Kỳ vọng về Thủ đô xanh, sạch, đẹp

Xử lý rác thải, chất thải rắn thế nào cho bền vững, tránh tình trạng rác tồn thành đống ở khu dân cư, ven đường, hay bãi đất trống nhanh chóng biến thành bãi rác chỉ sau thời gian ngắn, gây ô nhiễm môi trường…

Đó là những vấn đề rất bức thiết từ đời sống đã nhiều lần làm nóng các phiên họp của TP. Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP ngày 12/9, vấn đề này tiếp tục được mổ xẻ để thấy rõ thực trạng và trách nhiệm cụ thể.

Cây xanh nhiều tầng trên đường Võ Chí Công.

Thời gian qua, với mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp trong xử lý rác thải, từ việc phân cấp quản lý, đấu thầu công khai, đến ứng dụng thiết bị cơ giới hoá trong thu gom xử lý rác. TP sáng, xanh, sạch đẹp hơn là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, để giải được hết bài toán thu gom, xử lý triệt để rác thải, chất thải rắn vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Bởi theo số liệu thống kê sơ bộ từ các cơ quan chức năng, hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, nhưng phần lớn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, công nghệ còn lạc hậu. Tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp tập trung đã được nhiều lần nhắc đến, chưa kể việc thiếu các điểm trung chuyển phù hợp và cả việc một bộ phận người dân xả rác không đúng quy định, tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng ra đường gây mất vệ sinh cũng là những vấn đề làm “đau đầu” các nhà quản lý.

Có đại biểu HĐND TP đã đặt vấn đề, nếu không tập trung đầu tư các dự án xử lý rác thải thì không thể giải quyết triệt để. Trả lời cho vấn đề đó, lãnh đạo TP đã nhiều lần khẳng định, mục tiêu của TP là kêu gọi đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý, biến rác thải thành nguồn nguyên liệu có ích. Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý và chuyển hóa rác thành năng lượng, sản phẩm có ích. Như Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã thông tin tại phiên giải trình, sau hội nghị xúc tiến đầu tư 2016, đến nay đã có 36 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi hồ sơ để tham gia đầu tư vào các nhà máy xử lý rác thải. TP cũng đã xây dựng 12 tiêu chí rõ ràng để lựa chọn nhà đầu tư, trong đó công nghệ phải đảm bảo đốt và phát điện, không thải ra khí dioxin, ưu tiên công nghệ mới, công nghệ xanh… Một thông tin đáng mừng là TP đã lựa chọn được nhà đầu tư vào khu xử lý rác thải Nam Sơn, dự kiến trước 10/10/2017 sẽ khởi công nhà máy công suất giai đoạn I là xử lý 2.000 tấn/ngày đêm theo công nghệ đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Câu trả lời đối với rác thải xây dựng cũng đã được đưa ra khi Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện có một số DN đứng ra nhập máy nghiền để tận dụng nguồn nguyên liệu phế thải đập từ các tòa nhà nghiền ra thành cát. TP đã chọn địa điểm ở Hoàng Mai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh để đề nghị sớm triển khai dự án. Như vậy, phế thải sẽ không còn là đồ bỏ đi mà sẽ trở thành vật liệu có ích.

Có thể nói rằng, dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng với những giải trình của các đơn vị và chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo TP, nhiều người hy vọng rằng, trong một thời gian không xa, rác thải, chất thải rắn tại Hà Nội sẽ được xử lý, tái chế tạo thành nguồn nguyên liệu có ích, vì một Thủ đô xanh, sạch, đẹp.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-vong-ve-thu-do-xanh-sach-dep-297909.html