Kỳ vọng vốn ngoại tích cực hơn trong năm 2020

Sau một năm đầy rẫy biến động trong các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, dự báo Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại nhờ vào sự phát triển của các ETF mới cũng như khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân cùng với việc nâng hạng thị trường sẽ tạo ra sự khác biệt giúp thu hút vốn ngoại ngay cả khi bối cảnh chung không thuận lợi. Ảnh: N.H

Câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân cùng với việc nâng hạng thị trường sẽ tạo ra sự khác biệt giúp thu hút vốn ngoại ngay cả khi bối cảnh chung không thuận lợi. Ảnh: N.H

Biến động dòng vốn ngoại

Nếu nhìn tổng thể, khối ngoại đã mua ròng hơn 6,56 nghìn tỷ đồng trên sàn HoSE trong năm 2019. Tuy nhiên, việc mua ròng xuất phát từ một vài giao dịch M&A lớn, với điểm nhấn là giao dịch mua VIC của SK Group ngày 21/5. Tổng giá trị mua thỏa thuận VIC trong phiên này đạt hơn 5,82 nghìn tỷ đồng, chiếm 2/3 giá trị mua ròng qua thỏa thuận của cả năm 2019. Với kênh khớp lệnh, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,67 nghìn tỷ trong đó phần lớn giá trị bán ròng tập trung vào 5 tháng cuối năm (5,3 nghìn tỷ), ngược với xu hướng mua ròng của 4 tháng đầu năm (2,8 nghìn tỷ).

Do các giao dịch khớp lệnh có ảnh hưởng lớn hơn đến giá cổ phiếu nên xu hướng thị trường cũng diễn biến tương đồng. Điểm tích cực là dù áp lực bán ròng mạnh về cuối năm nhưng VNIndex vẫn không quay trở lại điểm xuất phát. Có được điều này một phần là nhờ các cổ phiếu có vai trò dẫn dắt xu hướng như VCB, BID ít chịu áp lực bán ròng. Trong 5 tháng cuối năm, VCB chỉ bị bán ròng 156 tỷ đồng còn BID được mua ròng 256 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh. Một lý do khác là các cổ phiếu vốn hóa lớn và có nền tảng cơ bản như VNM đã xuống vùng giá thấp.

So với xu hướng mua, bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thì dòng tiền qua kênh ETF có phần tích cực hơn. Các quỹ ETF liên tục có dòng tiền vào trong 7 tháng đầu năm và tính tổng cả năm các quỹ ETF đã mua ròng giá trị tương đối lớn. Thống kê với riêng 3 quỹ VFM VN30, Van Eck ETF và DB FTSE, tổng giá trị mua ròng đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, trong đó VFMVN30 chiếm tỷ trọng 47%.

Xu hướng mua ròng của các quỹ ETF ở một vài giai đoạn có phần khác biệt với xu hướng dòng vốn ở thị trường mới nổi. Trong tháng 6 khi ETF ở Việt nam có dòng tiền vào tốt thì các quỹ của EM lại có dòng tiề ra. Đến cuối năm khi các quỹ quản lý thị trường mới nổi (quỹ EM) có dòng tiền vào mạnh thì dòng vốn vào ETF ở Việt Nam vẫn chậm. Sự “chậm trễ” của dòng vốn nước ngoài qua các ETF là một lý do khiến chỉ số VNIndex vẫn chưa thể bứt phá giống như MSCI EM Index.

Cơ hội hút vốn trong năm 2020

Theo quan sát của Công ty chứng khoán SSI, thời gian gần nhất khi dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi là từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019 với tổng cộng gần 40 tỷ USD. Sau 3 tháng căng thẳng thương mại, tuyên bố "đình chiến" giữa Mỹ và Trung Quốc được coi là điểm khởi đầu cho tâm lý tích cực và dòng vốn đảo chiều.

SSI đánh giá bối cảnh hiện tại gần như tương đồng. Mỹ và Trung Quốc gần như chắc chắn có thỏa thuận giai đoạn 1. Dòng vốn vào cổ phiếu bắt đầu có sự phân hóa giữa thị trường phát triển và thị trường mới nổi. Trên chặng đường chinh phục các mốc cao mới của chỉ số chứng khoán Mỹ, dòng tiền của các quỹ vào cổ phiếu Mỹ chưa khi nào ghi nhận 3 tuần có dòng tiền vào liên tiếp. Vào tuần cuối tháng 12, có tới 23,6 tỷ USD rút khỏi thị trường Mỹ, mức cao nhất trong 1 năm. Ngược lại, dòng vốn vào cổ phiếu tại các thị trường mới nổi ghi nhận có 21,2 tỷ USD đổ vào trong 9 tuần liên tiếp trong đó điểm đến chủ yếu là các quỹ toàn cầu (GEM) và khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản).

Khảo sát hàng tháng của Bank of America Merrill Lynch (BAML) cho thấy các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đã lạc quan hơn. Trong đợt khảo sát tháng 12/2019, có tới 29% trong số 247 nhà quản lý quỹ (với tổng tài sản quản lý 745 tỷ USD) cho rằng kinh tế toàn cầu 2020 sẽ tăng tốc. Tỷ trọng phân bổ tài sản đầu tư vào cổ phiếu đã tăng liên tục trong 4 tháng khảo sát gần nhất, chuyển từ 12% “kém khả quan” (8/2019) “sang triển vọng vượt trội” 31% (12/2019) – mức cao nhất trong năm 2019.

Bên cạnh dòng vốn được phân bổ theo chiến lược đầu tư toàn cầu, thị trường Việt Nam trong năm 2020 sẽ chứng kiến nhiều ETF mới mô phỏng chỉ số VN30 cũng như bộ 3 chỉ số mới của sàn HOSE. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang được FTSE cân nhắc nâng hạng và chỉ còn một tiêu chí về thanh toán chưa thỏa mãn. Nếu có những bước đi cụ thể nhằm khơi thông điều kiện này thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để vào Việt nam.

Trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế, những thay đổi có thể tạo ra chuyển biến lớn trong nền tảng kinh tế hay thị trường chứng khoán sẽ là một câu chuyện hấp dẫn. Vào năm 2015 khi Trung Quốc có khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng tiền nước ngoài đã ồ ạt đổ vào nước này (dù sau đó Trung Quốc chưa được nâng hạng, dòng tiền cũng vì vậy mà bị rút mạnh). Cuối năm 2016, Brazil có tổng thống mới theo đường lối “thân thiện” với doanh nghiệp, tương tự như ở Mỹ với tổng thống Donald Trump. Điều này đã thúc đẩy dòng vốn đổ về Brazil và Mỹ trong năm 2017. “Đối với Việt Nam, kết hợp câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân với nâng hạng thị trường sẽ tạo được sự khác biệt và vì vậy có thể thu hút được dòng vốn ngay cả khi bối cảnh chung không thuận lợi” – báo cáo của SSI nhận định.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ky-vong-von-ngoai-tich-cuc-hon-trong-nam-2020-118680.html