công nghiệp và thương mại. Với lĩnh vực công nghiệp, người dân kỳ vọng trên cương vị Bộ trưởng ông Nguyễn Hồng Diên sẽ chỉ đạo xây dựng nền công nghiệp phụ trợ để phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp nước nhà, trong đó có công nghiệp sản xuất ô tô, công nghiệp dệt may và bán dẫn…

Cạnh đó, ông cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ “tái cơ cấu” việc triển khai các dự án thủy điện nhỏ và vừa, một trong những yếu tố mà không ít nhà khoa học cho là dẫn đến hệ lụy lũ ống, lũ quét ngày càng nhiều! Với lĩnh vực thương mại, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng, trên cương vị Bộ trưởng ông sẽ có cuộc cách mạng không phải chỉ chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu mà quan trọng phải tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng lớn cho các sản phẩm công, nông nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu (nghĩa là hạn chế tối đa khai thác tài nguyên thô, sản xuất chỉ thông qua sơ chế rồi xuất khẩu)…

Với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cử tri và người dân mong muốn, ông sẽ tham mưu Chính phủ triển khai tốt 3 nhóm vấn đề: Giảm tải tối đa lượng kiến thức đối với học sinh, để học sinh có thời gian tư duy, phát triển não bộ. Xây dựng văn hóa học đường theo hướng nhân bản (xét góc độ thầy cô và học sinh) và không có sự xáo trộn về nội dung của sách giáo khoa. Đặc biệt, thực hiện triệt để chỉ thị của Thủ tướng, của Bộ về việc dạy thêm, học thêm…

Với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, người nông dân kỳ vọng ông sẽ tham mưu làm tốt hơn nữa công tác tam nông (nông nghiệp - nông dân- nông thôn) đưa nông nghiệp thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa người dân làm nông nghiệp là một “công nhân” nghề nông thời 4.0. Và cuối cùng chấm dứt cảnh “được mùa rớt giá”, không phải còn thấy cảnh “giải cứu nông sản” ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng.

Với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cử tri mong làm sao từ đô thị đến nông thôn quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch, đô thị phát triển quá nhanh, nông thôn hóa đô thị. Đồng thời, phải tham mưu Chính phủ giải bài toán xây mới nhà chung cư tại các đô thị lớn để góp phần làm cho thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, ngoài chức năng quản lý Nhà nước chuyên môn, giới công chức, viên chức, người lao động luôn mong mỏi làm sao tư lệnh ngành tối giản hóa các văn bằng chứng chỉ trong công tác bổ nhiệm cán bộ và tuyển công chức, viên chức như người tiền nhiệm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân từng hứa trước Quốc hội (theo thống kê có đến 07 loại văn bằng, chứng chỉ…).

Với Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh kỳ vọng tham mưu cho Chính phủ về việc sớm mở cửa du lịch, lữ hành thông qua hộ chiếu vắcxin, người dân kỳ vọng ông sẽ “uốn nắn” xu hướng thương mại hóa tâm linh, để trả lại nét văn hóa, tín ngưỡng đúng nghĩa mà cha ông truyền lại.

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-vong-tu-nhung-tu-lenh-nganh-121368.html