Kỳ vọng vào một nhiệm kỳ đổi mới, vì đoàn viên, người lao động

Đại hội XII Công đoàn Việt Nam được tổ chức từ ngày 24-26.9 được xem là sự kiện quan trọng không chỉ của tổ chức công đoàn mà còn nhận được sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, người lao động.

 Cán bộ công đoàn tư vấn, giải thích cho công nhân trong một cuộc tranh chấp lao động tập thể tại TPHCM - Ảnh: L.T

Cán bộ công đoàn tư vấn, giải thích cho công nhân trong một cuộc tranh chấp lao động tập thể tại TPHCM - Ảnh: L.T

Qua theo dõi báo đài, diễn biến và kết quả của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, tôi rất tin tưởng vào nhiệm kỳ mới, bởi đây thực sự sẽ là một nhiệm kỳ đổi mới, vì đoàn viên, vì người lao động.

Thời gian tới, tổ chức công đoàn sẽ có nhiều thử thách nhưng cũng sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện, thay đổi mình. Là một đoàn viên, tôi cho rằng, trước những thử thách, không chỉ tổ chức công đoàn mà tất cả chúng ta sẽ suy nghĩ và tìm ra được những hướng đi đúng, đặc biệt, với một tổ chức có bề dày lịch sử như tổ chức công đoàn. Và Đại hội vừa qua, với những mục tiêu và phương hướng cụ thể, chúng tôi càng tin tưởng hơn.

Về cá nhân tôi và những đồng nghiệp của tôi, chúng tôi có mấy mong muốn, hy vọng nhiệm kỳ 2018-2023, tổ chức công đoàn sẽ đẩy mạnh thực hiện, mang đến quyền và lợi chính đáng cho người lao động.

Thứ nhất là tiền lương, ở cấp cơ sở, tổ chức công đoàn cần thương lượng với chủ doanh nghiệp để có mức lương cơ bản đảm bảo được cuộc sống của người lao động ở doanh nghiệp của mình. Ở cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổ chức công đoàn cần tham gia, ý kiến mạnh mẽ hơn nữa khi Hội đồng tiền lương quốc gia họp về lương tối thiểu, làm sao tiền lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tôi nghĩ rằng, khi tiền lương được đảm bảo, người lao động sẽ làm chủ được cuộc sống của mình. Từ đó mới có thể nghĩ đến việc nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao trình độ học tập và các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn sẽ thực sự tập trung cho đối tượng khó khăn và đối tượng đó cũng sẽ giảm xuống nhiều khi đời sống của người lao động khá lên.

Thứ hai là các vấn đề về doanh nghiệp để nợ bảo hiểm xã hội. Công đoàn ở cơ sở phải mạnh dạn đấu tranh, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để khi thấy doanh nghiệp có dấu hiệu để nợ bảo hiểm xã hội phải có biện pháp ngay, không để nợ đến hàng chục tỷ đồng rồi mất khả năng chi trả, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Ở công đoàn cấp trên, cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, sau đó là đại diện cho người lao động khởi kiện, đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Thứ ba, các hoạt động chăm lo cho đoàn viên cần thực chất hơn. Đặc biệt, chương trình Phúc lợi cho đoàn viên, thời gian qua, công đoàn có chương trình này, đoàn viên được thụ hưởng nhiều lợi ích. Tuy nhiên, ở cấp cơ sở, nhiều công đoàn cơ sở không mặn mà lắm, tôi cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt và sáng tạo hơn nữa để đoàn viên, người lao động được thụ hưởng lợi ích nhiều hơn từ các chương trình này. Bên cạnh đó, cần có nhiều chương trình hỗ trợ về chỗ ở cho người lao động. Hiện nay, để công nhân mua được nhà là rất khó, đặc biệt là ở các tỉnh công nghiệp, ngoài Bình Dương ra, các tỉnh khác chưa đẩy mạnh nhà ở xã hội cho công nhân nên tôi mong rằng, nhiệm kỳ tới, vấn đề nhà ở công nhân sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa.

Cuối cùng, tôi tin tưởng rằng, với tất cả tình cảm, tâm huyết của các đại biểu thể hiện qua kỳ Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, trong tình hình mới này, tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ và chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Nguyễn Tuấn Kha

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/laodong-vieclam/ky-vong-vao-mot-nhiem-ky-doi-moi-vi-doan-vien-nguoi-lao-dong-633020.ldo