Kỳ vọng về dòng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam

FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng 3 lần trong 7 năm qua và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ sau chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 10/2022 (Ảnh: TTXVN).

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến có nhiều văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Các chuyên gia hy vọng với những hợp tác mới, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ tiếp tục thăng tiến vượt bậc sau những thành tựu của 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Tăng tốc đầu tư vào Việt Nam

11 tháng qua, vốn đầu tư của Trung Quốc (chưa kể Đài Loan, Hồng Kông) đứng thứ 4 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với 3,94 tỷ USD. Xét về số dự án mới, Trung Quốc dẫn đầu (chiếm 22,1%).

Tính lũy kế từ trước đến nay, tổng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam (không kể Hồng Kông, Đài Loan) lên đến 33,71 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số 1.144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Nếu tính cả Hồng Kông, Đài Loan, thì Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng gần 100 tỷ USD, đứng vị trí số 1.

Năm 2019

2,3

Năm 2020

2,46

Năm 2021

2,92

Năm 2022

2,5

11 tháng năm 2023

3,9

Vài năm trở lại đây, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng chóng mặt. Năm 2016, vốn FDI Trung Quốc (chưa kể Đài Loan, Hồng Kông) vào Việt Nam mới đạt tổng cộng hơn 10,5 tỷ USD, thì sau 7 năm đã tăng gấp 3 lần, lên con số 33,71 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình chính trị trên thế giới trong vài năm qua là một trong những lý do các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa địa điểm đầu tư.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Do đó, các nhà đầu tư từ Trung Quốc muốn tìm kiếm cơ hội đặt cơ sở sản xuất để làm hàng xuất khẩu với chi phí rẻ (gồm chi phí nhân công thấp, thuế suất thấp hoặc bằng 0%, chi phí vận tải hợp lý và các dịch vụ liên quan...).

Triển vọng hợp tác rất lớn

Vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành và chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước.

Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Một loạt các dự án mang tính tiêu biểu đã được thực hiện, từ các ngành công nghiệp truyền thống như dệt may, sắt thép đến các lĩnh vực mới nổi như thông tin điện tử, năng lượng mới, kinh tế xanh.

Như Tập đoàn Wingtech, nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ; Tập đoàn Goertek Trung Quốc đã đầu tư thêm một dự án mới với vốn 280 triệu USD và mở rộng một dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh.

Goertek - đối tác lớn của Apple mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh.

Cuối tháng 10/2023, tỉnh Quảng Ninh cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Đứng sau dự án "khủng" này là Jinko Solar Holding - tập đoàn sản xuất tấm quang năng tiên tiến và lớn bậc nhất thế giới đến từ Trung Quốc.

Còn ở Nghệ An, địa phương này liên tiếp nhận 2 dự án "khủng" trong năm nay. Trong đó, Công ty Innovation Precision Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology Trung Quốc) sẽ xây nhà máy hợp kim nhôm tổng vốn 165 triệu USD tại khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Còn Runergy xây nhà máy vật liệu bán dẫn 293 triệu USD...

GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định: "Từ nay đến năm 2025 và dài hơn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc không thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư sang Việt Nam nhằm tận dụng các đối tác xuất khẩu thuận lợi để giao thương hàng hóa".

Theo ông Mại, ưu thế của Việt Nam là hệ thống chính trị, an ninh ổn định, tỷ lệ dân số vàng, có độ mở nền kinh tế lớn, ký kết các hợp tác thương mại rộng khắp và tạo cơ hội xuất khẩu hàng hóa miễn thuế đến nhiều thị trường...

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc lần này được các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI Trung Quốc chất lượng cao. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kỳ vọng chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong thu hút đầu tư dòng vốn chất lượng cao từ nước này.

"Chúng ta cần tập trung thu hút luồng vốn chất lượng cao thì sẽ có ý nghĩa rất tốt để cải thiện hơn nữa chất lượng dòng vốn", ông Toàn nói và cho rằng việc Việt Nam đang thu hút thành công các dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đặc biệt là của Mỹ và EU, sẽ tạo sức hút với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Còn ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng đến chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; Linh kiện điện tử, ô tô điện; Sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen), năng lượng tái tạo; Công nghệ sinh học, y tế; Các dự án lĩnh vực điện, điện tử...

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kỳ vọng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi kinh nghiệm quản trị, phát triển văn hóa kinh doanh; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hợp tác với khu vực trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào cấu trúc, trật tự đầu tư mới và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết các lĩnh vực quan trọng mà phía Trung Quốc nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam là kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số.

"Tôi cho rằng triển vọng hợp tác giữa hai bên trong những lĩnh vực này là rất lớn", ông Hùng Ba nói.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ky-vong-ve-dong-von-fdi-trung-quoc-vao-viet-nam-192231212104456029.htm